Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục 5 tháng bởi dự báo nguồn cung trên toàn cầu sẽ bị thắt chặt do chiến sự tại Libya trong bối cảnh các nước sản xuất dầu chủ chốt cắt giảm sản lượng khai thác và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,76 USD, hay 1,1%, lên 71,1 USD/ thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn khép phiên tăng 1,32 USD (2,1%) lên 64,4 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent và giá dầu WTI có lúc tăng lên 71,19 USD/ thùng và 64,44 USD/ thùng, đều là các mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào nguồn cung dầu khi cuộc chiến ở Libya có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung từ quốc gia giàu dầu này. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá dầu được hậu thuẫn tích cực từ đầu năm tới nay khi nguồn OPEC và các đồng minh đang thực hiện cam kết giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày và Mỹ áp các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela.
Các cuộc giao tranh ở khu vực phía Nam thủ đô Tripoli vẫn diễn ra ác liệt và gây nhiều thương vong. Ông John Kilduff thuộc Again Capital LLC tại New York, nhận định: Việc nguồn cung dầu gián đoạn tại Libya sẽ lại tác động tiêu cực đến nguồn cung và thị trường dầu thế giới, khi Saudi Arabia và các quốc gia khác đẩy mạnh nỗ lực hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Giá dầu liên tiếp tăng gần đây đã thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ. Trong khi đó, số liệu từ Genscape cho thấy dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm khoảng 419.000 thùng trong tuần vừa qua.
Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung dầu từ nay tới cuối năm đã trở nên khó đoán khi Nga đã phát tín hiệu muốn tăng sản lượng sau cuộc họp với OPEC vào tháng 6 tới. Được biết, sản lượng dầu của Nga năm 2018 đã đạt mức cao kỷ lục quốc gia 11,16 triệu thùng/ngày, còn của Mỹ tính tới cuối tháng 3/2019 đạt kỷ lục toàn cầu là 12,2 triệu thùng/ngày.
Hussein Sayed, chiến lược gia về thị trường tại FXTM, cho biết hoạt động cắt giảm sản lượng đang tiếp diễn của Tổ chức Các nhà Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran và Venezuela là yếu tố chính chi phối giá “vàng đen”.
Sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đạt mức “đỉnh cao” 12,2 triệu thùng dầu/ngày tính đến cuối tháng Ba vừa qua. Sản lượng khai thác dầu ở Nga trong năm 2018 đã đạt mức cao kỷ lục 11,16 triệu thùng dầu/ngày.

Giá khí tự nhiên đang sụt giảm mạnh trên toàn cầu do nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tràn ngập thị trường, làm dấy lên lo ngại rằng các nước xuất khẩu sẽ phải hạn chế sản lượng.

Ngày 5/4, LNG hợp đồng giao tháng 5 tại Đông Bắc Á ở mức giá 4,5USD/ một triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), nhích nhẹ 0,1 USD so với một tuần trước đó, nhưng vẫn gần sát mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Thậm chí vào những ngày cuối tháng 3, chỉ số JKM xuống thấp hơn các chỉ số giá LNG ở châu Âu, một hiện tượng hiếm khi xảy ra. Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá LNG chuẩn của Châu Á đã giảm hơn 50%.
Trong khi đó, tại Mỹ, các hợp đồng giao dịch khí đốt tương lai đã giảm hơn 8% trong năm nay.
Tại Châu Âu, khí đốt cũng đang ở mức giá thấp nhất nhiều năm qua do lượng cung dôi dư từ Châu Á chuyển hướng sang lục địa này. Tại Vương quốc Anh, giá khí đốt bán buôn chỉ ở mức trên 31 xu Anh/therm (đơn vị đo lường khí đốt của Anh), mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2016 và ở dưới mức trung bình của 5 năm là 46 xu Anh/therm.
Nguyên nhân giá giảm một phần bởi yếu tố mùa vụ (thời tiết lúc này ở bán cầu Bắc thường dịu mát), nhưng chủ yếu bởi công ty năng lượng lớn nhất thế giới đang cân nhắc liệu có nên thúc đẩy các dự án xuất khẩu LNG trị giá hàng tỷ USD.
Khí đốt là sản phẩm phụ trong quá trình khoan khai thác dầu nên đà tăng giá dầu thô càng khiến nguồn cung khí đốt dồi dào hơn.
Công ty dịch vụ tài chính Citigroup đưa ra dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp trong nhiều tuần, thậm chí cho đến giữa năm 2019, và chỉ phục hồi sau khi thị trường giải quyết xong những xung đột về cung - cầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần
giữa lúc đồng USD trượt xuống và đà phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán có dấu hiệu dừng lại.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay tại London tăng 0,5% lên 1.297,84 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tại New York tăng 0,5% lên 1.301,9 USD/ounce.
Thị trường đang chờ đợii biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban thị trường Mở liên bang Mỹ (FOMC), sẽ công bố trong ngày 10/4, từ đó sẽ rõ hơn về xu hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Chuyên gia Bart Melek, thuộc TD Securities tại Toronto, nhận định việc đồng USD yếu đi và sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro có phần giảm sút cộng với hoạt động mua vào vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là những yếu tố đẩy giá vàng lên 1.300 USD/ounce.
Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng Ba, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng của nước này 0,6% lên 60,62 triệu ounce.
Hiện nay thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp trong tháng Ba của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), dự kiến công bố ngày 10/4, để có thêm thông tin về chính sách tiền tệ trong tương lai của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chuyên gia Melek cho rằng nếu Fed bàn luận về việc cắt giảm lãi suất, đồng USD có thể sẽ giảm giá và hỗ trợ thị trường vàng.
Về thông tin liên quan, Trung Quốc đã nâng dự trữ vàng thêm 0,6% lên 60,62 triệu ounce tính tới cuối tháng 3 vừa qua. Thông tin Trung Quốc đang tích cực mua vàng đã góp phần đắc lực giúp thị trường vàng khởi sắc trong mấy ngày qua.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay tăng 1,6% lên 909,25 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 914,74 USD/ounce. Còn giá bạc tăng 1,1% lên 15,25 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá thép kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu cao và giá nguyên liệu thép (sắt…) tăng. Thép cây trên sàn Thượng Hải đã tăng phiên thứ 6 liên tiếp, thêm 4,8% trong phiên vừa qua, lên 3.755 CNY (559 USD)/tấn, trước khi kết thúc phiên ở mức 3.730 CNY (559 USD)/tấn (tăng 4,1%), là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2011. Thép cuộn cán nóng cũng tăng 3,1% lên 3.944 CNY/tấn.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc đang tăng mạnh trước khi kết thúc mùa Đông (tháng 4 thường là tháng nhu cầu cao điểm vì lĩnh vực công ghiệp và các hoạt động khác bắt đầu tăng lên khi thời tiết ấm dần). Hoạt động xây dựng sôi động cũng đẩy nhu cầu tăng lên.
Nguyên liệu sản xuất thép đồng loạt tăng giá. Quặng sắt kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn Đại Liên tăng 4,8% lên 715 CNY/tấn, cao nhất kể từ 2013. Quặng sắt đã tăng giá gần 10% chỉ trong một tuần vừa qua, mạnh nhất kể từ tháng 1, sau khi xuất khẩu từ Brazil và Australia sụt giảm mà nhu cầu của các nhà máy thép Trung Quốc lại mạnh lên. Quặng sắt 62% giao tới Trung Quốc đã tăng 1,6% trong ngày 4/4 lên 93 USD/tấn. Than luyện cốc cũng tăng giá 1% trong phiên vừa qua lên 1.258,5 CNY/tấn, còn than cốc tăng 1,4% lên 2.048,5 CNY/tấn.
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua sau khi Trung Quốc công bố những biện pháp kích thích mới và hy vọng Mỹ - Trung sắp đạt thỏa thuận thương mại.
Đối với những kim loại khác, giá kẽm giảm do triển vọng nguồn cung gia tăng và các nhà sản xuất bán ra mạnh.
Trung Quốc ngày 8/4 thông báo sẽ nới lỏng những hạn chế đối với cư dân ở nhiều thành phố nhỏ, đồng thời tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế. Trước đó, ngày 7/4 nước này cũng công bố các biện pháp kích thích tài chính có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng tăng 1,2% lên 6.475 USD/tấn, đảo ngược xu hướng giảm ở 2 phiên trước.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì xuất khẩu của Nga tuần qua ổn định trong bối cảnh các nhà xuất khẩu duy trì nhu cầu khá cao, thời tiết diễn biến thuận lợi và đồng rouble vững. Lúa mì Biển Đen loại 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 4 hiện có giá 225 USD/tấn, FOB. Lúa mì loại 3 tiêu thụ trong nước có giá vững ở 12.075 rouble (185 USD)/tấn.
Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng đám phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 9, diễn ra trong các ngày 3-5/4 tại Washington. Hai bên đã thảo luận văn bản thỏa thuận về vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp phi thuế quan, nông nghiệp, cán cân thương mại và cơ chế thực hiện..., và đã đạt được tiến bộ mới. Hai bên cũng quyết định tiếp tục tham vấn về các vấn đề còn lại thông qua các phương thức khác nhau.
Trung Quốc đã và đang là nước mua đậu tương hàng đầu thế giới. Bất kỳ tiến triển tích cực nào liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên sẽ giúp đẩy giá đậu tương Mỹ.
Ngày 4/4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết lượng đậu tương xuất khẩu tuần qua đạt 1,992 triệu tấn, trong đó đậu tương xuất sang thị trường Trung Quốc ở mức 1,7 triệu tấn, tăng từ mức 0 của tuần trước đó.
Giá bông kỳ hạn trên sàn New York kết thúc phiên vừa qua đã tăng 0,67 UScent tương đương 0,86% lên 78,92 UScent/lb, sau khi giao dịch trong khoảng 77,85 – 79,08 UScent/lb. Nguyên nhân bởi chỉ số đồng USD đã giảm 0,4% khiến cho những hàng hóa giao dịch bằng USD trở nên đắt hơn.
Giá cacao đã tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng do hoạt động mua mạnh. Cacao kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn New York tăng 17 USD tương đương 0,7% lên 2.430 USD/tấn. Đây là phiên thứ 11 giá tăng trong vòng 12 phiên giao dịch vừa qua.
Tuy nhiên, chưa rõ sóng tăng giá sẽ kéo dài bao lâu bởi lượng cacao cập cảng ở Bờ Biển Ngà – nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới – trong khoảng thời gian từ 1/10/2018 đến 1/4/2019 đạt 1,748 triệu tấn, tức là cao hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Và trên sàn London, cũng trong phiên vừa qua, giá cacao giao tháng 5/2019 giarm15 GBP (0,8%) xuống 1.795 GBP/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

64,42

+0,02

+0,03%

Dầu Brent

USD/thùng

71,10

+0,76

+1,08%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

47.110,00

+170,00

+0,36%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,71

+0,01

+0,18%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

199,17

+0,37

+0,19%

Dầu đốt

US cent/gallon

205,89

+0,18

+0,09%

Dầu khí

USD/tấn

627,50

+8,00

+1,29%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

63.910,00

-100,00

-0,16%

Vàng New York

USD/ounce

1.302,60

+0,70

+0,05%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.642,00

+8,00

+0,17%

Bạc New York

USD/ounce

15,23

+0,01

+0,06%

Bạc TOCOM

JPY/g

54,80

+0,40

+0,74%

Bạch kim

USD/ounce

909,55

+0,36

+0,04%

Palađi

USD/ounce

1.384,00

-1,00

-0,07%

Đồng New York

US cent/lb

293,25

+0,05

+0,02%

Đồng LME

USD/tấn

6.475,00

+74,00

+1,16%

Nhôm LME

USD/tấn

1.871,00

-19,00

-1,01%

Kẽm LME

USD/tấn

2.906,00

-16,00

-0,55%

Thiếc LME

USD/tấn

20.825,00

-175,00

-0,83%

Ngô

US cent/bushel

360,00

-2,50

-0,69%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

465,25

-2,50

-0,53%

Lúa mạch

US cent/bushel

287,50

0,00

0,00%

Gạo thô

USD/cwt

10,42

-0,09

-0,90%

Đậu tương

US cent/bushel

898,75

-0,25

-0,03%

Khô đậu tương

USD/tấn

309,20

+1,20

+0,39%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,88

-0,27

-0,93%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

454,50

-2,90

-0,63%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.412,00

+2,00

+0,08%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

92,95

-0,25

-0,27%

Đường thô

US cent/lb

12,57

-0,19

-1,49%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

111,45

-5,30

-4,54%

Bông

US cent/lb

78,92

+0,67

+0,86%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

345,50

-7,30

-2,07%

Cao su TOCOM

JPY/kg

189,60

-1,40

-0,73%

Ethanol CME

USD/gallon

1,32

+0,01

+1,00%

Nguồn: Bloomberg, Reuters, CafeF

 

 

Nguồn: Vinanet