Thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu Thanh Thủy tăng đột biến
Theo haiquanonline.com.vn, trong khoảng 10 ngày trở lại đây, lượng thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến, một phần là do thanh long đang vào mùa thu hoạch và tại nhiều địa bàn khác có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.
Nếu như cách đây khoảng 3 tháng, trung bình có 40 container xuất khẩu qua cửa khẩu, tuy nhiên thời gian gần đây số container thanh long có thể lên đến 70-80 container/ngày. Trong các cửa khẩu giáp Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy có vị trí thuận lợi chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 20km, trong khi các cửa khẩu khác thuộc Cục Hải quan Hà Giang điều kiện giao thông tương đối xa, đi lại khó khăn. Chính vì vậy, hoạt động XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy được xem là một trong những địa bàn xuất nhập khẩu chủ chốt của cả Cục.
Hàng hóa qua cửa khẩu chủ yếu là nông sản như: Xuất khẩu chủ yếu là rau củ quả, tinh bột sắn, ván bóc, gỗ xẻ… Đặc biệt vào dịp cao điểm xuất khẩu mặt hàng thanh long này, chi cục và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đều xử lý nhanh chóng, không để xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.
Để nắm bắt tình hình, chủ động kế hoạch làm thủ tục thông quan nhanh chóng cho DN, đơn vị thường xuyên tuyên truyền thủ tục cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi có những biến động về tình hình XNK DN sẽ trao đổi thông tin kịp thời để cơ quan Hải quan có phương án bố trí cán bộ làm thủ tục hải quan bất cứ thời điểm nào.
Biến động thị trường, xuất khẩu cá tra khó đạt 2,4 tỷ USD
Thông tin từ haiquanonline.com.vn, là một trong 2 mặt hàng XK chủ lực của thủy sản Việt Nam, XK cá tra trong năm 2019 đã có nhiều biến động về thị trường khiến mục tiêu XK 2,4 tỷ USD năm 2019 khó đạt được.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam kỳ vọng sẽ gia tăng cơ hội tại thị trường này. Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá trị XK cá tra sang Mỹ vẫn giảm do rào cản thương mại và kỹ thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng XK sang thị trường này.
Nếu trước đây, thị trường Mỹ được xếp hàng đầu trong việc nhập khẩu cá tra Việt Nam thì 9 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này giảm đến 40%, đạt 221 triệu USD. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thuế chống bán phá giá trong lần xem xét hành chính (POR14) mới đây ở mức cao, mặc dù thị trường này có đến 62 DN cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ.
Với mức thuế chống bán phá giá cao, thị trường Mỹ sẽ chỉ có một vài công ty XK cá tra Việt Nam có thể thâm nhập, những rủi ro về thuế vẫn là rào cản khiến cho cả những doanh nghiệp này cũng phải chủ động mở rộng sang các thị trường khác. Do vậy, theo VASEP, XK sang Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể phục hồi.
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc phục hồi là tin vui, khi tình hình xuất khẩu cá tra của cả nước từ đầu năm đến nay gặp khó khăn ở nhiều thị trường khác nhau.
Khác với thị trường Mỹ, thị trường Trung Quốc gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu năm 2019. Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, gia tăng biện pháp kỹ thuật để kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, song qua đợt kiểm soát này cho thấy, đây không phải là thị trường dễ tính như mọi người “lầm tưởng”.
Với những biến động thị trường, VASEP dự báo, XK cá tra năm nay sẽ đạt kim ngạch trên 2,2 tỷ USD.
Rất cần chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản
Theo haiquanonline.com.vn, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, với tầm quan trọng của ngành hàng nông sản, Việt Nam thực sự cần có cả chiến lược mang tầm quốc gia về xây dựng thương hiệu nông sản.
Thương hiệu chia ra thương hiệu cấp quốc gia, thương hiệu tập thể và thương hiệu DN. Ở cấp quốc gia điển hình như mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT đứng ra xây dựng song tầm ảnh hưởng khá mờ nhạt. Với mặt hàng khác là tôm và cá tra, dù xác định xây dựng thương hiệu quốc gia song mới đang thực hiện.
Nhìn ở góc độ 10 mặt hàng nông sản XK chủ lực, lọt “top” tỷ USD như gỗ, cao su, hạt tiêu, hạt điều…, đến nay chưa sản phẩm nào có thương hiệu. Cà phê Việt nổi tiếng trên thế giới về mặt sản xuất từ lâu nhưng các nhà XK chỉ bán hạt cho nhà rang xay để họ chế biến. Sản phẩm bán ra không mang thương hiệu Việt.
Cốt lõi của xây dựng thương hiệu nông sản là giá trị cộng đồng. Sự cam kết về chất lượng bền vững mới có thể xây dựng được thương hiệu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn khá manh mún dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu ổn định. Vấn đề truy xuất nguồn gốc và kiểm soát đầu vào còn khá khó khăn nên tập thể, DN còn thiếu những cam kết trong chuỗi giá trị bền vững, làm cho người tiêu dùng chưa đủ niềm tin.
Trong câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản, Nhà nước và DN đóng vai trò hỗ trợ cho nhau. Nhà nước có vai trò là “bà đỡ”, thúc đẩy tạo môi trường pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh,… Còn DN là yếu tố quyết định vì thương hiệu tạo nên giá trị sinh lời, là hình ảnh của DN, niềm tin của người tiêu dùng. Nhà nước quản lý, còn DN kinh doanh. Trong kinh doanh của DN, vấn đề lớn là tạo lập nên thị trường. Xây dựng thương hiệu ở cả 3 cấp quốc gia, tập thể và DN thì bản thân DN đều đóng vai trò quan trọng. DN phải giữ vai trò liên kết với người sản xuất, với tổ chức kinh tế nông nghiệp. DN vừa trực tiếp thực hiện thương hiệu cho chính mình, đồng thời phải là người dẫn dắt trong chuỗi giá trị và chất lượng sản phẩm.
Giá cao su vẫn phải chịu áp lực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Vietnambiz.vn đưa tin, trong 10 ngày đầu tháng 10/2019, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt biến động không đồng nhất, giá tại Tokyo và Thái Lan giảm, trong khi tại Thượng Hải tăng.
Tại thị trường Việt Nam, giá xuất khẩu cao su trong tháng 9/2019 đạt bình quân 1.310 USD/tấn, giảm 2,8% so với tháng 8/2019, nhưng tăng 1,6% so với cùng kì năm 2018
Trong 10 ngày đầu tháng 10, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và tại nhà máy tại tỉnh Đắk Lắk giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 9/2019, xuống còn lần lượt 241 đồng/độ TSC và 246 đồng/độ TSC.
Theo Bộ Công Thương trong thời gian tới, xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục gặp khó khăn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường. Trong khi đó, sức ép từ nguồn cung tăng lên khi Indonesia và Malaysia đã hoàn tất chương trình cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên theo cam kết của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC).
Bên cạnh đó, xuất khẩu cao su sang thị trường Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn nữa nếu Thái Lan xúc tiến xuất khẩu cao su thành công.
Cacao hữu cơ Việt Nam lần đầu xuất đi Nhật
Theo vnexpress.net, lô 1.000 sản phẩm bột cacao hữu cơ của Việt Nam đã đến Nhật Bản và sẽ được bán tại 2 tỉnh Okinawa và Hamamatsu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có mặt hàng cacao hữu cơ thâm nhập chính ngạch vào thị trường này. Sản phẩm được sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi Công ty Thực phẩm Amazon. Ông Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc công ty cho biết đã mất 3 năm để cùng nông dân xây dựng vùng trồng cacao đạt chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và JAS (Nhật Bản).
Cùng với đó, công ty còn trải qua 6 tháng để hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, chứng nhận, bao bì và vượt qua các đợt kiểm tra của đối tác Nhật Bản. Lô hàng vừa rồi được mua bởi Tập doàn Cpoint Nhật Bản thông qua đại diện tại Việt Nam là Công ty Mặt Trời Đỏ Vũng Tàu. Bà Nguyễn Thị Thu, Giám Đốc công ty đại diện cho biết sản phẩm sẽ được bán tại tỉnh Okinawa và Hamamatsu.
Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới, lô hàng 1.000 thanh chocolate sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang Nhật. Năm 2018, sản phẩm chocolate hữu cơ 92% của ông Hồ Sĩ Bảo đạt giải đồng trong cuộc thi chocolate thế giới tại Italy.
Nguồn: VITIC