Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm khi những lo ngại về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung át đi nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 0,95% (0,59 USD) xuống 61,51 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,59% xuống 52,41 USD/thùng.
Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố chi phối giá dầu giao kỳ hạn. Số liệu mới nhất tại thị trường châu Á cho thấy chỉ số đồng USD hiện ở mức 97,06, sau khi tăng 0,45% trong phiên 11/2/2019 - mức tăng lớn nhất kể từ phiên 24/1/2019.
Các cuộc đàm phán sơ bộ ở cấp thấp hơn bắt đầu diễn ra ngày 11/2/2019 trước khi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ tham gia cuộc đàm phán chính vào ngày 14-15/2 tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 11/2/2019 cho hay Bắc Kinh hy vọng các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, trong bối cảnh vòng đàm phán mới về vấn đề này đã bắt đầu tại thủ đô Bắc Kinh.
Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.
Giới thương gia đã dự đoán giá dầu sẽ giảm xuống, do nguồn cung dồi dào từ Mỹ, trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ làm nhu cầu sụt giảm.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán giá dầu thô trên toàn cầu trung bình sẽ ở mức bình quân 61 USD/thùng trong năm 2019 và 65 USD/thùng vào năm 2020. Dự báo này thấp hơn khoảng 11 USD/thùng so với con số dự đoán mà EIA đưa ra hai tháng trước đó.
Tuy nhiên, giá dầu từ đầu năm tới nay vẫn được nâng đỡ bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh kiềm chế sản lượng.
Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy, nguồn cung dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng Một vừa qua đã giảm mạnh nhất trong hai năm. Trong lúc Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Nga cũng đang tuân thủ cam kết giảm dần sản lượng dầu của nước này và đã giảm đi 47.000 thùng/ngày trong tháng Một so với tháng 10/2018.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của khối này dự kiến nhóm họp trong các ngày 17-18/4/2019 tại Vienna, Áo, nhằm xem xét lại thỏa thuận đã có hiệu lực từ tháng 1/2019 nhằm cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày tổng cộng cho đến cuối tháng 6/2019. Các biện pháp trừng phạt Mỹ đưa ra đối với Venezuela và Iran đang ngăn giá dầu giảm hơn nữa.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ trong phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần bởi dự báo nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng do thời tiết trở lạnh hơn trong bối cảnh các nhà đầu tư thời gian qua chỉ mua vừa phải bởi giá ổn định ở mức thấp trong suốt tuần vừa qua.
Khí gas kỳ hạn giao tháng 3/2019 trên sàn New York kết thúc phiên tăng 8,6 US cent tương đương 3,3% lên 2,670 USD/mmBtu, trong phiên có lúc giá tăng 6 USD lên 2,744 USD, cao nhất kể từ 1/2/2019. Ngày 7/2/2019, hợp đồng này đã giảm giá xuống chỉ 2,551 USD, thấp nhất kể từ tháng 8/2016.
Giá than nhiệt trên thị trường Australia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 vì nhiều tàu chở than không thể dỡ hàng tại Trung Quốc mà chưa rõ lý do. Giá than nhiệt Australia ở cảng Newcastle (hợp đồng giao ngay) hiện ở mức 95,75 USD/tấn. Từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng này đã giảm 6% do nhập khẩu than của Trung Quốc giảm mạnh.
Trên sàn Đại Liên (Trung Quốc), giá than luyện cốc trong phiên vừa qua cũng giảm 0,6% xuống 1.267,6 CNY/tấn, còn than cốc tăng nhẹ 0,8% lên 2.096,5 CNY/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm khi các nhà đầu tư hướng đến đồng USD và coi đó như là một trong những "nơi trú ẩn an toàn". Vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.308,18 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,5% xuống 1.311,9 USD/ounce. Chỉ số đồng USD so với giỏ sáu đồng tiền chính trên thị trường đã lên mức cao nhất trong tám tuần.
Bart Melek, chuyên gia thuộc TD Securities tại Toronto (Canada), nhận định yếu tố chính chi phối thị trường vàng trong phiên vừa qua là sự mạnh lên của đồng USD. Theo chuyên gia Bart Melek, việc Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang làm suy yếu đồng tiền của các thị trường đang nổi và tạo điều kiện cho đồng USD tăng giá - yếu tố gây sức ép đối với giá vàng.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được nối lại trong tuần này với việc phái đoàn Mỹ sẽ tới Trung Quốc và tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.
Tuy nhiên, thông báo hồi tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thời hạn chót 1/3, đang “làm lu mờ” những hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận về vấn đề thương mại.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giảm 1,8% xuống 783,50 USD/ounce; giá bạc giảm gần 1% xuống 15,67 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch đã tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại nguồn cung từ Brazil – nước cung cấp quặng sắt lớn thứ 2 thế giới – có thể giảm sút sau thảm họa vỡ đập Lanjeiras của tập đoàn Vale vào ngày 25/1/2019 khiến trên 300 người bị thiệt mạng.
Hợp đồng giao dịch quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục 625 CNY (96,26 USD)/tấn trong phiên vừa qua. Các kỳ hạn giao tháng 3, 7, 9 và 11/2019 cũng tăng giá mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư tích cực mua vào.
Chính phủ Brazil tuần trước đã thu hồi giấy phép sử dụng 8 con đập chứa chất thải của hãng Vale sau thảm họa vỡ đập tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 9% sản lượng quặng sắt hàng năm của hãng (các nhà phân tích đã nâng mức độ sản lượng quặng bị ảnh hưởng từ 40 triệu tấn đánh giá ban đầu lên 70 triệu tấn).
Giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng mạnh trong phiên vừa qua. Cụ thể, thép cây trong phiên có lúc tăng hơn 4% lên 3.908 CNY/tấn, cao nhất trong vòng 5 tháng, bởi các thương gia dự báo nguồn cung trong những tháng sắp tới sẽ bị thiếu hụt. Kết thúc phiên, thép cây tăng 2,4% lên 3.825 CNY/tấn.
Thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải cũng tăng 2,3% lên 3.709n CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2018.
Thành phố Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) sẽ hạn chế sản xuất thép trong giai đoạn tháng 4-9/2019 để cải thiện chất luộng không khí. Trong khoảng thời gian đó, các nhà máy thép sẽ phải giảm một nửa công suất thiêu kết (quá trình chuẩn bị thép thô để luyện thành thép).
Hãng thông tấn Yonhap ngày 4/1 dẫn tin từ Hiệp hội Thép Thế giới cho biết, tổng sản lượng thép thô trên toàn thế giới năm 2018 đạt 1,88 tỷ tấn, tăng 4,6% so với năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu, đạt 928,3 triệu tấn năm 2018 (tăng 6,6%) và chiếm tỷ trọng 51,3% tổng sản lượng thép toàn cầu, tăng nhẹ so với con số 50,3% năm 2017. Những nước sản xuất lớn khác là Ấn Độ (106,5 triệu tấn), Nhật Bản (104,23 triệu tấn) và Mỹ (86,7 triệu tấn), Hàn Quốc đạt 72,5 triệu tấn, tăng 2% và chiếm 4% tổng sản lượng thép toàn cầu.
Mấy năm gần đây, ngành công nghiệp thép thế giới ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung do năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu. Trong báo cáo công bố tại Diễn đàn thép toàn cầu diễn ra hồi tháng 9/2018, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay sản xuất thép thế giới đã giảm hai năm liên tiếp song vẫn chưa đủ để giải tỏa tình trạng dư thừa nguồn cung.
OECD dự báo từ năm 2018 đến năm 2020, công suất thép toàn cầu sẽ tăng thêm 52 triệu tấn do sẽ có nhiều quốc gia mở rộng năng lực sản xuất.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 2,4 US cent tương đương 2,3% xuống 1,002 USD/lb vào cuối phiên vừa qua, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/1/2019 là 99,85 US cent. Đồng real Brazil yếu đi so với USD đã kích thích người trồng cà phê của nước này bán hàng ra. Xuất khẩu cà phê xanh của Brazil trong tháng 1/2019 đã tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với robusta, hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2019 cũng giảm 26 USD tương đương 1,7% xuống 1.504 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 1.599 USD/tấn.
Giá đường thô giao tháng 3/2019 giảm 0,04 US cent tương đương 0,3% xuống 12,67 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 7,6 USD tương đương 2,3% xuống 326,30 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất 5 tuần là 325,9 USD/tấn.
Giá chè trên sàn Kochi (Ấn Độ) đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp, mặc dù lượng cung trên thị trường không nhiều do ảnh hưởng bởi sương giá.
Giá chè trung bình hiện ở mức 126,41 rupee/kg, so với 128,15 rupee cách đây một tuần. Chè ngon có giá khoảng 121-170 rupee, trong khi chất lượng trung bình giá 99 – 128 rupee, còn chất lượng thấp từ 85 – 98 rupee/kg.
Sản lượng chè Ấn Độ năm 2018 giảm 0,8% so với năm trước đó, chỉ đạt 1.311,63 triệu kg, khiến cho xuất khẩu của nước sản xuất chè đen lớn thứ 2 thế giới này cũng giảm 1,1%.
Giá lúa mì trên các thị trường đồng loạt giảm do nguồn cung lớn và lo ngại nhu cầu sẽ yếu đi nếu các cuộc thương lượng thương mại Mỹ - Trung không đạt kết quả như mong đợi. Tại Nga, giá lúa mì Biển Đen xuất khẩu loại 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 2/2019 giảm 2 USD so với các đây một tuần, xuống 243 USD/tấn (FOB) trong bối cảnh giá lúa mì trong nước giảm mạnh. Tại Chicago (Mỹ), lúa mì giảm 0,6% xuống 5,14 USD/bushel, trong khi đó tại Paris (Pháp), giá giảm 1,25 euro tương đương 0,6% xuống 201,75 euro (227 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

52,41

-0,31

-0,59%

Dầu Brent

USD/thùng

61,61

-0,49

-0,79%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

41.310,00

+520,00

+1,27%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,64

+0,06

+2,28%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

141,92

-2,72

-1,88%

Dầu đốt

US cent/gallon

189,22

-1,63

-0,85%

Dầu khí

USD/tấn

577,25

-2,75

-0,47%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

57.190,00

+430,00

+0,76%

Vàng New York

USD/ounce

1.311,90

-6,60

-0,50%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.626,00

+17,00

+0,37%

Bạc New York

USD/ounce

15,69

-0,12

-0,75%

Bạc TOCOM

JPY/g

55,70

+0,30

+0,54%

Bạch kim

USD/ounce

786,60

-0,11

-0,01%

Palađi

USD/ounce

1.388,84

-1,11

-0,08%

Đồng New York

US cent/lb

279,00

-2,05

-0,73%

Đồng LME

USD/tấn

6.210,00

-36,00

-0,58%

Nhôm LME

USD/tấn

1.881,00

-13,00

-0,69%

Kẽm LME

USD/tấn

2.704,00

-27,00

-0,99%

Thiếc LME

USD/tấn

21.050,00

+100,00

+0,48%

Ngô

US cent/bushel

372,75

-1,50

-0,40%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

518,25

+1,00

+0,19%

Lúa mạch

US cent/bushel

282,25

-2,00

-0,70%

Gạo thô

USD/cwt

10,27

-0,09

-0,92%

Đậu tương

US cent/bushel

905,00

-9,50

-1,04%

Khô đậu tương

USD/tấn

304,90

-1,20

-0,39%

Dầu đậu tương

US cent/lb

30,57

-0,62

-1,99%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

479,70

-3,60

-0,74%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.265,00

+30,00

+1,34%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

103,30

-2,30

-2,18%

Đường thô

US cent/lb

12,49

-0,17

-1,34%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

118,35

-2,60

-2,15%

Bông

US cent/lb

70,55

-2,00

-2,76%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

404,10

-15,00

-3,58%

Cao su TOCOM

JPY/kg

178,90

+1,10

+0,62%

Ethanol CME

USD/gallon

1,32

+0,01

+0,76%

Nguồn: VITIC/Bloomberg. Reuters. CafeF

Nguồn: Vinanet