Việc đóng cửa sớm các nhà máy đường, cùng với thông tin từ chính phủ của nước này cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn đường, đã đẩy giá mặt hàng này tăng 10% trên thị trường nội địa trong một tháng.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, với tốc độ sản xuất chậm hơn sẽ hỗ trợ đường toàn cầu. Số lượng nhà máy đóng cửa năm nay tại Ấn Độ đã tăng đáng kể. Theo giới quan sát, việc đóng cửa sớm này đồng nghĩa sản lượng đường của Ấn Độ có thể thấp hơn so với ước tính ban đầu.
Một quan chức trong ngành cho biết, ít nhất 37 nhà máy ở bang Maharashtra phía Tây, bang Karnataka lân cận và bang Uttar Pradesh phía Bắc đã ngừng hoạt động. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 11 nhà máy đóng cửa.
Ông B.B. Thombare, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy đường Tây Ấn Độ, cho biết tình trạng hạn hán năm ngoái đã ảnh hưởng nặng nề đến năng suất mía. Tại nhiều quận, nguồn cung đã cạn kiệt, buộc các nhà máy phải đóng cửa sớm. Nhiều nhà máy ở Maharashtra đang vật lộn để có đủ nguồn mía, khiến họ phải hạ công suất xuống còn một nửa và nhiều khả năng sẽ đóng cửa vào cuối tháng.
Hiệp hội Các nhà sản xuất Đường và Năng lượng sinh học Ấn Độ ước tính, sản lượng đường của nước này trong năm kinh doanh 2024/25 (kết thúc vào tháng 9/2025), có thể giảm 14,7% so với năm trước đó xuống 27,27 triệu tấn.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch toàn cầu dự đoán sản lượng thậm chí còn thấp hơn. Một nhà giao dịch tại Mumbai cho biết, sản lượng có thể giảm xuống khoảng 26 triệu tấn.
Hoạt động xuất khẩu đang khá chậm do các nhà máy chưa muốn ký hợp đồng ngay lập tức với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Một số đang tìm kiếm mức giá 45.000 rupee (514,47 USD) mỗi tấn hoặc cao hơn cho đường xuất khẩu của họ.