Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bởi lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong vài năm tới sẽ ở mức thấp.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,37 USD (2,5%) xuống 52,64 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc trên sàn London 1,06 USD (1,7%) còn 61,63 USD/thùng.
Đà phục hồi của giá dầu từ các mức thấp của cuối tháng 12/2018 dường như đang chững lại do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ dầu mỏ. Ngoài ra, thị trường còn đang hoài nghi về mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được hồi cuối năm ngoái.
Gene McGillian, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Tradition Energy tại Stamford, bày tỏ lo ngại về khả năng liệu nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu có theo kịp đà tăng sản lượng nhanh từ Mỹ hay không.
Theo Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa từ Saxo Bank, mặc dù Mỹ đã công bố báo cáo việc làm tích cực trong tháng 1/2019 vào cuối tuần trước, thị trường toàn cầu vẫn quan ngại khi Trung Quốc mới đây đã đưa ra báo cáo rằng, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý IV/2018 ở mức thấp nhất trong gần 30 năm.
Điều này khiến sự chú ý đổ dồn vào diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống khi báo cáo hàng tuần được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 6/2 cho thấy sự gia tăng ngoài mong đợi về lượng dự trữ dầu thô của nước này.
Đà sụt giảm sản lượng của OPEC và xu hướng siết chặt nguồn cung từ Iran và Venezuela do các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ đã khiến nhiều nhà phân tích dự báo rằng thị trường năng lượng sẽ cân bằng vào năm 2019.
Tính từ đầu năm 2019 tới nay, giá dầu đã tăng 20%, chủ yếu nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, cho biết sản lượng dầu của nước này chỉ đạt 10,24 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019, giảm sâu hơn so với mục tiêu trong thỏa thuận đề ra trước đó, sau khi đạt sản lượng 10,643 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2018.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong phiên đêm qua do những lo lắng rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài quá thời hạn chót ngày 1/3/2019 và tác động tiềm năng của nó tới tăng trưởng toàn cầu, mặc dù giá tăng bị hạn chế bởi USD mạnh.
Vàng kỳ hạn chốt phiên không đổi tại 1.314,20 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.310,9 USD/ounce sau khi chạm 1.302,11 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 29/1/2019.
Các quan chưc Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể gặp nhau trước thời hạn chót 1/3/2019 để đạt được một thỏa thuận thương mại. Hai nước đã đình chiến 90 ngày trong cuộc chiến tranh thương mại để đưa ra một thỏa thuận,
Chỉ số đồng USD tăng và giao dịch gần mức cao nhất trong 2 tuần đã hạn chế vàng tăng giá.
Đầu phiên giao dịch, vàng tăng sau khi trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm từ mức cao 1,5 năm trong tuần trước xuống 234.000 đơn.
Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong phiên do lo sợ tăng trưởng toàn cầu chậm lại lan sang Châu Âu và những lo lắng mới về giải pháp giải quyết căng thẳng Mỹ - Trung trong tương lai gần.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhôm cũng giảm sau khi một nhà sản xuất lớn cảnh báo nhu cầu yếu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa giảm 0,5% xuống 6.246 USD/tấn, trong phiên giá đã lên mức cao nhất 2 tháng tại 6.289,5 USD. Lượng giao dịch vẫn yếu do thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ Tết một tuần. Nhôm LME giảm 0,7% đóng cửa tại 1.894 USD/tấn.
Một loạt số liệu kinh tế yếu trong những tuần gần đây, gồm cả Trung Quốc nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới gây ra mối lo sợ về suy thoái toàn cầu.
Sản lượng công nghiệp tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu tháng 12/2018 đã bất ngờ sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi Ngân hàng Anh cho biết nước này đối mặt với tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong một thập kỷ.
Tin tức Mỹ và Trung Quốc khó đạt được một thỏa thuận thương mại trước ngày 1/3/2019 cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 3/2019 giảm 1,2 US cent tương đương 1,1% xuống 1,043 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 9 USD tương đương 0,6% xuống 1.547 USD/tấn.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 đóng cửa giảm 0,17 US cent hay 1,3% xuống 12,73 US cent/lb, xóa đi mức tăng phiên trước đó. Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 3,7 USD hay 1,1% xuống 337,7 USD/tấn.
Giá bị áp lực bởi các thị trường dầu mỏ yếu. Giá dầu thấp có thể giảm sự cạnh tranh của ethanol làm từ mía ở Brazil, nâng khả năng các nhà máy tăng khối lượng mía để sản xuất đường.
Tuy nhiên giá vẫn giao dịch trong biên độ nhỏ và khả năng tiếp tục cho tới Hội nghị Đường Dubai vào ngày 10/2/2019.
Nhà kinh doanh Sucden trụ sở tại Paris cho biết "mặc dù giá đường đã cải thiện kể từ tháng 10/2018, chúng vẫn không hấp dẫn vì thế các vùng củ cải và mía sẽ vẫn giảm tại các nước xuất khẩu". "Tổng thể, sản xuất và tiêu thụ cân bằng trong năm 18/19 hay thậm chí thiếu hụt trong năm 19/20".
Cao su tại Tokyo tăng trong phiên giao dịch trầm lắng vừa qua do các nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài lề trong khi Trung Quốc vẫn nghỉ Tết.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7/2019 tăng 0,3 JPY hay 0,2% lên 179,3 JPY/kg trong bối cảnh giá dầu thấp.
Tổng thể giao dịch trên thị trường hàng hóa là yếu do các thị trường Trung Quốc nghỉ Tết đến ngày 11/2/2019.
Giá dầu của Mỹ giảm sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và do sản lượng tại quốc gia này vẫn ở mức kỷ lục, nhưng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và khủng hoảng tại Venezuela đã hỗ trợ giá.
Giá sữa toàn cầu đã tăng vọt trong phiên đấu giá ngày 7/2/2019, trong đó sữa bột nguyên kem tăng mạnh nhất.
Chỉ số giá sữa toàn cẩu GDT tăng 6,7% với giá trung bình 3.265 USD/tấn tại phiên đấu giá 2 tuần một lần. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp giá tăng và phục hồi sau nhiều tháng giảm cuối năm 2018 bởi nguồn cung mạnh từ New Zealand, nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới.
Giá sữa bột nguyên kem tăng 8,4% vượt kỳ vọng tăng 2% của thị trường. Nhu cầu mạnh từ các nước Châu Á có thể hỗ trợ giá.
Tổng cộng 23.326 tấn đã được bán tại phiên đấu giá mới nhất, giảm 16,4% so với phiên trước đó. Kết quả đấu giá có thể ảnh hưởng tới đồng đô la New Zealand do ngành sữa tạo ra hơn 7% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.
Nguồn: VITC/Reuters, CafeF