Thông tin tại hội thảo "Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ Phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài?" diễn ra vào sáng 14/10, đại diện Bộ Nông nghiệp cho biết, thông tin báo chí phản ánh về tác động của đùi gà Mỹ nhập khẩu đến chăn nuôi trong nước vẫn mang tính cảm tính, chưa có căn cứ.

"Muốn áp dụng phòng vệ thương mại cần quan điểm chắc chắn không thể đặt các giả thiết có thể hay hình như", vị đại diện này nói.

Cũng theo bà, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo bắt đầu xem xét nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng này hay không.

Hiện mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm trên thị trường đang đạt khoảng 1 triệu tấn trong khi đó lượng nhập khẩu hiện nay chỉ khoảng 70.000-80.000 tấn, chiếm khoảng 7-8% thị phần tại Việt Nam.

"Với thị phần chỉ khoảng 7-8% có gây tổn thất nghiêm trọng hay không trong khi một trong những yêu cầu khởi kiện là gây tổn thất nghiêm trọng đến sản xuất trong nước? Trong khi chỉ 6 tháng đầu năm 2015 sản xuất gà trong nước đã liên tục tăng trưởng đó là vấn đề Bộ Nông nghiệp phải trả lời", vị này phân tích.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Nông nghiệp, đối với các ngành sản xuất công nghiệp và thuỷ sản việc điều tra, lấy số liệu dễ dàng hơn so với chăn nuôi do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán khó đánh giá mức độ ảnh hưởng và tập hợp doanh nghiệp chiếm hơn 25% thị trường.

Ngoài ra, cũng theo vị này, việc khởi kiện là bài toán khó đối với các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm vì chi phí để làm hồ sơ khởi kiện tại Mỹ lên tới 20.000 USD chưa kể chi phí phát sinh theo kiện.

Cuối cùng theo vị này, khởi kiện chỉ là biện pháp tạm thời, quan trọng phải tăng cường cạnh tranh. "Trường hợp muốn bảo vệ gà chúng ta có chấp nhận để một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của chúng ta như dệt may chịu sự trả đũa?", đại diện Bộ Nông nghiệp đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) cho biết, liên quan đến vụ việc đùi gà Mỹ, việc cơ quan nhà nước “sắn tay” xem xét khả năng có thể đi kiện được hay không là thông tin tích cực.

Trong phần trình bày, bà Trang cũng lưu ý, giá bán đùi gà Mỹ ở siêu thị không chỉ thể hiện thông qua một vài bức ảnh mà phải lấy giá xuất xưởng.
Dẫn chứng trường hợp quần áo Trung Quốc giá rẻ bán tại thị trường Việt Nam, bà Trang cho biết chúng ta đã từng đặt nghi vẫn hàng Trung Quốc rẻ như bèo do bán phá giá tại thị trường Việt nhưng khi sang Trung Quốc nhận thấy hàng bán tại Trung Quốc cũng rẻ như vậy.

"Những điều chúng ta tự tìm hiểu chỉ là những dấu hiệu, không phải bằng chứng để đi kiện", bà Trang nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nam từng cho biết đã xúc tiến thủ tục kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ vào Việt Nam do giá gà Mỹ nhập khẩu và bày bán tại thị trường có giá rẻ hơn nhiều so với gà trong nước và rẻ hơn so với gà được bán tại Mỹ.

Sau đó, Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Hoa Kỳ (USAPEEC) cũng đã có văn bản chính thức trả lời một số vấn đề liên quan. Theo đơn vị này, một số phần thịt của gà Mỹ được bán tại Việt Nam ở mức giá tương tự hoặc cao hơn so với mức giá ở Hoa Kỳ, do đó, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các sản phẩm thịt gà này không bị bán phá giá.

Theo Tâm An 

Bizlive

Nguồn: Bizlive