Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khi những dấu hiệu kinh tế hồi phục tốt từ Mỹ khiến thị trường chuyển hướng tập trung chủ yếu vào yếu tố cơ bản (cung – cầu) mà gác lại lo ngại nguồn cung từ Iran sẽ tăng lên.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 59 US cent (0,9%) lên 69,46 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 64 US cent (1%) lên 66,85 USD/thùng.
Nền kinh tế Mỹ đang dần lấy lại đà tăng sau số liệu công bố cùng ngày cho thấy hoạt động chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị đã tăng nhanh trong tháng 4/2021. Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của nước này đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước. Nền kinh tế Mỹ quý I năm nay tăng trưởng với tốc độ nhanh thứ 2 kể từ quý III/2003 nhờ có nhiều động lực, trong đó một dữ liệu khác hôm qua cho thấy chi tiêu của lĩnh vực kinh doanh cho mảng thiết bị đã tăng mạnh trong tháng 4 – cho thấy các nhà đầu tư đang đầu tư mạnh mẽ để tăng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Triển vọng nguồn cung gia tăng sau khi Iran tái gia nhập thị trường vẫn là áp lực cản trở giá dầu đi lên. Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng nguồn cung từ Iran sẽ diễn ra từ từ, trong đó JP Morgan ước tính Iran có thể tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào cuối năm 2021 và tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 8/2022.
Iran và các cường quốc trên thế giới vẫn đang đàm phán về việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, đổi lại Iran phải tuân thủ các hạn chế đối với hoạt động hạt nhân của nước này. Các cuộc đàm phán đó sẽ là một trong những nội dung chính cho cuộc họp ngày 1/6 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Các nguồn tin OPEC cho biết nhóm này có thể sẽ tiếp tục nới lỏng dần việc hạn chế nguồn cung dầu tại cuộc họp vào ngày 1/6, khi các nhà sản xuất xem xét các dự báo về nhu cầu phục hồi với nguồn cung từ Iran gia tăng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng vững vì đang chịu tác động từ 2 yếu tố trái chiều: lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay vững ở ở mức 1.896,76 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 1.898,5 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm thấp, đồng nghĩa với việc mua vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết: “Nền kinh tế Mỹ đang trong quỹ đạo tăng trưởng vững chắc và tranh luận về lạm phát giảm bớt bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thành công trong việc thuyết phục thị trường rằng tình hình đó chỉ là nhất thời”.
Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo tiêu dùng cá nhân hàng tháng của Mỹ, dự kiến công bố trong hôm nay 28/5.
Về những kim loại quý khác, giá palladium tăng 2,3% lên 2.806,67 USD/ounce, giá bạc tăng 0,5% lên 27,83 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1% xuống 1.178,86 USD/ounce
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá sắt thép do nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ thắt chặt kiểm soát các hoạt động đầu cơ. Theo đó, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên 27/5 tăng 1,1% lên 1.046,5 CNY (164,1 USD)/tấn, mặc dù trong phiên có lúc giảm xuống 984 CNY, thấp nhất kể từ 12/4. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt tăng mạnh 5,6% lên 112,1 USD/tấn, dù trước đó có thời điểm xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần, là 170,5 USD/tấn. Giá giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải phiên này tăng 0,2% so với cuối phiên liền trước, thép cuộn cán nóng tăng 0,5% và thép không gỉ tăng 1,3%.
Nhà phân tích Adam Hoyes của Capital Economics thì cho biết, mặc dù những động thái của Chính phủ dường như đã làm giảm đi một số hoạt động đầu cơ, từ đó tác động ngắn hạn tới thị trường, nhưng lịch sử đã cho thấy những động thái đó sẽ không có nhiều ảnh hưởng về lâu dài.
Giá kim loại cơ bản cũng tăng trong phiên này do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và lo ngại những cuộc đình công ở các mỏ đồng tại Chile – nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới – sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung. Hai yếu tố này đã khiến nhà đầu tư tạm quên đi nỗi lo rằng Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên 27/5 tăng 2,7% lên 10.244 USD/tấn.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 3,2% lên 2.478,50 USD/tấn, kẽm tăng 3,2% lên 3,062 USD, nickel tăng 3,6% lên 17,915 USD, chì tăng 1,3% lên 2,205,50 USD và thiếc tăng 2,2% ở 30.180 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng do hoạt động mua mạnh. Theo đó, giá ngô Mỹ tăng hơn 6%, rời xa mức thấp nhất 1 tháng, trong bối cảnh có nhiều hoạt động mua kỹ thuật và nhu cầu tăng mạnh đối với loại ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn Chiacago, giá ngô kỳ hạn tháng 7 tăng 40 US cent lên 6,64-1/2 USD/bushel. Mức tăng 6,4% là mức tăng lớn nhất đối với hợp đồng ngô giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 6/2015.
Giá đậu tương cũng tăng theo xu hướng giá ngô và tăng lần đầu tiên trong vòng 8 phiên, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng ở phiên liền trước.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 phiên này cũng tăng 33-1/2 cent lên 15,37 USD/bushel.
Giá lúa mì cũng tăng lần đầu tiên trong 9 phiên do hoạt động mua mạnh mang tính kỹ thuật đối với những hợp đồng kỳ hạn gần và lo ngại vụ lúa mì Xuân – mới trồng gần đây – ở khu vực đòng bằng miền Bắc nước Mỹ đang bị khô hạn nghiêm trọng. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 27-3/4 cent lên 6,76-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạng tháng 7 kết thúc phiên vừa qua tăng 0,34 US cent (2%) lên 17,12 US cent/lb, rời xa mức thấp nhất 1 tháng của phiên 24/5. là 16,54 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 8 kết thúc phiên vừa qua cũng tăng 7,50 USD, tương đương 1,7%, lên 457,50 USD/tấn. Tuy nhiên, nhà môi giới StoneX nhận định thị trường đường thế giới đang chuyển từ thiếu hụt trong niên vụ 2020/21 sang dư thừa chút ít vào năm 2021/22 do sản lượng tăng ở Châu Á.
Giá cà phê arabica cũng tăng lên mức cao nhất bốn năm rưỡi do lo ngại về nguồn cung hạn hẹp khi người trồng cà phê ở Brazil vỡ nợ vì không đủ hàng trả cho các hợp đồng đã bán và do việc xuất khẩu ở Colombia bị chậm trễ.
Phiên 27/5, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 có thời điểm đạt 1,572 USD/lb, cao nhất kể từ cuối năm 2016, kết thúc phiên giảm nhẹ 0,2% so với lúc đóng cửa phiên trước, còn 1,5535 USD/lb; trong khi đó giá robusta phiên tăng 14 USD, tương đương 0,9%, lên 1.517 USD/tấn.
Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, người trồng cà phê Brazil đang cố gắng đàm phán lại các hợp đồng mua bán mà họ đã thỏa thuận từ trước đối với các nhà xuất khẩu và các thương lái với mức giá cao hơn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ngành này rơi vào tình trạng vỡ nợ. Hoạt động kinh doanh cà phê ở Colombia vẫn gặp khó do những cuộc biểu tình chống Chính phủ gây ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa.
Tại Châu Á, hoạt động giao dịch cà phê ở Indonesia thưa thớt sau kỳ nghỉ lễ. Cà phê robusta Sumtran của Indonesia không thay đổi do nhu cầu giảm. Mức cộng giá cà phê Indonesia kỳ hạn giao tháng 7 và 8 hiện vào khoảng 110 – 120 USD/tấn. Ở Việt Nam, thời tiết ở Việt Nam thuận lợi cho ngành trồng cà phê, nhưng hoạt động giao dịch cũng chậm vì nguồn cung khan hiếm. Thương lái Việt Nam chào giá cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) kỳ hạn tháng cộng 20 USD so với hợp đồng tham chiếu ở London (một tuần trước đây, mức cộng của hợp đồng kỳ hạn tháng 7 cũng là 20 USD/tấn).
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua sau khi lãnh đạo đảng cầm quyền của nước này có phát ngôn ủng hộ việc chi tiêu công mạnh mẽ hơn nhằm giúp nền kinh tế hồi phục giữa bối cảnh đại dịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này. Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka tăng 0,2 JPY (0,1%) lên 255,4 JPY/kg.
Giá hàng hóa thế giới sáng 28/5/2021
gia hang hoa the gioi ngay 27/5

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg