Công ty Cổ phần Trang - Trangcorp (Mã: TFC) vừa tổ chức Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu TFC. Theo đó, Trang dự kiến niêm yết 11 triệu cổ phiếu lên sàn HNX trong tháng 11/2015 với giá tham chiếu dự kiến 35.000 đồng/cổ phiếu.

9 tháng lãi sau thuế 40 tỷ đồng, EPS 4.500 đồng

Ông Võ Thiên Chương, Giám đốc Tài chính TFC cho biết kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 với 329 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 5%. EPS tương ứng đạt 4.500 đồng. Như vậy, TFC đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận của năm 2015.

Ông Chương cũng cho biết năm nay, TFC dự kiến chi cổ tức 25% bằng cổ phiếu. Năm 2016, lượng cổ tức chi trả dự kiến là 25% nhưng chưa xác định bằng tiền hay cổ phiếu. Đến giai đoạn 2017 - 2019, tỷ lệ cổ tức khoảng 30% và cũng chưa xác định hình thức chi trả.

Hiện tại, TFC đang phân phối các sản phẩm tại các chuỗi siêu thị Costco, Walmart (Mỹ), Sainbury's, Iceland (Anh), Woodworths (Úc), Semiwon Food (Hàn Quốc), KFC châu Á... Theo kế hoạch, từ năm 2016, Công ty sẽ mở rộng thêm thị trường tại châu Á, Nhật Bản, Trung Đông và mở rộng nhà máy mới, đáp ứng việc sản xuất hàng giá trị gia tăng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hưởng lợi TPP, ông Chương nói, mức thuế mà các sản phẩm của TFC phải chịu khi nhập khẩu sang Mỹ, Úc gần như bằng 0%, riêng vào châu Âu là 7%. Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, mức thuế này sẽ giảm từ 7% xuống còn 0% và đương nhiên Trang hưởng lợi.

Về tiềm năng phát triển thị trường, đại diện Trang khẳng định các sản phẩm của Trang đang rất cạnh tranh so với hàng cùng loại trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Ng tiêu dùng thế giới rất lo lắng cho hàng Trung Quốc vì sợ độc hại. Với các khách hàng từ Úc và Mỹ, họ hoài nghi về Trung Quốc nên Trang kỳ vọng 2 thị trường này.

Sản phẩm đến từ tôm hiện đóng góp 70% doanh thu, lợi thế của Trang là có nguồn tôm mạnh. Công ty cũng có 1 số trang trại nuôi tôm riêng, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trang.

Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của ngành thủy sản là 3%, nhưng Trang lại chế biến hàng giá trị gia tăng từ tôm nên tỷ suất này từ 8-10%, vòng quay vốn 70 ngày nên hiệu quả đầu tư cao hơn ngành thủy sản. 

Tỷ lệ nợ ngắn hạn/vốn dưới 2 lần tại ngày 30/9

Ông Chương cho biết, có thời điểm nợ vay ngắn hạn/vốn của TFC là 2,5 lần. Tuy nhiên,đối với Trang, quy mô vốn tương đối nhỏ, thời điểm 2012-2013, vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng trong khi doanh số khoảng 400 tỷ đồng, tức là gấp khoảng 20 lần. Do đó, hệ số đòn bẩy Trang dùng khá lớn. 

Hiện nay, nợ vay dài hạn của Trang chưa tới 10 tỷ đồng, trong khi đó nợ ngắn hạn khoảng 7-9 triệu USD, tương đương 150 – 180 tỷ đồng và luôn duy trì ở mức đó khi vốn điều lệ nhỏ. Vừa qua, TFC cũng phát hành 3 triệu cổ phần, thu về thặng dư hơn 50 tỷ đồng. 

Hiện nay, cơ cấu nợ của Trang đã giảm đi nhiều. Tính đến thời điểm 30/9, nợ vay ngắn hạn còn khoảng dưới 2 lần. Xu hướng sắp tới, Trang đầu tư thêm sẽ huy động vốn bên ngoài để giảm áp lực nợ vay ngắn hạn, tuy nhiên cũng sẽ giữ cơ cấu phù hợp để có lợi cao nhất cho cổ đông.

Ông Chương cũng cho biết thêm, nợ vay ngắn hạn của Trang chủ yếu là vay USD, lãi suất 2,7-3,5%/năm.  

Cổ đông sáng lập cam kết nắm giữ  tối thiểu 51% vốn trong 3-5 năm đầu

Hiện TFC có 173 cổ đông, trong đó có 167 nhà đầu tư trong nước. Có ba cổ đông đang nắm trên 5% cổ phần Trang gồm có: ông David Hồ, Chủ tịch HĐQT TFC, ông Hồ Văn Trung, Thành viên HĐQT kiêm cố vấn chiến lược Công ty và bà Nguyễn Minh Nguyệt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TFC . 


Ông Chương cho biết, trong một vài năm tới, Trang cũng sẽ huy động thêm vốn đầu tư từ các tổ chức định chế tài chính, đối tác chiến lược ngành, sau đó là nhà đầu tư cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, cổ đông sáng lập công ty cam kết nắm giữ tối thiểu 51% vốn điều lệ trong 3-5 năm sau niêm yết; thời gian tiếp theo nắm giữ 36%. 

 

Khổng Chiêm