Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay rơi đúng vào một cột mốc quan trọng đó là kết thúc đàm phán TPP. Các doanh nhân đón nhận thông tin này với tâm thế nào, họ cần chuẩn bị gì cho vận hội mới… ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM NGỌC HƯNG (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN TPHCM, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thông tin kết thúc đàm phán TPP hẳn là điều khiến Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay thêm đặc biệt, thưa ông?

Ông PHẠM NGỌC HƯNG: - TPP là thông tin được mong chờ từ rất lâu nên khi các nước thành viên tuyên bố kết thúc đàm phán thực sự là tin vui cho giới doanh nhân Việt Nam. Họ kỳ vọng TPP tạo ra vận hội mới, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Có không ít DN đã đón đầu đầu tư để chuẩn bị cho TPP từ khá sớm.

Tôi có thể thí dụ như Công ty Liên doanh sợi, dệt, nhuộm, in vải Nam Phương (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Công) và CTCP Đầu tư phát triển Việt Hương, chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 1 và 2), ngay từ năm 2014 đã đầu tư 120 triệu USD để xây dựng nhà máy khép kín từ khâu sợi, dệt, nhuộm in vải. Bước sang năm 2015 số vốn đầu tư của liên doanh này đã được nâng lên 160 triệu USD, dự kiến sản xuất 100 triệu mét vải/năm cung cấp toàn bộ cho thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, những DN, doanh nhân mạnh dạn đầu tư đón đầu cơ hội, vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi cho đến nay còn rất nhiều DN, nhất là DNVVN chưa hiểu rõ hiệp định trên sẽ liên quan đến ngành nghề của mình như thế nào, nên gần như chưa có những chuẩn bị cần thiết.

- Chưa hiểu rõ, sẽ dễ loay hoay và nhiều ý kiến đã cảnh báo DN cần thận trọng để không bỏ lỡ cơ hội như khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chia sẻ của ông về điều này?

- Đúng là thời gian đầu DN sẽ gặp khó. Nhưng điểm mạnh của các DNVVN Việt Nam chính là khả năng xoay chuyển khá nhanh. Khó không có nghĩa là đứng yên mà phải tìm mọi cách để thoát. Hội nhập cũng là lúc phải có tầm nhìn rộng, dài hạn.

Thị trường TPP mang lại rất rộng lớn. Như trường hợp của Công ty Nam Phương, với khoản đầu tư 160 triệu USD, liên doanh này sẽ cung ứng 100 triệu mét vải/năm, nhưng nếu so với nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ đây là con số còn rất khiêm tốn.

Theo những thống kê mới đây, 1 năm Hoa Kỳ cần 5 tỷ sản phẩm áo, tương đương 6 tỷ mét vải. Như vậy thị trường này rất bao la và nhiều cơ hội cho DN dệt may Việt Nam. Hiệp hội nhiều lần chia sẻ cùng các DN, thấy rằng không phải DN nào cũng thiếu vốn, nhưng quan trọng có quyết tâm đầu tư hay không. Nhiều người cho rằng chưa có thị trường làm sao dám đầu tư. Vậy xin hỏi ngược lại, đợi đến khi có thị trường liệu còn kịp đầu tư hay không.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, chủ một DN trong ngành dệt may chia sẻ: Điều quan trọng trong TPP chính là yêu cầu xuất xứ, tức nguyên phụ liệu phải xuất phát từ Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP và đây chính là cơ hội cho DN Việt Nam. Thật ra vấn đề đầu tư vào nguyên phụ liệu chúng ta đã nói từ lâu nhưng đến này dường như vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Rất nhiều ngành, trong đó có dệt may, có kim ngạch xuất rất cao, nhưng nguyên liệu để làm ra sản phẩm lại chủ yếu nhập ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc.

Về việc tham gia WTO, đúng là có nhiều cơ hội đã bị chúng ta bỏ lỡ. Nhưng với TPP thì khác, vì nếu bỏ lỡ nữa sẽ không biết đến khi nào Việt Nam mới có được một cơ hội rõ ràng như vậy. Tham gia TPP ràng buộc nhiều hơn, khó khăn cũng nhiều hơn nhưng lại là cơ hội để DN, doanh nhân Việt phấn đấu thúc đẩy mình lớn mạnh hơn. Đặc biệt ngày nay tầm vóc doanh nhân Việt cũng khác hơn, trưởng thành hơn so với những năm trước, nên chắc chắn việc nắm bắt cơ hội sẽ tốt hơn.

- Lâu nay DN nội vẫn bị đánh giá thua kém hơn so với DN FDI. Vậy khi hội nhập ngày càng sâu rộng, điều này có đáng lo ngại, thưa ông?

- DN FDI cũng là một bộ phận của nền kinh tế. Có TPP nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn đổ vốn nhiều hơn vào Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Trong bối cảnh ấy, các DN Việt Nam nên chọn hướng liên kết để phát triển. Thực tế những năm qua đã có nhiều DN, doanh nhân đi theo hướng này. Như doanh nhân Kao Siêu Lực, khi có nhiều thương hiệu thức ăn nhanh vào Việt Nam trong khi mọi người bàn chuyện cạnh tranh, doanh nhân này xây dựng DN mình trở thành nhà cung cấp bánh mì cho hầu hết thương hiệu lớn tại Việt Nam.

Vấn đề ở đây chính là chất lượng. Hội nhập cũng có nghĩa là chúng ta không còn trong ao làng mà phải bước ra biển lớn toàn cầu. Về đánh giá DN nội thua kém DN FDI khi DN nội chủ yếu là gia công, nhưng tương lai khi DN nội mạnh hơn sẽ có sự tự phân công. Quan trọng là DN Việt Nam tích lũy ra sao. Hoặc việc lâu nay vẫn có sự bất bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân, nhưng khi vào TPP điều này chắc chắn sẽ thay đổi và bản thân DNNN cũng phải chuyển mình.

- Sự nỗ lực của DN, doanh nhân không thể thiếu sự đồng hành của Nhà nước. Vậy theo ông Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN như thế nào?

- Trước hết Nhà nước phải thông tin cụ thể, chi tiết với từng ngành nghề về tác động cũng như những cơ hội DN thuộc ngành nghề đó sẽ được hưởng. Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo hơn nữa trong việc đào tạo lao động có tay nghề cao. Riêng về vấn đề vốn nên có quỹ đặc biệt về lãi suất để DN đầu tư công nghệ trong trung và dài hạn. Hệ thống pháp luật cũng cần phải minh bạch và ít thay đổi hơn, vì hiện nay cả DN trong và ngoài nước đều cho rằng một trong những rủi ro lớn trong kinh doanh là rủi ro về pháp lý.

Tất nhiên, DN cũng có thể phần nào an tâm vì khi có TPP, cơ chế của Việt Nam cũng phải thay đổi theo những quy định chung, DN sẽ được hưởng lợi hơn từ những điều này. TPP đưa ra những tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, chống tham nhũng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Điều này buộc bộ máy hành chính phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của DN làm trọng tâm phục vụ.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Lâm (thực hiện)
Sài gòn đầu tư tài chính

Nguồn: Sài gòn đầu tư tài chính