Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô diễn biến trái chiều sau báo cáo của OPEC. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2019 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 0,35 USD, chốt phiên ở mức 58,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2019 tại Sàn London giảm 0,32 USD, xuống 67,23 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng 3/2019 đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 và nhận định tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC năm nay sẽ mạnh.
Báo cáo của OPEC cho biết, trong năm 2019, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 1,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức ước tính 1,43 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC năm nay được điều chỉnh tăng 0,06 triệu thùng/ngày, lên 2,24 triệu thùng/ngày. Theo OPEC, Mỹ, Brazil, Nga, Anh và Australia là những nước có đóng góp chính trong tăng trưởng nguồn cung.
Trong báo cáo, OPEC nhận định nhu cầu dầu mỏ được cho là sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng nguồn cung dự kiến ở ngoài OPEC, cho thấy tất cả các nước sản xuất vẫn cần tiếp tục chia sẻ trách nhiệm để tránh xảy ra tình trạng mất cân đối và hỗ trợ thị trường ổn định trong năm nay.
Số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,3% trong tháng 1 và 2/2019, thấp nhất trong vòng 17 năm. Số liệu từ Mỹ cũng cho thấy bán nhà mới đơn lẻ tại nước này trong tháng 1 vừa qua giảm nhiều hơn dự kiến và ở mức ít nhất trong vòng 17 năm. Những điều này có thể gây áp lực giảm nhu cầu dầu của các thị trường này nói riêng cũng như của thế giới nói chung.
Với mặt hàng khí tự nhiên, nhu cầu tại Trung Quốc đang gia tăng do sự điều chỉnh cơ cấu năng lượng và chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ nước này, theo đó tăng cường dự án chuyển đổi từ than đá sang khí đốt tự nhiên đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng sạch phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Tỷ trọng khí đốt tự nhiên hiện nay trong các năng lượng sử dụng tại Trung Quốc hiện tương đối thấp, ước vào khoảng 7-8%, và mục tiêu trong tương lai sẽ là 15%.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nhập khẩu khí tự nhiên của Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng 31,9% so với năm trước đó, lên 90,39 triệu tấn. Số liệu của NBS cũng cho thấy cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tiếp tục cải thiện trong năm 2018, với tỷ trọng năng lượng sạch (bao gồm khí đốt tự nhiên và thủy điện) trong tổng mức tiêu thụ năng lượng đã tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống dưới 1.300 USD/ounce lần thứ hai trong tháng này, giữa bối cảnh mối lo ngại về Brexit “không thỏa thuận” lắng dịu và đồng USD lên giá.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.296,51 USD/ounce; vàng giao sau giảm 1,1% xuống 1.295,1 USD/ounce.
Nhà phân tích Suki Cooper, thuộc Standard Chartered Bank, nhận định triển vọng Brexit “không thỏa thuận” đã thúc đẩy hoạt động mua vàng, song hiện nay khi phương án này đã bị bác bỏ, nhu cầu mua vàng đang suy yếu.
Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, các nghị sĩ Anh ngày 14/3/2019 đã bỏ phiếu nhất trí lùi ngày Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đến sau ngày 29/3/2019. Trước đó, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Brexit “không có thỏa thuận”.
Bên cạnh đó, đồng USD so với đồng bảng Anh mạnh lên cũng gây sức ép đối với giá vàng. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý nhu cầu mua vàng có thể sớm tăng trở lại trước đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ “kiềm chế” nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách sẽ diễn ra vào tuần tới.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm lần đầu tiên trong năm phiên, khi để mất gần 2% xuống 15,18 USD/ounce; còn giá bạch kim giảm 1,6% xuống 823,77 USD/ounce.
Nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã giảm 20% trong năm 2018 do giá vàng tại nước này tăng cao/ Bên cạnh đó, các cửa hàng địa phương vẫn còn tồn kho nhiều, trái ngược với nhu cầu toàn cầu khi vàng tăng giá tại nước này. Lượng vàng mua từ nước ngoài đã giảm xuống 762 tấn năm 2018, tương đương mức giảm 20% so với năm 2017. Điều này đồng nghĩa rằng đây là lượng vàng nhỏ nhất được vận chuyển đến Ấn Độ trong thập kỉ này.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép. Tuy nhiên, triển vọng thiếu chắc chắn về nhu cầu thép có thể sẽ cản trở giá tăng thêm nữa. Quặng sắt giao tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng 2,7% tương đương 626,5 CNY (93,33 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 4/3/2019, trong phiên có lúc đạt 628 CNY.
Giá thép tại Trung Quốc giảm bởi khó đoán về nhu cầu đối với mặt hàng này trong bối cảnh tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trugn Quốc 2 tháng đầu 2019 giảm xuống mức thấp nhất 17 năm, gây lo ngại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể sẽ còn tiếp tục sa sút hơn nữa. Kết thúc phiên giao dịch, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 3.795 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng – dùng trong ngành ô tô và đồ gia dụng – giảm 1,3% xuống 3.713 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá cao su tại Tokyo giảm do lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Cao su giao tháng 8/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,6 JPY xuống 196,5 JPY (1,76 USD)/kg. Tương tự, tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5/2019 cũng giảm 80 JPY xuống 12.030 JPY (1.791 USD)/tấn.
Giá đường thô tăng 0,05 UScent tương đương 0,4% lên 12,41 UScent/lb bởi nhu cầu mạnh lên sau khi giá giảm thấp vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2019. Những khách hàng mua đường Mỹ gần đây có Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Tuy nhiên, giá đường trắng vẫn giảm, mất 50 UScent tương đương 0,2% trong phiên vừa qua, xuống 338,9 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2019 giảm 0,5 UScent tương đương 0,5% xuống 97,15 UScent/lb do đồng real Brazil yếu đi so với USD. Robusta cũng giảm 28 USD tương đương 1,8% xuống 1.490 USD/tấn.
Công ty kinh doanh đường tại Pháp - Sucres et Denrees SA (Sucden) ước tính cán cân cung cầu trên thị trường đường thế giới niên vụ 2019 – 2020 thâm hụt khoảng 4 triệu tấn do sản lượng ở Ấn Độ, Thái Lan và Liên minh châu Âu thấp hơn dự kiến ban đầu. Theo đó, sản lượng đường ở Thái Lan dự báo sẽ giảm khoảng 10% trong giai đoạn 2019 - 2020 xuống còn 12 triệu tấn vì nông dân chuyển từ trồng mía sang các loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận cao hơn, sau khi Chính phủ điều chỉnh quy định về một số khoản trợ cấp cho ngành này, theo thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sucden dự kiến sản lượng của Ấn Độ đạt khoảng 26 hoặc 27 triệu tấn trong giai đoạn 2019 - 2020, giảm từ mức 31,7 triệu tấn trong giai đoạn 2018 – 2019, một phần do hậu quả của khí hậu kém thuận lợi. Cũng theo Sucden, châu Âu sẽ giảm diện tích trồng củ cải đường. Tính đến thời điểm hiện tại, giá đường đã giảm 5% trên toàn khu vực.
Với mặt hàng thịt lợn, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 14/3/2019 cho biết Trung Quốc đã mua khối lượng thịt lợn lớn nhất gần 2 năm trở lại đây từ Mỹ trong bối cảnh giá lợn tại Trung Quốc tăng mạnh bởi dịch tả lợn khiến nước này phải tiêu hủy hàng triệu con gia súc loại này và khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 14 tháng, bất chấp việc Trung Quốc áp mức thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ tới 62%. Tin này đã khiến cho giá thịt lợn tại Chicago phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng.
Cụ thể, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 23.846 tấn thịt lợn Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/3/2019, là hợp đồng lớn nhất kể từ tháng 4/2017 và lớn thứ 3 kể từ khi USDA bắt đầu theo dõi tình hình xuất khẩu thịt lợn, năm 2013.
Năm 2018, Trung Quốc đã giảm một nửa nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ so với năm trước đó, xuống khoảng 263.000 tấn, sau khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với mặt hàng này như một phần của những tranh chấp thương mại với Washington. Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, song cũng là nước nhập khẩu loại thịt này hàng đầu thế giới. Tổng giá trị thịt lợn nhập khẩu của nước này vào khoảng 4 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, doanh số bán thịt lợn của Mỹ cho Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi Bắc Kinh tiến hành hai đợt áp thuế vào năm ngoái, đưa tổng mức chịu thuế của mặt hàng thịt lợn đông lạnh từ Mỹ lên tới 62%.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể tăng trong nửa cuối năm 2019, do dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan tại các trang trại Trung Quốc sẽ làm giảm mạnh số lượng đàn gia súc của nước này.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

58,61

+0,35

Dầu Brent

USD/thùng

67,23

-0,32

-0,47%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

45.550,00

-390,00

-0,85%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,85

-0,01

-0,28%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

184,75

-0,20

-0,11%

Dầu đốt

US cent/gallon

198,24

-0,25

-0,13%

Dầu khí

USD/tấn

610,75

+1,50

+0,25%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

61.460,00

-290,00

-0,47%

Vàng New York

USD/ounce

1.296,20

+1,10

+0,08%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.642,00

-24,00

-0,51%

Bạc New York

USD/ounce

15,19

+0,02

+0,13%

Bạc TOCOM

JPY/g

54,80

-0,30

-0,54%

Bạch kim

USD/ounce

824,40

-0,15

-0,02%

Palađi

USD/ounce

1.554,36

+1,26

+0,08%

Đồng New York

US cent/lb

289,05

-0,10

-0,03%

Đồng LME

USD/tấn

6.472,50

+0,50

+0,01%

Nhôm LME

USD/tấn

1.905,00

+32,00

+1,71%

Kẽm LME

USD/tấn

2.847,00

+9,00

+0,32%

Thiếc LME

USD/tấn

21.150,00

-175,00

-0,82%

Ngô

US cent/bushel

370,25

+3,75

+1,02%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

452,75

+5,50

+1,23%

Lúa mạch

US cent/bushel

273,50

+4,25

+1,58%

Gạo thô

USD/cwt

10,76

-0,07

-0,69%

Đậu tương

US cent/bushel

898,50

-2,50

-0,28%

Khô đậu tương

USD/tấn

305,90

+1,20

+0,39%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,57

-0,36

-1,20%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

461,20

+2,90

+0,63%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.214,00

-2,00

-0,09%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

97,15

-0,50

-0,51%

Đường thô

US cent/lb

12,41

+0,05

+0,40%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

124,90

+1,45

+1,17%

Bông

US cent/lb

74,30

-1,42

-1,88%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

386,80

-9,00

-2,27%

Cao su TOCOM

JPY/kg

197,20

+0,70

+0,36%

Ethanol CME

USD/gallon

1,36

+0,03

+1,88%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters, CafeF

Nguồn: Vinanet