Theo báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công Thương, tháng 9 năm 2015, sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 21,6 triệu m2, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2014, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 54,7 triệu m2, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, quần áo mặc thường ước đạt 297,6 triệu m2, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2015, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 223,1 triệu m2, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 494,2 triệu m2, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, quần áo mặc thường ước đạt 2334,8 triệu cái, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may và may mặc tháng 9 ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tính 9 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 17,08 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương cho hay, việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ dần dẫn đến tình trạng gia tăng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, làm giảm tỷ lệ nội địa hóa ngành hàng dệt may Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến việc đáp ứng quy tắc xuất xứ do các Hiệp định thương mại tự do đỏi hỏi.
Sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có giá rẻ hơn do phá giá đồng nhân dân tệ.
Để đón đầu TPP cũng như các Hiệp định Thương mại tự do khác, nhằm tận dụng ưu đãi về thuế, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vốn lớn vào Việt Nam với các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm. Các dự án như 274 triệu USD của Far Eastern Group (Đài Loan) vào Bình dương, dự án 600 triệu USD của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) vào Đồng Nai, dự án 300 triệu USD của Công ty TNHH Worldon Vietnam (Hồng Kông) vào Thành phố Hồ Chí Minh...
An Nhiên