Năm 2019 khó khăn xuất khẩu gạo
Theo
thesaigontimes.vn, năm 2018 được đánh giá là năm khởi sắc của xuất khẩu gạo nước ta, nhưng vẫn còn đó những điều đáng suy ngẫm.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng gạo xuất khẩu cả năm 2018 đạt gần 6,1 triệu tấn, chỉ tăng khoảng 270.000 tấn, tương đương 4,6%, so với cùng kỳ. Đây rõ ràng là mức tăng thấp so với hai con số tương ứng là hơn 1 triệu tấn và 21% của năm 2017.
Tuy số lượng xuất khẩu tăng ít nhưng giá xuất lại cao. Đây là thành công lớn nhất trong xuất khẩu gạo 2018, với giá xuất bình quân khoảng 502 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt ngưỡng 3 tỉ đô la, tăng 16%.
Chưa kể giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bằng, có lúc cao hơn, đối thủ cạnh tranh Thái Lan là điều cũng cần được phân tích.
Các kết quả tính toán từ số liệu thống kê của nước ta và của Thái Lan cho thấy, hai năm 2016-2017 giá gạo bình quân của nước ta đã cao hơn của Thái Lan 7 và 9 đô la Mỹ/tấn. Riêng năm 2018, mức chênh lệch này sẽ không còn, mà cân bằng ở mức 502 đô la Mỹ/tấn.
Nguyên nhân “kép” dẫn đến kết quả này là do Việt Nam tăng mạnh tỷ trọng gạo nếp và gạo thơm có giá tốt hơn hẳn (năm 2017 đã vượt qua ngưỡng 3 triệu tấn và đạt tỷ trọng 46,4%), đồng thời giảm rất mạnh tỷ trọng gạo trắng. Ngược lại, Thái Lan giảm tỷ trọng của loại gạo thơm Thai Hom Mali (từ 31,7% xuống còn 20,1%), đồng thời tập trung thanh lý, với giá rất thấp, kho gạo dự trữ khổng lồ do chính sách sai lầm trước đây.
Tuy đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong năm 2018, đánh dấu hai năm vượt đáy thành công của nước ta, nhưng xuất khẩu gạo năm 2019 có thể sẽ là năm rất khó khăn. Cho dù vậy, xuất khẩu gạo năm 2019 của nước ta sẽ phải đối diện với cả những vấn đề cũ và mới sau đây:
- Thứ nhất, có vẻ như do chúng ta “thích bán giá cao”, cho nên không thể xuất khẩu hết lượng gạo đã được sản xuất. Việc đẩy giá bán lên cao để thu lợi nhiều nhất là điều có thể làm, nhưng vì vậy mà để giảm sức cạnh tranh thì cần cân nhắc. Do vậy, điều tiết giá gạo xuất khẩu để chiếm lĩnh thị trường vẫn còn là câu chuyện nóng của nước ta hiện nay.
Các số liệu thống kê cho thấy lượng gạo xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam là 6,1 triệu tấn, trong khi sản lượng quy gạo của nước ta năm qua tăng cao gần gấp ba lần. Như vậy đã có khoảng nửa triệu tấn gạo chưa thể đẩy ra thị trường thế giới. Đây cũng là tình trạng trong ít nhất hai năm trước đó.
- Thứ hai, nếu như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là đúng và những động thái gần đây của Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu gạo của nước ta rơi vào tình thế rất khó khăn.
Trước hết, theo dự báo gần đây nhất của USDA, tuy tổng sản lượng gạo thế giới năm 2019 giảm gần 4 triệu tấn, nhưng dự trữ đầu năm lại tăng mạnh và đạt kỷ lục chưa từng có, với gần 162 triệu tấn, tương ứng hơn bốn tháng tiêu dùng, còn nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn chỉ dừng lại ở mức hơn 45 triệu tấn như năm 2018.
- Thứ ba, cho dù gạo nếp và gạo thơm mang lại những kết quả ấn tượng về giá trong những năm gần đây, nhưng gạo thơm “Made in Vietnam” dường như vẫn có giá “bèo” nhất thế giới.
Do vậy, tìm ra những giống lúa mới cho gạo thơm với giá cao hơn hẳn chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra diện mạo mới cho gạo Việt Nam.
Việt Nam chưa được xuất chính ngạch nhiều loại trái cây sang Trung Quốc
Theo
thesaigontimes.vn, gần đây, liên tiếp có thông tin Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Tuy nhiên, thông tin này chưa hoàn toàn chính xác.
Việc mở cửa cho trái cây Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung sang thị trường Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm lớn của những người trong cuộc. Bởi Trung Quốc chiếm đến trên 70% thị phần xuất khẩu trái cây hàng năm của Việt Nam và cũng là thị trường tiêu thụ chính của nhiều loại nông sản.
Tuy nhiên, liên quan đến thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho 7 loại trái cây và nông sản Việt Nam, gồm sầu riêng, bưởi, chanh dây (chanh leo), mãng cầu, măng cụt, dừa và khoai lang, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Thông tin đó là chưa chính xác”.
"Đối với những thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, quá trình đàm phán kéo dài từ 5-10 năm, sớm nhất là 5 năm.
Hiện Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch những loại trái cây này sang Trung Quốc, chỉ bán biên mậu thôi".
Ông Thiệt cho hay vừa rồi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và phía Trung Quốc chỉ mới thống nhất về mặt "quan điểm" là sẽ mở cửa cho chính ngạch cho 7 loại sản phẩm nêu trên.
Tuy nhiên, để những sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thì phải trải qua quá trình đàm phán. “Sắp tới còn phải chuẩn bị hồ sơ, đàm phán về dịch hại, kiểm soát vùng trồng, nhà máy... chứ không phải họ đồng ý quan điểm là xong”, ông nói và cho rằng quá trình này sẽ kéo dài khá lâu, không phải ngày một, ngày hai.
Ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho biết qua đàm phán, vào năm 2009, có 8 loại trái cây của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu.
Để giải quyết bài toán cho ngành cây ăn trái Việt Nam, theo khẳng định của ông Lập, không còn cách nào khác là phải đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, song song đó, cần nghiên cứu về giống vì có giống tốt mới có thể xây dựng thương hiệu và cạnh tranh. “Chẳng hạn, phải xây dựng thương hiệu sầu riêng Ri 6, đăng ký thương hiệu và bảo hộ thương hiệu đó ở thị trường Trung Quốc và quốc tế, có như vậy mới mong cứu vãn tình hình", ông gợi ý khi nói đến sản phẩm sầu riêng.
Quảng cáo rượu, bia tràn lan, công khai trên mạng xã hội
Trang
thuongtruong.com.vn đưa tin, vừa qua, Bộ Y tế đã trình dự thảo về Phòng chống tác hại của rượu, bia tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định không được bán rượu qua mạng Internet, đồng thời cả rượu và bia không được bán bằng máy bán tự động. Đây không phải là vấn đề mới bởi Chính phủ đã ban hành Nghị định 105 vào năm 2017. Tuy nhiên hành vi bán mặt hàng này vẫn còn nhan nhản trên các trang web, các trang mạng xã hội, đặc biệt vào trong tháng cận Tết nguyên đán.
Nghị định cấm bán rượu trên mạng Internet được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ tháng 1 – 11 -2017, theo đó ngoài những hành vi như trưng bày, mua, bán, lưu thông các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu thì hành vi bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet cũng bị xem là trái quy định của pháp luật.
Qua thực tế để hạn chế sử dụng rượu việc cấm bán hàng trên mạng Internet là cần thiết tuy nhiên cũng rất khó thực hiện. Bằng các chiêu trò như chỉ giới thiệu sản phẩm, trưng bày sản phẩm trên các web, trang mạng cá nhân thì cơ quan chức năng thực sự khó kiểm soát. Đặc biệt, khi các trang web này bị phát hiện mua bán rượu thì chỉ cần 1 cái click chuột họ hoàn toàn thay đổi, xóa trang web. Hơn nữa việc rao bán rượu trên trang cá nhân với ghi chú là rượu nhà nấu, không tem mác, không nồng độ cồn thì sẽ không có cơ sở để xử phạt.
Lạm phát năm 2019: không quá lo ngại
Trang
thesaigontimes.vn đưa tin, trong hai tháng cuối năm 2018, giá xăng dầu quay đầu “đúng lúc” đã góp phần quan trọng, kiềm chế kỳ vọng tăng của đa số các nhóm hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 12-2018 đã giảm 0,25% so với tháng 11 - điều khá hiếm hoi theo quy luật hàng năm khi thời điểm cuối năm bao giờ cũng là lúc giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng cao.
Kết thúc năm 2018, chỉ số CPI bình quân tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, đạt mục tiêu dưới 4% do Chính phủ đặt ra; còn nếu tính so với cùng kỳ năm trước (YoY) thì CPI vào cuối tháng 12-2018 thực tế còn thấp hơn khá nhiều với mức tăng chỉ 2,98%.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong báo cáo chiến lược năm phát hành mới đây, đã dự báo lạm phát trung bình năm 2019 sẽ chỉ tương đương với năm 2018, tức xoay quanh mức 3,5% - thấp hơn mục tiêu quanh 4% mà Quốc hội thông qua. Theo BVSC, năm 2019, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 5-8%; giá điện tăng khoảng 7,5%; giá nhóm hàng giáo dục tăng khoảng 6%. Theo tính toán, việc điều chỉnh giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý sẽ khiến CPI tổng thể tăng khoảng 1%. Công ty này cũng xây dựng mô hình định lượng dự báo lạm phát dựa trên ba kịch bản của giá dầu Brent và trong kịch bản cơ sở, với giá dầu trung bình năm 2019 ở mức khoảng 70 đô la Mỹ/thùng thì lạm phát năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,5%.
Ngoài ra, áp lực lạm phát ở khía cạnh tiền tệ cũng sẽ không quá lớn khi tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) trong các năm gần đây đều ở mức ổn định và không quá cao (14-17%) - mức được coi là hợp lý với bối cảnh kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khi vẫn hỗ trợ được tăng trưởng mà lại không gây rủi ro quá lớn tới lạm phát như giai đoạn 2007-2011.
Kỳ vọng Hiệp định CPTPP
Theo tin từ
Thesaigontimes.vn, ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới thật sự có hiệu lực đối với Việt Nam. Trước đó, hiệp định này đã bắt đầu có hiệu lực với sáu nước phê chuẩn đầu tiên vào ngày 30-12-2018, là New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Tuy nhiên có thể thấy không khí chuẩn bị khai thác cơ hội mới mở ra từ hiệp định này chưa sôi động như kỳ vọng.
Điều này cũng dễ hiểu vì làn sóng khai thác đầu tiên thường đến từ các công ty đa quốc gia đã nghiên cứu, nghiền ngẫm nội dung các cam kết từ lâu. Ngay cả trong những ngành mà các nghiên cứu, phân tích đều nói Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất như ngành may mặc, da giày thì các nhãn thời trang đa quốc gia sẽ nhắm đến các thị trường Việt Nam chưa từng có hiệp định thương mại, cả song phương lẫn đa phương như Canada, Peru để tăng lượng hàng đặt may ở Việt Nam nhằm vào các thị trường mới này. Các công ty may mặc Việt Nam chưa đủ tiềm lực để đi khai phá thị trường một cách chủ động được.
Có chăng là các nhà nhập khẩu Việt Nam, phối hợp với các nhà xuất khẩu nhanh nhạy nắm bắt cơ hội mua hàng giảm, miễn thuế về bán hưởng lợi như đã từng xảy ra khi Việt Nam miễn thuế nhập ô tô từ Thái Lan hay Indonesia.
Bởi thế điều chúng ta đặt nhiều kỳ vọng là các đợt khai thác tiềm năng về lâu về dài và ở đây nội lực cũng như tầm nhìn chính sách đóng vai trò quan trọng. Một khi đã thừa nhận khối doanh nghiệp FDI tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại tốt hơn doanh nghiệp trong nước, điều cần rút ra là nên khuyến khích các dự án khai thác các khâu còn lại trong chuỗi sản xuất như công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu và phát triển. Chính những doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành may sẽ đem lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tương tự, các doanh nghiệp vệ tinh cho các tên tuổi lớn như Samsung, Nokia, Honda... sẽ giúp gia tăng hàm lượng “Made in Vietnam” trong các sản phẩm xuất đi toàn cầu.
Tỷ giá ổn định trong một vài tuần tới
Thesaigontimes.vn đưa tin, Tỷ giá đã có 6 ngày giao dịch đầu tiên trong năm 2019 khá bình lặng, điểm nhấn mấu chốt của biến động tỷ giá đó là quyết định nâng giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường liên ngân hàng từ 22.700 lên 23.200 đồng/đô la.
Lẽ ra tỷ giá có thể giảm sâu hơn khi vào thời điểm đầu năm mới Dương lịch và sát Tết Nguyên đán, đó là thời kỳ nhập khẩu thường thấp, lượng kiều hối về cao và nguồn cung đô la trên thị trường tương đối dồi dào.
Trên thị trường quốc tế, người viết thấy rằng sau triển vọng tăng lãi suất có thể chậm lại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng đô la đã giảm khoảng 1,42% so với các đồng tiền chủ chốt, và ở cả góc độ phân tích kỹ thuật, chỉ số đồng đô la US dollar index (DXY) cũng đang đi trong một nhịp điều chỉnh (xem thêm tại đây). Tỷ giá đô la/nhân dân tệ đi cũng cùng xu hướng đang là một trong những lý do củng cố thêm cho việc điều chỉnh biến động tỷ giá trong nước.
Về quyết định tăng giá mua vào đồng đô la của NHNN, tác giả nhận thấy điều này không quá mới mẻ và thể hiện rõ được định hướng ổn định thị trường tiền tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối của Chính phủ.
Năm 2018, NHNN đã thành công trong việc điều hành thị trường khi tỷ giá chỉ tăng 2,14% trong khi thị trường quốc tế biến động rất mạnh (DXY tăng gần 5%, Fed tăng lãi suất 4 lần, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn tại các thị trường mới nổi). NHNN cũng đã mua ròng từ thị trường hơn 6 tỉ đô la, tăng dự trữ ngoại hối lên trên 60 tỉ đô la (tương đương khoảng 13,5 tuần nhập khẩu). Bên cạnh đó, NHNN đã khá linh hoạt khi áp dụng chính sách mua kỳ hạn ngoại tệ vào đầu năm khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào và bán kỳ hạn khi cầu ngoại tệ tăng cao vào giai đoạn cuối năm.
Với quyết định trên, rõ ràng nhận thấy vùng giá quanh 23.200 đồng/đô la sẽ là mặt bằng giá phổ biến của tỷ giá trong một vài tuần tới. Trong bối cảnh: (1) đồng đô la đang yếu; (2) kiều hối dồi dào theo tính mùa vụ; (3) xuất siêu phổ biến vào tháng đầu năm (3 năm liên tiếp gần đây); động thái can thiệp của NHNN sẽ hỗ trợ cho sự cân bằng tỷ giá. NHNN có điều kiện tiến hành thực hiện điều hành tỷ giá biến động theo các mục tiêu và gia tăng dự trữ ngoại hối.
Cùng với đó, việc mua vào đô la sẽ là một kênh để NHNN đưa một lượng tiền đồng tương đương ra thị trường, hỗ trợ cho thanh khoản tiền đồng vốn thường căng thẳng vào khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán.
Bình ổn thị trường, chống buôn lậu dịp Tết nguyên đán
Theo tin từ thuongtruong.com.vn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị yêu cầu toàn ngành Tài chính thực hiện tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá; chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Theo Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; giám đốc sở tài chính, cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan,… chủ động tăng cường công tác quản lý, điều hành theo chức năng và nhiệm vụ , trong thời điểm trước, trong và sau Tết để kiểm soát ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi sát biến động giá cả thị trường. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao trong dịp Tết. Tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp, nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.
Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị trong ngành Tài chính tổ chức triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nguồn: VITIC tổng hợp