Nghề làm hương trầm ở huyện Quỳ Châu đến nay đã hơn 40 năm, theo các lối nhỏ vào làng hương trầm thơm ngát, không khí sản xuất, mua bán khẩn trương, tấp nập. Để kịp thời hoàn thành các đơn hàng cuối cùng cho khách, Cơ sở sản xuất hương Hòa Ninh, thị trấn Tân Lạc phải huy động tới 10 công nhân tranh thủ ngày, đêm tăng ca sản xuất.
Chị Lương Thị Thanh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết, việc cuốn trầm hương không cần quá nhiều sức, vì vậy mọi lứa tuổi đều có thể làm. Thế nhưng, nếu cuốn lỏng quá thì bột sẽ rơi, còn cuốn chặt quả thì giấy sẽ hỏng, sản phẩm đưa ra thị trường sẽ không đồng đều, dễ bị lỗi nên đòi hỏi sự khéo léo và nhanh.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, mặc dù chỉ là công việc thời vụ làm tập trung vào 3 tháng cuối năm nhưng mỗi ngày chị cũng có thu nhập từ 250.000-300.000 đồng. Đối với những gia đình vùng nông thôn thì đây là nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện cuộc sống.
Theo bà Trần Thị Hòa, Chủ sơ sở sản xuất hương Hòa Ninh, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ lâu, riêng gia đình bà đã có gần 30 năm làm nghề.
Để cho ra một que hương hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách trộn các nguyên liệu, mỗi cơ sở sẽ có bí quyết phối trộn riêng để cho ra mùi hương khác nhau.
Điểm giống nhau là hương trầm Quỳ Châu đều dùng các thành phần tự nhiên như rễ cây hương bài, thảo quả, hồi, đinh hương... mà không dùng hóa chất nên rất được khách hàng ưa chuộng. Năm nay dù dịch bệnh nhưng cơ sở sản xuất thuận lợi, với đơn hàng hơn 900.000 que, sau khi trừ chi phí ước lãi hơn 300 triệu đồng.
Người dân Quỳ Châu tự hào vì hương trầm Quỳ Châu đã có thương hiệu tên tuổi. Ảnh: nghean24h.vn.
Với hương thơm đặc trưng từ rễ cây hương bài, thương hiệu trầm hương Quỳ Châu đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước. Để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều cơ sở đã mạnh dạn đa dạng các sản phẩm như hương vòng, hương nụ. Một số cơ sở đã đầu tư xây dựng thương hiệu thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Nghệ An).
Là một trong ít cơ sở được công nhận là sản phẩm OCOP với doanh thu hàng năm hơn 2 tỷ đồng, vào dịp cao điểm giáp Tết cơ sở hương trầm Hà Loan phải huy động đến hơn 40 công nhân sản xuất.
Ông Đậu Công Hà, Chủ cơ sở hương trầm Hà Loan cho biết, dù vụ sản xuất tập trung trong 3 tháng cuối năm nhưng để sản phẩm đạt chất lượng tốt ngay từ đầu năm cơ sở phải chuẩn bị và lựa chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát người dân rất lo lắng việc sản xuất sẽ đình trệ.
Thế nhưng, nhờ những chính sách đúng đắn của Chính phủ, sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên việc sản xuất cũng như tiêu thụ gặp nhiều thuận lợi. Năm nay dù giá một số nguyên vật liệu có tăng nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất kinh doanh của cơ sở. Hầu hết khách hàng mua quen hằng năm nên giao dịch qua điện thoại, rồi xe tải chở đi. Đến thời điểm hiện tại cơ sở đã hoàn thành khoảng 80% đơn hàng với khoảng 4 triệu que.
Theo ông Võ Thanh Tịch, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu: Hiện địa phương 40 hộ, cơ sở sản xuất trầm hương. Mỗi năm xuất xưởng khoảng 40 triệu que hương, doanh thu khoảng 18 tỷ đồng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Năm 2019, thương hiệu Trầm hương Quỳ Châu đã được Cục sở hữu trí tuệ Công nhận đăng ký bảo hộ và được Sở Khoa học nghệ công nhận bảo hộ thương hiệu và sản phẩm. Hiện đã có 3 cơ sở đã được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP.
Trong định hướng phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, địa phương sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đưa các hộ vào sản xuất quy quy mô nhóm hộ, phát triển theo "chuỗi giá trị sản phẩm". Đặc biệt, địa phương cũng như huyện Quỳ Châu đang quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, trong đó có cây hương bài một loại nguyên liệu đặc trung của trầm hương Quỳ Châu./.