Trung Quốc tăng mua, nhiều loại trái cây tăng giá mạnh
Trang tuoitre.vn đưa tin, sản lượng chuối của Philippines giảm mạnh do chuối già cỗi, vùng Quảng Tây (Trung Quốc) mất mùa nên thị trường Trung Quốc tăng nhập từ Việt Nam, đẩy giá tăng.
Thanh long ruột đỏ hiện được bán ra 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại và 15.000 - 20.000 đồng/kg ruột trắng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm giá thấp năm ngoái. Giá chuối 14.000-16.000 đồng/kg và mít Thái 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Trung Quốc (nhập khoảng 80% sản lượng thanh long Việt Nam) đang tiêu thụ mạnh, giúp giá thanh long neo mức cao.
Giá mít Thái lên mức cao nhất trong nhiều năm nay nhưng các nhà vườn không có đủ hàng cho thương lái gom mua xuất đi Trung Quốc. Giá sầu riêng cũng đang ở mức cao, khoảng 65.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại.
Nhiều nhà vườn thừa nhận cũng khá hồi hộp, chưa biết lúc nào giá các loại trái cây này sẽ quay đầu giảm mạnh như đã từng xảy ra, bởi việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến giá nhiều loại trái cây khá bấp bênh, lúc "nóng" khi thì "lạnh".
Nên nhập khẩu đường thô thay vì nhập đường trắng
Theo nongnghiep.vn, hiện nay, nhập khẩu đường trắng hay đường thô đang là câu hỏi được nhiều Tổ chức - Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Đa số các nước nhập khẩu đường trên thế giới đều nhập đường thô về chế luyện.
Việc nhập khẩu đường thô theo hạn ngạch thuế quan sẽ góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như: Bao bì, than, nguyên phụ liệu... đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, gia tăng phí dịch vụ hỗ trợ.
Nhập khẩu đường trắng ngày càng bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chi phí nhập khẩu đường trắng cao hơn so với đường thô từ 100 - 120 USD/tấn. Việc nhập khẩu đường trắng với hạn ngạch quá lớn, về lâu dài, có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hiệu quả thúc đẩy hoạt động nông nghiệp, canh tác sản xuất của các hộ nông dân, cũng như cắt giảm nhu cầu lao động tại các nhà máy, lãng phí năng suất lao động của một nguồn nhân công lớn với nhu cầu làm việc rất cao…
Do đó, diễn tiến thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đang có xu hướng nhập đường thô về tinh luyện trong nước để tạo giá trị gia tăng thay vì nhập khẩu trực tiếp đường trắng.
VietinBank cho vay thu mua thóc gạo với lãi suất ưu đãi 6%
Theo baogiaothong.vn, vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019 ở ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng từ sau Tết Nguyên đán giá thóc giảm mạnh do Doanh nghiệp thiếu tiền mua dự trữ. Vì vậy, người nông dân buộc phải bán thóc dù biết bị thương lái ép giá vì không có chỗ trữ và trả nợ vật tư cuối vụ.
Ngành thóc, gạo đang trở thành tâm điểm nóng vì năng lực sản xuất cao nhưng đầu ra hẹp, giá lại giảm. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người sản xuất lương thực cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước tình hình này, một số Doanh nghiệp đã kiến nghị Ngành Ngân hàng cho Doanh nghiệp vay vốn mua thóc, gạo để tạm trữ, chờ xuất khẩu.
VietinBank ban hành “Chương trình Cho vay ưu đãi cho các Doanh nghiệp, cá nhân thu mua tạm trữ thóc, gạo Đông Xuân khu vực ĐBSCL”. Với mức lãi suất 6% cho kỳ hạn ngắn hạn, thấp hơn lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng, các Doanh nghiệp thu mua thóc, gạo sẽ được VietinBank cung ứng vốn kịp thời, được xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Khoai lang Nhật giảm giá mạnh
Theo nld.com.vn, thông thường giá bán lẻ khoai lang Nhật lên đến bốn, năm chục ngàn đồng/kg, nay rớt giá thê thảm chỉ còn 10.000 đồng/kg,thậm chí giá bán tại ruộng chỉ hơn 1.000 đồng/kg. Nguồn khoai trên được thu mua từ Gia Lai, với giá từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Công ty Ngân hàng Thực phẩm cho biết cuối tháng 2 vừa qua khi có thông tin giá khoai lang Nhật do bà con nông dân trồng ở huyện Phú Thiện, Gia Lai rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, công ty đã nhanh chóng triển khai chương trình giải cứu khoai lang cho nông dân, giá mua của công ty tại ruộng từ 5.000-6.000 đồng/kg, và đầu tháng 3 công ty đã chuyển nhiều tấn khoai lang về TP HCM tiêu thụ với giá bán lẻ ra thị trường 12.000 đồng/kg.
Sau khi công ty triển khai chương trình giải cứu đã tạo nên hiệu ứng kéo theo nhiều ban ngành, đoàn thể và cả những người buôn bán nhỏ cũng tham gia giải cứu khoai lang cho nông dân Gia Lai. Đến thời điểm này đã giải quyết được khoảng 70% trên tổng số 14.000 tấn khoai lang tại địa phương trên.
Giá khoai lang Nhật tại Gia Lai đang dần tăng trở lại do thương lái đã quay lại thu mua. Cách đây khoảng 10 ngày giá khoai được thương lái thu mua tăng thêm 1.500-2.000 đồng/kg hiện đã tăng lên từ 5.000-6.000 đồng/kg, tương đương mức giá các đơn vị tham gia giải cứu đưa ra.
Chi cục Chăn nuôi Hà Nội: Cần giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trước nguy cơ tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều nơi nông dân đang chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại, hoặc bán chạy heo bệnh, heo nghi bệnh, không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Người tiêu dùng có xu hướng "tẩy chay" tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn và đảm bảo chất lượng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị cần giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng nhiều hơn các chuỗi liên kết và có chỉ đạo sâu về quản lý thức ăn chăn nuôi; quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thực tế ngành chăn nuôi heo Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp…
Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư.
Về chính sách hỗ trợ trong trường hợp xảy ra dịch, người chăn nuôi còn nhiều băn khoăn như mức hỗ trợ thấp hơn so với giá thị trường, thời gian hỗ trợ kéo dài, thủ tục hỗ trợ vướng mắc, mất nhiều thời gian.
Thịt lợn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hút người tiêu dùng
Theo thông tin từ nongnghiep.vn, trong khi sức mua tại chợ truyền thống đang giảm thì tại siêu thị mặt hàng thịt lợn sạch, giá cao hơn chợ truyền thống 20% nhưng vẫn hút khách mua. Đó là kết quả khảo sát tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội như Coop mart, Big C, Vinmart, Hapro. Cụ thể tại hệ thống siêu thị Vinmart thịt sườn 150.000 đồng/kg, trong khi chợ truyền thống 120.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 đồng/kg, nạc thăn 119.000 đồng/kg, cao hơn giá tại các chợ dân sinh khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg... Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, thịt lợn cốt lết có giá 100.000 đồng/kg, thịt lợn xay giá 90.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ chỉ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Còn tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, giá thịt tại đây cao hơn 25 - 35% so với thịt lợn các nơi khác, hiện giá trung bình 150.000 đồng/kg.
Mặc dù giá bán cao hơn hệ thống chợ truyền thống nhưng sức mua mặt hàng này những ngày vừa qua vẫn tăng mạnh. Thông tin từ hệ thống các siêu thị Coop mart, Big C, Vinmart cho thấy từ khi có dịch tả lợn châu Phi sức tiêu thụ thịt lợn không bị ảnh hưởng mà còn tăng khoảng 10-20% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet