Cụ thể, tỉ lệ diện tích đậu tương Mỹ được đánh giá tốt – tuyệt vời tính đến tuần này là 51%, tăng 1% so với báo cáo trước. Tuy nhiên, con số vẫn khá khiêm tốn so với mức tăng của chất lượng ngô và chất lượng cây trồng cũng chưa đạt được mức kỳ vọng của thị trường. Lượng mưa gia tăng đáng kể trong 2 tuần vừa qua so với đợt khô hạn trước đó đã mang lại độ ẩm cần thiết cho cây trồng khi bước vào giai đoạn phát triển. Điều này đã làm tăng kỳ vọng của thị trường về mức đánh giá tích cực hơn của USDA về mùa vụ đậu tương. Tâm lí này cũng là nguyên nhân lý giải cho mức tăng sáng nay của giá đậu tương sau khi số liệu chính thức được công bố. Hiện tại, triển vọng thời tiết vẫn đang trái chiều nhau giữa ngắn và trung hạn. Dự báo trong 10 ngày tới, một đợt không khí sẽ di chuyển qua các vùng gieo trồng chính, trước tiên là Đồng bằng phía Bắc và sau đó là Trung Tây, kèm theo lượng mưa lớn. Tuy nhiên, sau 10 ngày nữa, thời tiết nóng, khô hơn sẽ di chuyển vào phía tây Vành đai ngô. Trong ngắn hạn, chúng tôi đang thiên về khả năng giá đậu tương sẽ chịu nhiều sức ép hơn.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố mà thị trường nên dành sự quan tâm trong giai đoạn này. Xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tuần đầu của tháng 07 đạt trung bình 720.800 tấn/ngày, tăng 101,7% so với cùng kỳ năm ngoái, Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết. Chỉ trong tuần đầu tiên, khối lượng xuất khẩu đã đạt gần ½ lượng đậu tương xuất khẩu trong cả tháng 7 năm ngoái. Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết doanh số bán hàng tăng là do nông dân muốn làm trống kho bãi để thu hoạch ngô.
Giá Arabica vẫn có thể giảm do xuất khẩu tích cực tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/07, giá hai mặt hàng cà phê cùng quay đầu suy yếu. Giá Arabica giảm khi nguồn cung tiếp tục đón nhận thông tin nguồn cung tích cực. Sản lượng cà phê Arabica đã rửa sạch trong tháng 06 của Colombia tăng nhẹ 1% so với sản lượng cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 18,6% so với sản lượng tháng 05. Cùng với đó, giá Robusta cũng giảm gần 2% khi tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil giúp nông dân nước này mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh bán hàng.
Bên cạnh thông tin sản lượng cà phê gia tăng tại Brazil, thị trường tiếp tục thông tin tích cực về nguồn cung cà phê tại Brazil. Cụ thể, xuất khẩu cà phê trung bình hàng ngày trong tuần đầu tiên của tháng 07 đạt 7,28 nghìn tấn, tăng 4% so với mức 6,99 nghìn tấn trong cùng kỳ năm 2022, dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (SECEX). Như vậy, hoạt động xuất khẩu cà phê đang được đẩy mạnh tại Brazil khi tiến độ thu hoạch cà phê ở khu vực trồng cà phê chính đang diễn ra tích cực.
Cùng với đó, thống kê hoạt động xuất khẩu cà phê trong tháng 07 tại Brazil của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê (CECAFE) cũng cho thấy chiều hướng tích cực hơn so với giai đoạn trước. Trong 10 ngày đầu tháng 07, quốc gia Nam Mỹ đã vận chuyển được 330.814 bao cà phê Arabica loại 60kg, tăng 28% so với mức 259.363 bao trong cùng kỳ tháng trước.
Hoạt động thu hoạch cà phê đang diễn ra tích cực cùng với triển vọng nguồn cung cà phê mở rộng trong niên vụ 2023/24, xuất khẩu cà phê Arabica của Brazil nói riêng và nguồn cung cà phê nói chung có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Giá đồng có thể tăng nhờ kích thích từ Trung Quốc và áp lực vĩ mô giảm bớt
Sức mua chiếm ưu thế trên thị trường đồng ngay từ khi mở cửa, do Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ tăng cường viện trợ kinh tế.
Cụ thể, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, tờ báo chứng khoán hàng đầu của nước này, cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ “đẩy nhanh” việc triển khai chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trước đó vào thứ Hai, theo một tuyên bố chung của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA), một số khoản nợ chưa thanh toán bao gồm các khoản tín dụng đến hạn trước năm 2024 sẽ được gia hạn trả nợ thêm một năm, nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản.
Động thái này có thể giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Trung Quốc, đồng thời, triển vọng nền kinh tế tích cực hơn sẽ giúp củng cố sức mua kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng. Đây là sẽ yếu tố “bullish” tới giá đồng trong ngắn hạn, do tiêu thụ vẫn đang là yếu tố dẫn dắt cản trở đà tăng của giá đồng. Nếu tiêu thụ không có dấu hiệu phục hồi, giá đồng có thể tiếp tục gặp sức ép trong trung hạn.
Về yếu tố vĩ mô, áp lực lãi suất giảm bớt khiến đồng USD suy yếu cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Với những bình luận ôn hòa của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm qua và dấu hiệu thị trường lao động Mỹ chậm lại, kỳ vọng Fed sắp tạm ngừng chu kỳ thắt chặt đang được củng cố và làm suy giảm sức mạnh của đồng USD, đồng tiền thống trị trong các giao dịch thương mại quốc tế.
Thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi báo cáo lạm phát bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ được công bố vào thứ Tư, chỉ báo này sẽ cung cấp thêm manh mối về lộ trình tăng lãi suất tiếp theo của Fed.
Giá dầu có thể tiếp tục tăng nếu báo cáo EIA hạ dự báo nguồn cung
Giá dầu đang nhận được sự hỗ trợ bởi lo ngại tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay, trong khi nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế sau các dữ liệu sản xuất và tiêu dùng yếu kém.
Thị trường dầu sẽ hướng sự tập trung vào báo cáo tháng 7 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành vào tối nay, nhằm đánh giá nhận định về cán cân cung cầu trong nửa cuối năm nay.
Trong báo cáo tháng trước, với tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 của Saudi Arabia, EIA dự báo thị trường dầu thô sẽ thâm hụt khoảng 200,000 thùng/ngày trong quý III năm nay. Với việc Saudi Arabia tuyên bố duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện trên sang tháng 8, nhiều khả năng EIA sẽ hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung, và tăng dự đoán thâm hụt thị trường trong quý III năm nay. Trong trường hợp này, giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ.
Tuy nhiên, mức thâm hụt gia tăng có thể sẽ không quá lớn khi nguồn cung ngoài OPEC dự kiến sẽ bù đắp một phần mức giảm.
EIA đã báo cáo rằng sản lượng dầu thô của Mỹ đang trên đà lập kỷ lục trong năm nay, với tổng sản lượng sẽ đạt 12,61 triệu thùng/ngày, cao hơn kỷ lục trước đó là 12,32 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019 và dễ dàng vượt qua mức 11,89 triệu thùng/ngày của năm ngoái.
Mặc dù OPEC và các đồng minh đã thông báo cắt giảm khoảng 6% sản lượng của năm 2022, nhưng ước tính sản lượng ở các quốc gia bên ngoài OPEC sẽ bù đắp khoảng 2/3 lượng cắt giảm đó, làm thất bại nỗ lực của OPEC trong việc hỗ trợ mạnh cho giá.