Năng lượng: Giá dầu giảm do khả năng Iran tăng sản lượng
Giá dầu thô phiên cuối tuần tăng do thông tin một cơn bão đang hình thành tại Vịnh Mexico, có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,33 USD hay 2% lên 66,44 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,64 USD hay 2,65% lên 63,54 USD/thùng.
Một hình thái thời tiết đang hình thành ở vùng phía Tây của Vịnh Mexico có khả năng 40% trở thành một cơn bão trong vòng 48 giờ tới, Trung tâm Cảnh báo bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết ngày 21/5. “Nguy cơ xuất hiện bão đã thúc đẩy giới đầu tư mua dầu thô. Vì bão có thể khiến hoạt động sản xuất dầu bị gián đoạn”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group phát biểu trên Reuters.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu giảm khoảng 3% do giảm liên tiếp 3 phiên giữa tuần, một phần do chịu sức ép từ những dấu hiệu tiến triển hướng tới việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, điều có thể làm tăng lượng dầu được cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Bắt đầu từ phiên 18/5, giá dầu quay đầu giảm khỏi mức cao nhất của hai tháng sau khi truyền thông đưa tin Mỹ và Iran đạt được tiến bộ trong nỗ lực đàm phán để khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Những bước tiến trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với phương Tây đang mở ra cơ hội Tehran được dỡ lệnh trừng phạt kinh tế, trong đó có lệnh cấm vận dầu lửa.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 20/5 nói rằng Mỹ đã sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này, dù chưa có sự xác nhận từ phía Mỹ.
Cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về nối lại thoả thuận hạt nhân 2015 đã kéo dài từ tháng 4. Một quan chức châu Âu dẫn đầu các cuộc thảo luận vào hôm thứ Tư tuần này đã bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt thoả thuận. Hôm thứ Năm, Tổng thống Hassan Rouhani nói Mỹ đã sẵn sàng dỡ trừng phạt đối với các ngành dầu lửa, ngân hàng và vận tải biển của Iran.
Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, Manish Raj, cho rằng hiện các nhà giao dịch có thể chưa chú ý đến phát biểu từ phía Iran rằng đã có tiến triển trong tiến trình đàm phán. Theo S&P Global Platts, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/5 nói còn nhiều thách thức.
Ông nhấn mạnh Iran xuất khẩu trung bình 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày kể từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2018, trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, khiến con số này giảm xuống chỉ còn vài nghìn thùng.
Trong khi đó, nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc Commerzbankian nhận định nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, có thêm tới 2 triệu thùng dầu có thể được đưa vào thị trường mỗi ngày.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Trong phiên cuối tuần, 21/5, giá vàng kỳ hạn giảm, chấm dứt sáu phiên tăng liên tiếp, nhưng khép lại tuần qua vẫn là tuần tăng thứ ba. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.876,42 USD/ounce; bàng kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.876,7 USD/ounce.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá vàng vẫn tăng 1,9% bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm
USD tăng 0,3% so với các đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 1,62% giảm so với mức cao gần một tuần 1,69% trong ngày 19/5.
Nhà quản lý danh mục đầu tư của GraniteShares, Jeff Klearman, cho rằng sự không chắc chắn ngày càng lớn về lộ trình chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tới và ảnh hưởng đến lạm phát cũng như thị trường chứng khoán Mỹ đã góp phần hỗ trợ giá vàng.
Fed nhắc lại quan điểm sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0% trong khi thắt chặt chính sách, với việc trước tiên giảm quy mô của chương trình mua lại trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp và trái phiếu chính phủ.
Giám đốc nghiên cứu thuộc Insignia Consultants, Chintan Karnani, cho rằng giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do hoạt động chốt lời cũng như sự nản lòng của nhà đầu tư khi giá kim loại quý này không thể vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Số liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ tăng tốc vào đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu trong nước mạnh.
Tuy nhiên, ông Chintan Karnani cho rằng nhu cầu của các quỹ giao dịch vàng tăng là dấu hiệu tích cực cho giá vàng trong tuần tới. Những lo ngại về việc Fed có thể phải nâng lãi suất do lạm phát cao hơn dự kiến đã khiến các thị trường chứng khoán biến động, làm tăng nhu cầu của nhà đầu tư với vàng.
Kim loại công nghiệp: Giá nhìn chung giảm
Giá đồng giảm liên tiếp mấy phiên vừa qua do một số nhà đầu tư chốt lời và lo lắng về mối đe dọa kiềm chế giá hàng hóa tăng vọt của Trung Quốc.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2% xuống mức thấp nhất 3 tuần tại 9.849 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 3,7%; giá đồng trên sàn Comex (New York) giảm 2,1% xuống 4,474 USD/lb.
Tính chung cả tuần, giá đồng trên sàn LME iảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020 sau khi tăng chóng mặt gần 40% kể từ đầu năm nay lên mức cao kỷ lục 10.747,5 USD trong tuần trước.
Trung Quốc, nước sử dụng đồng lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ tăng cường quản lý cung và cầu hàng hóa để hạn chế giá tăng bất hợp lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Giá sắt thép tuần này cũng giảm, rời xa khỏi mức cao kỷ lục của phiên 12/5.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên kết thúc phiên cuối tuần 21/5 với mức giảm 3,4% so với phiên liền trước, xuống 1.096,5 CNY (170,48 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 5,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore – kỳ hạn giao giao dịch nhiều nhất – trong cùng thời điểm cũng giảm 4,8% xuống 191,3 USD/tấn.
Giá thép cũng đi theo xu hướng này khi tiếp tục rời xa khỏi mức cao kỷ lục của tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng bán tháo các hợp đồng kể từ khi Trung Quốc ngày 19/4 thông báo sẽ nỗ lực kiềm chế đà tăng giá "bất hợp lý" để bảo vệ người tiêu dùng.
Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải phiên 21/5 giảm 0,7% so với phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng đi ngang; riêng thép không gỉ tăng nhẹ 0,7%.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên – một nguyên liệu sản xuất thép – phiên này giảm 5,7%, trong khi than cốc giảm 4,3%.
Nông sản: Giá ngũ cốc giảm
Giá các loại nông sản giao kỳ hạn tại thị trường Mỹ đều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/5, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 giảm 5 US cent (0,75%) xuống 6,595 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1 US cent (0,15 %) xuống 6,7425 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao tháng 7/2021 giảm 7 US cent ỹ (0,46%) xuống 15,2625 USD/bushel.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng, khối lượng giao dịch giảm trong những ngày gần đây do ít người mua muốn chịu rủi ro vào cuối tuần.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lần đầu tiên không công bố lượng ngô giao dịch với Trung Quốc trong tuần này. Việc không có doanh số bán hàng ngày cũng không cho thấy Trung Quốc kết thúc chương trình mua ngô vụ mới. AgResource cho biết Trung Quốc có nhu cầu bổ sung thêm ngô cho dự trữ.
Giá ngô ở Liên minh châu Âu (EU) đang tăng nhanh do thiếu nguồn cung của vụ mùa cũ. Điều này cho thấy nguồn cung ứng ngô của EU hầu như đã cạn kiệt.
Dự báo thời tiết cho thấy sẽ có mưa lớn ở Iowa và Missouri vào ngày 30/5 tới. Các đồng bằng phía Bắc và thảo nguyên miền Trung Canada sẽ thiếu hụt lượng mưa, trong khi đó thời tiết không có dấu hiệu cho thấy một đợt nắng nóng khắc nghiệt nào ở miền Nam và Trung Mỹ cho đến ngày 5/6.
Giá thị trường nông sản trên sàn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, không thể bất ngờ tăng giảm trong bối cảnh thời tiết thuận lợi ở miền Trung Mỹ và nguồn cung ngô và đậu tương niên vụ cũ thắt chặt trong lúc Trung Quốc tiến hành mua ồ ạt ngô Mỹ trong tuần này.
Khu vực Đồng bằng Bắc Mỹ và Trung Tây Bắc Mỹ sẽ khô hạn hơn, cùng với mưa lớn tại phía Nam biên giới bang Iowa và Missouri. Vụ ngô Brazil cũng đang phải trải qua thời tiết khô nóng kéo dài đến ngày 24/5.
AgResource cho rằng giá ngô tháng 12 có thể giảm xuống dưới 4,40 USD/bushel, giá đậu tương tháng 11 xuống dưới 13,50 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,37 US cent hay 2,2% xuống 16,67 US cent/lb, trong phiên giá đã xuống mức thấp nhất một tháng tại 16,60 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 6 USD hay 1,3% xuống 447,4 USD/tấn.
Các đại lý cho biết các nhà đầu cơ đã thanh lý các hợp đồng do USD tăng giá, sau những thông tin kinh tế không mấy khả quan của Mỹ.
Thông báo của Ấn Độ về việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu không ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu niên vụ này, do nhiều người cho rằng các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng bán hơn 5,5 triệu tấn trong mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn trước khi cắt giảm trợ cấp.
Giá cà phê phiên cuối tuần tiếp tục giảm. Theo đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,85 US cent hay 0,6% xuống 1,501 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 12 USD hay 0,8% xuống 1.478 USD/tấn.
Việc phong tỏa đường phố liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tuần tại Colombia, nước xuất khẩu arabica lớn thứ hai thế giới vẫn đang diễn ra, cản trở xuất khẩu và gây tính trạng thiếu lương thực, xăng dầu.
Mưa được dự báo ở khu vực trồng cà phê chính của Brazil cuối tuần này và tăng cường trong nhưng ngày sau đó có thể trì hoãn việc thu hoạch nhưng cải thiện tình trạng cho vụ mùa năm tới.
Giá cao su Nhật Bản phiên cuối tuần tăng theo xu hướng tại Thượng Hải, do các nhà đầu tư đánh giá cao cam kết của Bắc Kinh giữ giá hàng hóa trong tầm kiểm soát, kết thúc tuần giá tăng gần 4%.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,9 JPY hay 1,6%, lên 251,3 CNY (2,3 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 3,8%. Giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng 470 CNY lên 13.675 CNY (2.125 USD)/tấn.
Tồn trữ cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,3% so với tuần trước.
Giá hàng hóa thế giới
tong ket gia hang hoa tuan toi 20/5

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg