Những cơn mưa gần đây đã giúp độ ẩm đất ở các vùng nông nghiệp của Argentina phục hồi và hiện 72,1% diện tích lúa mì dự kiến cho vụ thu hoạch năm nay đã được trồng trong điều kiện tốt và tối ưu, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết. Điều đó đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với niên vụ trước, khi đợt hạn hán tồi tệ nhất từng đường ghi nhận đã tàn phá trung tâm nông nghiệp của Argentina, khiến sản lượng lúa mì năm ngoái của nước này giảm hơn một nửa so với năm 2021 xuống còn 12,4 triệu tấn. Khoảng 28% diện tích lúa mì ở Argentina hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh, khi các chồi thứ cấp được gọi là chồi nhánh được tạo ra, BAGE cho biết thêm, Ngoài ra, 96,4% trên tổng số 6 triệu héc-ta lúa mì Argentina dự kiến canh tác trong niên vụ 23/24 đã được gieo trồng. Với triển vọng hiện tại, Argentina là một trong những nước sản xuất có mùa vụ thuận lợi nhất.
Trong khi đó, tại Mỹ, chuyến tham quan lúa mì mùa xuân của Hội đồng Chất lượng lúa mì (WQC) kết thúc ngày hôm nay ở North Dakota. Cho đến nay, thời tiết khô hạn ở Đồng bằng phía Bắc không phải là yếu tố cản trở sự phát triển năng suất, với nhiều cánh đồng được khảo sát ngày hôm ua ở phía tây bắc và bắc trung tâm của Bang Roughrider dự kiến sẽ cho năng suất trên mức trung bình. WQC ước tính năng suất lúa mì xuân của North Dakota đạt trung bình 47,4 giạ/mẫu, cao hơn mức trung bình 5 năm là 40,1 giạ/mẫu. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năng suất lúa mì vụ xuân năm nay của North Dakota là 47 giạ/mẫu, giảm so với mức 50 giạ/mẫu của năm ngoái. Các thông tin về mùa vụ của Mỹ sẽ là yếu tố tạo sức ép tới giá lúa mì trong phiên hôm nay.
Giá Arabica có thể hồi phục khi nông dân chưa đẩy mạnh bán hàng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, giá hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Trong đó, giá Arabica giảm hơn 1% khi nông dân Brazil đẩy mạnh bán hàng nhờ sự gia tăng chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real. Trái lại, giá Robusta tăng hơn 1% khi tồn kho gần như đã trống rỗng tại Việt Nam làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil đã không giữ được những ưu thế so với niên vụ trước đó. Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 25/07, tiến độ thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24 của Brazil ở mức 74% tổng diện tích, thấp mức 75% trong cùng kì năm ngoái và mức 79% trung bình 5 năm cho giai đoạn này. Riêng với Arabica, tiến độ hiện đã đạt 65% kế hoạch, thấp hơn mức 66% trong cùng thời điểm vào năm ngoái và mức trung bình 5 năm là 71%. Tiến độ thu hoạch chững lại, có thể gây cản trở đến việc đẩy mạnh nguồn cung, từ đó lùi thời gian bù đắp những thiếu hụt trên thị trường.
Xuất khẩu cà phê Arabica trong 27 ngày đầu tháng 7 tại Brazil đang ở mức thấp hơn so với cùng thời điểm tháng trước khi nông dân vẫn chưa sẵn sàng đẩy mạnh bán hàng. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, Brazil đã xuất khẩu 1,77 triệu bao cà phê Arabica tính từ đầu tháng đến ngày 27/7, thấp tương đối so với mức 1,94 triệu bao được vận chuyển trong cùng kỳ tháng trước.
Giá đồng có thể phục hồi nếu dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên sáng do một số lo ngại về nguồn cung. Southern Copper, một trong những nhà sản xuất đồng lớn nhất của Peru, cho biết họ đã bắt đầu các hành động pháp lý để trục xuất những người khai thác bất hợp pháp đang làm chậm quá trình khai thác tại khu vực Las Chancas, một trong những dự án trọng điểm của họ.
Trong khi đó, Teck Resources, một trong những công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, công bố sản lượng đồng quý II giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 64.000 tấn. Đồng thời, công ty dự báo sản lượng đồng hàng năm sẽ đạt 330.000 - 375.000 tấn, giảm so với ước tính trước đó là 390.000 - 445.000 tấn.
Tuy nhiên, dự báo giá đồng sẽ biến động mạnh trong phiên tối, khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát quan trọng.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), được giới chuyên gia dự báo tăng 3,1% trong tháng 6, giảm tốc từ mức tăng 3,8% hồi tháng 5. Trong khi chỉ số PCE lõi tăng được dự báo tăng 4,2% trong tháng 6, giảm từ mức tăng 4,6% trong tháng 5.
Các nhà kinh tế cho biết, lạm phát dự kiến sẽ tăng chậm lại chủ yếu là do chi phí nhà ở hạ nhiệt và giá ô tô đã qua sử dụng giảm, cũng như giá vé máy bay thấp hơn dự kiến. Giá khí đốt, được loại bỏ khỏi thước đo PCE lõi nhưng được bao gồm trong PCE chính, cũng đã giảm vào tháng trước. Do đó, nhiều khả năng chỉ số PCE sẽ tiếp tục giảm tốc trong tháng 6.
Nếu chỉ số PCE giảm tốc đúng như dự báo, điều này sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3% trong tháng 6, giảm nhanh so với mức tăng 4% trong tháng 5.
Theo đó, Fed sẽ còn ít không gian và động lực để tiếp tục duy trì chu kỳ tăng lãi suất mạnh tay. Thị trường tài chính hiện đang cho rằng có khoảng 80% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp tháng 9. Do đó, nếu lạm phát Mỹ hạ nhiệt, giá đồng có thể được hỗ trợ.