Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 trong bối cảnh Mỹ xem xét tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran và nguồn cung dầu thô tại Venezuela tiếp tục gián đoạn, qua đó càng hỗ trợ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 99 US cent (1,61%), lên 62,58 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/11/2018 là 62,74 USD/thùng vào giữa phiên; dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 36 US cent (0,52%), lên 69,37 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,52 USD/thùng- cao nhất kể từ ngày 13/11/2018.
Có tin Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran- nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư OPEC. Trong khi đó, ba trong số tám quốc gia và vùng lãnh thổ được Washington miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt để nhập khẩu dầu của Tehran hiện cũng đã giảm lượng nhập khẩu dầu của họ từ quốc gia Hồi giáo này về mức 0.
Còn tại Venezuela, cũng chịu tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, cảng xuất khẩu dầu thô Jose của nước này cũng đang phải tạm ngừng hoạt động do thiếu điện trầm trọng. Điều này khiến nguồn cung dầu toàn cầu càng trở nên eo hẹp, qua đó đẩy giá dầu đi lên. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này đã bình ổn được hoạt động xuất khẩu dầu thô trong tháng Ba vừa qua, sau khi lượng dầu xuất khẩu giảm 40% trong tháng Hai và tháng Một.
Nguồn cung dầu thắt chặt tại Iran và Venezuela khiến nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC theo thỏa thuận đạt được hồi cuối năm ngoái càng trở nên hiệu quả. Nguồn cung dầu của OPEC đã chạm mức thấp nhất bốn năm trong tháng 3/2019, chủ yếu nhờ mức cắt giảm vượt cam kết của Saudi Arabia- quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC. Tuy nhiên, Nga- nhà sản xuất dầu lớn nhất tham gia thỏa thuận trên mà không thuộc OPEC - lại chưa hoàn thành mục tiêu cắt giảm sản lượng. Sản lượng dầu của Nga đã giảm xuống 11,3 triệu thùng/ngày vào tháng Ba vừa qua, nâng tổng mức giảm sản lượng từ tháng 10/2018 tới nay lên 112.000 thùng/ngày, song mức cam kết thực tế mà Nga đưa ra là giảm 228.000 thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018.
Tại Mỹ, Viện Dầu khí Mỹ cho biết dự trữ dầu thô tăng 3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 29/3/2019, đạt 451,7 triệu thùng so với các nhà phân tích dự kiến giảm 425.000 thùng. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu dự trữ vào ngày hôm nay.
Trong nhiều tháng qua các nhà đầu tư lo lắng rằng số liệu kinh tế toàn cầu yếu có thể khiến nhu cầu dầu thô chậm lại, nhưng số liệu trong tuần này từ Mỹ và Trung Quốc có thể làm dịu lo lắng về nền kinh tế và thúc đẩy giá.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhấ 3 tuần trong bối cảnh đồng USD vững giá và ông lớn bất ngờ bán tháo vàng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung có những diễn biến tích cực.
Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,1% lên 1.295,4 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.291,03 USD/ounce, trước đó giá đã chạm 1.284,76 USD, thấp nhất kể từ ngày 7/3/2019.
Hàng loạt các số liệu tích cực từ 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã góp phần làm giảm những quan ngại về tình trạng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tháng 3/2019 bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất tính từ năm 2012.
Nền kinh tế Mỹ được đánh giá có thể không giảm tốc mạnh như lo ngại trước đó. Hoạt động chế tạo và đầu tư xây dựng tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 3 đem đến hy vọng mới cho nền kinh tế Mỹ.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 1 được điều chỉnh tăng 0,7% so với mức tăng 0,2% được báo cáo trước đó. Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP quý 1 của Mỹ thêm 0,4 điểm phần trăm lên 1,2% sau khi nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng trưởng 2,2% trong quý cuối năm 2018.
Chứng khoán Mỹ giảm trở lại sau 3 ngày tăng, trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm thêm dấu hiệu mạnh mẽ hơn của nền kinh tế trước những lo ngại về tăng trưởng, sau khi số liệu sản xuất của Trung Quốc bất ngờ phục hồi và số liệu của Mỹ tốt hơn dự kiến đã đẩy chỉ số S&P 500 gần mức cao nhất trong 6 tháng. Đồng thời USD tăng lên mức cao nhất 3 tuần so với rổ tiền tệ, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, bà Christine Lagarde cho biết trong khi tăng trưởng toàn cầu mất đà tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng tăng và tình trạng tài chính chặt chẽ hơn, việc tạm dừng tăng lãi suất sẽ thúc đẩy hoạt động trong nửa cuối năm 2019.
Các nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ được nối lại vào cuối tuần này tại Washington với phái đoàn Trung Quốc do phó thủ tướng Liu He dẫn đầu.
Về những kim loại quý khác, giá palađi tăng 1% lên 1.433,5 USD/ounce, bạc giảm 0,1% xuống 15,09 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,2% xuống 845,67 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm, áp lực từ đồng USD mạnh và dấu hiệu về cuộc phong tỏa tại mỏ Peru có thể kết thúc sau can thiệp của chính phủ, làm dịu lo ngại về nguồn cung.
Chính phủ Peru đã đưa ra một bản thỏa thuận cho những người biểu tình bản địa để họ dỡ bỏ phong tỏa tại mỏ đồng Las Bambas của công ty khai khoáng MMG Trung Quốc.
Đóng cửa phiên giá đồng giảm 0,7% xuống 6.426,5 USD/tấn, giảm phiên thứ 2 liên tiếp.
Đồng USD tăng so với rổ các đồng tiền chính sau khi số liệu khá lạc quan từ Mỹ. Đồng USD mạnh hơn khiến các hàng hóa định giá bằng USD đắt hơn cho các công ty không thuộc Mỹ.
Dự trữ đồng tại kho được LME chấp thuận giảm 1.100 tấn xuống 143.375 tấn, nhưng vẫn tăng gần 7 lần so với 21.600 tấn trong tháng 2/2019.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc liên tiếp lên cao nhất 6 năm trong hai phiên đầu tuần này sau loạt dự báo nguồn cung sẽ bị thắt chặt trong tương lai. Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 chốt phiên 2/4 ở 662,5 nhân dân tệ/tấn (98,54 USD/tấn), tăng 3,8% trong cả phiên. Trong đầu phiên, giá có lúc lên sát 100 USD/tấn.
Tập đoàn BHP, công ty khai khoáng lớn nhất thế giới, ước tính trận lốc xoáy Veronica tuần trước sẽ khiến sản lượng quặng sắt giảm khoảng 6 – 8 triệu tấn.
Với lý do tương tự, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ 2 thế giới, Rio Tinto ngày 1/4 cũng hạ triển vọng doanh số xuất khẩu trong năm 2019 từ khu vực Pilbara tại Australia. Đồng thời, sản lượng quặng sắt năm 2019 của công ty được dự báo sẽ đạt mức thấp nhất trong khung dự báo trước đó là 338 triệu – 350 triệu tấn.
Mới đây, tập đoàn Vale, nhà cung cấp quặng sắt hàng đầu thế giới, cũng thông báo không thể xin được chứng nhận ổn định cho 13 đập chất thải còn lại sau sự cố vỡ đập hồi tháng 1. Tuần trước, Vale cho biết doanh số bán hàng năm nay của tập đoàn có thể giảm tới 75 triệu tấn quặng sắt do một số mỏ khai thác phải ngừng hoạt động.
Trước đó, vào ngày 25/3, Fortescue, nhà khai thác quặng sắt lớn thứ 4 thế giới cũng dự kiến lô hàng xuất khẩu 1,5 – 2 triệu tấn quặng sẽ bị trì hoãn.
Nhu cầu quặng sắt của các nhà thép Trung Quốc được dự báo tăng trong khi nguồn cung bị thắt chặt, nên giá vật liệu này sẽ tiếp tục tăng, ông Meir cho biết.
“Chúng tôi dự báo giá quặng sắt sẽ ổn định ở mức cao vì các nhà máy thép Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, đặc biệt là từ nay cho tới cuối tháng”.
Giá quặng sắt tăng vọt 20% kể từ vụ vỡ đập chất thải của Vale tại Brazil hồi tháng 1. Nếu giá quặng sắt chạm 100 USD/tấn, các mỏ quặng từng bị ngừng khai thác ở Australia, châu Á và Trung Đông có thể đồng loạt tái hoạt động trở lại.
Cùng với đà tăng mạnh của quặng sắt và các vật liệu thô khác, việc các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục phải giảm sản lượng cũng kích thích giá thép đi lên.
Giá thép xây dựng trên Sàn giao dịch Hàng hóa Thượng Hải tăng 1,6% trong phiên hôm qua lên cao nhất kể từ ngày 11/2 ở 3.838 nhân dân tệ/tấn. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của thị trường thép xây dựng Trung Quốc.
Ngoài ra, giá thép cuộn cán nóng cũng tăng 0,5% và chốt phiên hôm qua ở 3.771 nhân dân tệ/tấn.
Tại Trung Quốc, các nhà máy thép ở phía bắc sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất do các chỉ số ô nhiễm vẫn tăng. Reuters đưa tin hai thành phố sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, Đường Sơn và Hàm Đan, tiếp tục bị yêu cầu giảm sản lượng trong quý II để cải thiện chất lượng không khí.
Cụ thể, các nhà máy thép tại hai thành phố này sẽ phải giảm khoảng 20% công suất lò cao từ tháng 4 đến tháng 6, thấp hơn mức 30% trong giai đoạn tháng 11/2018 – 3/2019, theo 5 nguồn cận tin.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 5/2019 giảm 0,45 US cent tương đương 0,5% xuống 91,25 US cent, thấp nhất kể từ tháng 12/2005. Robusta cũng giảm 5 USD tương đương khoảng 0,4% xuốn 1.413 USD/tấn, sau khi có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2016.
Giá arabica đã giảm trên 10% từ đầu năm tới nay bởi các nhà đầu tư tăng cường bán ra trong bối cảnh nguồn cung dư thừa. Vụ thu hoạch robusta ở brazil bắt đầu và có thể đạt mức cao kỷ lục khoảng 20 triệu bao.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 chốt phiên giảm 0,01 US cent hay 0,1% xuống 12,66 US cent/lb sau khi chạm mức cao nhất 2 tuần tại 12,77 US cent. Đường trắng kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 10 US cent hay 0,03% lên 339,2 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi giá dầu tiếp tục mạnh, điều này thúc đẩy động lực cho các nhà máy tại Brazil sử dụng mía để sản xuất ethanol hơn là sản xuất đường.
Xuất khẩu đường của Brazil trong tháng 3/2019 là ít nhất kể từ năm 2012, một phần do sản lượng ethanol tăng.
Công ty đường Tereos dự kiến sản lượng đường tại Liên minh Châu Âu trong niên vụ 2019/20 tăng lên 17,3 triệu tấn so với 17,1 triệu tấn dự báo trước đó.
Giá cao su tại Tokyo giảm trong phiên vừa qua do các nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng trong phiên trước bởi số liệu kinh tế mạnh từ Trung Quốc. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 9/2019 đóng cửa giảm 0,7 JPY hay 0,4% xuống 183,8 JPY/kg. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 40 CNY đóng cửa tại 11.680 CNY/tấn. Hợp đồng cao su TSR20 kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 0,9% lên 164,1 JPY/kg.
Một đại lý có trụ sở tại Tokyo cho biết tâm lý tổng thể của thị trường là yếu vì thế thị trường Tokyo không thể duy trì đà tăng bất chấp số liệu hoạt động sản xuất lạc quan từ Trung Quốc.
Từ ngày 1/4, Indonesia sẽ giảm xuất khẩu cao su 98.160 tấn trong 4 tháng tới, trong khi Malaysia sẽ giảm 15.600 tấn và Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất, sẽ giảm 126.240 tấn bắt đầu từ ngày 20/5. Động thái này là một phần của Kế hoạch thống nhất trọng tải xuất khẩu (AETS) lần thứ 6 của ITRC, nhằm giảm 240.000 tấn cao su xuất khẩu.
Giá cao su toàn cầu đang ổn định ở mức khoảng1,4 USD/kg sau khi giảm xuống dưới 1,2 USD vào cuối năm ngoái. Với AETS, giá cao su dự kiến sẽ tăng lên hơn 1,5 USD/kg, với khả năng đạt 2 USD/kg, ông Kasan nhận định.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

62,79

+0,21

+0,34%

Dầu Brent

USD/thùng

69,72

+0,35

+0,50%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

46.330,00

+380,00

+0,83%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,69

+0,00

+0,11%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

193,28

+0,43

+0,22%

Dầu đốt

US cent/gallon

201,40

+0,51

+0,25%

Dầu khí

USD/tấn

617,75

+2,25

+0,37%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

63.090,00

+520,00

+0,83%

Vàng New York

USD/ounce

1.296,50

+1,10

+0,08%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.619,00

+16,00

+0,35%

Bạc New York

USD/ounce

15,11

+0,04

+0,29%

Bạc TOCOM

JPY/g

54,30

+0,10

+0,18%

Bạch kim

USD/ounce

855,30

+3,97

+0,47%

Palađi

USD/ounce

1.436,91

+3,49

+0,24%

Đồng New York

US cent/lb

291,70

+1,15

+0,40%

Đồng LME

USD/tấn

6.426,50

-44,50

-0,69%

Nhôm LME

USD/tấn

1.889,00

-10,00

-0,53%

Kẽm LME

USD/tấn

2.856,00

-77,00

-2,63%

Thiếc LME

USD/tấn

21.195,00

-280,00

-1,30%

Ngô

US cent/bushel

362,50

+1,00

+0,28%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

464,75

+0,75

+0,16%

Lúa mạch

US cent/bushel

277,75

-0,25

-0,09%

Gạo thô

USD/cwt

10,77

-0,02

-0,23%

Đậu tương

US cent/bushel

901,25

+1,25

+0,14%

Khô đậu tương

USD/tấn

311,00

+0,40

+0,13%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,95

-0,01

-0,03%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

457,20

-1,50

-0,33%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.356,00

+29,00

+1,25%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

91,65

-0,45

-0,49%

Đường thô

US cent/lb

12,66

-0,01

-0,08%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

121,65

-1,95

-1,58%

Bông

US cent/lb

77,44

+0,17

+0,22%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

359,90

-5,80

-1,59%

Cao su TOCOM

JPY/kg

185,90

+2,10

+1,14%

Ethanol CME

USD/gallon

1,33

-0,01

-0,75%

Nguồn: Bloomberg, Reuters, CafeF

 

Nguồn: Vinanet