Giá trong nước cao giúp các nhà máy sản xuất đường nội địa hưởng lợi, nên họ không muốn xuất đi. Tuy nhiên, các lô hàng từ Ấn Độ giảm lại hỗ trợ giá toàn cầu bởi nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil được dự đoán thấp hơn nên các nhà giao dịch đang dựa vào Ấn Độ để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Sau khi xuất khẩu kỷ lục 7,5 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại, các nhà máy Ấn Độ cho đến nay đã ký hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn trong năm tiếp thị 2021/22 bắt đầu từ ngày 1/10/2021. Phần lớn các giao dịch đó đã được ký kết vào tháng 8/2021, nhưng giá đường tại Ấn Độ tăng vọt đã khiến các hợp đồng mới gần như bằng 0, các đại lý cho biết.
Giá nội địa SUG-MMZR-NCX đã tăng 13% trong hai tháng lên 36.900 rupee (500,39 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2017, sau khi xuất khẩu tăng mạnh trong năm hiện tại và nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Các nhà xuất khẩu đã trả giá cho các nhà máy lên tới 31.5000 rupee cho đường thô và 32.000 rupee cho đường trắng.
Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, sẽ công bố mức giá khuyến nghị đối với đường mía (mức giá bắt buộc các nhà máy phải trả cho người trồng) trong vài tuần tới.
Một thương nhân ở New Delhi cho biết, giá đường thô toàn cầu cần phải tăng trên 21 cent/lb thì xuất khẩu đường từ Ấn Độ mới khả thi, hoặc Chính phủ cần một lần nữa buộc các nhà máy phải xuất khẩu một lượng nhất định. Mặc dù tình hình xuất khẩu đang chững lại, nhưng trong vụ mới, Ấn Độ vẫn có thể xuất khẩu tới hơn 5 triệu tấn đường.
Trong những tháng tới, giá toàn cầu sẽ tăng lên còn giá nội địa sẽ điều chỉnh với nguồn cung vụ mới, khiến xuất khẩu từ Ấn Độ trở nên khả thi.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters