Cụ thể, ước tính sản lượng lúa cả năm 2015 ước đạt 45,1 triệu tấn, tăng 0,3%. Trong đó lúa đông xuân đạt 20,69 triệu tấn, giảm 158,8 nghìn tấn (-0,8%); lúa hè thu và thu đông đạt 14,85 triệu tấn, tăng 370 nghìn tấn (+2,5%); sản lượng lúa mùa đạt 9,57 triệu tấn, giảm 71,2 nghìn tấn (-0,74%). 

 

Về tình hình xuất khẩu, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 428 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014. 

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 35,37% thị phần trong 8 tháng. Tuy nhiên, 8 tháng năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64% về khối lượng và giảm 8,74% về giá trị).

So với cùng kỳ năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2015 là thị trường Malaixia, tăng 35,75% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,87% thị phần. Tiếp theo là thị trường Gana tăng 21,8% về khối lượng và tăng 16,15% về giá trị, đứng vị trí thứ 4 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường Bờ Biển Ngà tăng 77,56% về khối lượng và tăng 77,93% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị).

Tại thị trường trong nước, giá gạo có  xu hướng tăng trong 10 ngày đầu tháng 9/2015 do giá phụ phẩm tăng. Song đã giảm trở lại trong những ngày gần đây bất chấp thông tin Việt Nam được Phi-lip-pin mời tham gia đấu thầu nhập khẩu gạo.

Theo Bộ NN và PTNN, nhìn chung trong 9 tháng, thị trường lúa gạo trong nước tương đối trầm lắng. Hoạt động xuất khẩu chậm chạp, lượng tồn kho tại các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều khiến giá lúa hầu như không biến động.

 Đầu tháng 8 và tháng 9, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL có tăng nhẹ do giá cám gạo tăng, song đã giảm trở lại do xuất khẩu gạo trì trệ. Tính từ đầu năm cho đến nay, giá lúa tại An Giang đã giảm khoảng 450 đ/kg, tại Vĩnh Long giảm khoảng 400 đ/kg, tại Bạc Liêu giảm khoảng 400 – 600 đ/kg, tại Kiên Giang giảm khoảng 200 – 300 đ/kg.

Kiều Linh