Phiên cuối tuần 18/6, giá vàng tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp, với vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.770,96 USD / ounce; vàng giao sau cũng giảm 0,3% xuống 1.769 USD / ounce.
Tính chung cả tuần, giá giảm 5,7%, trong đó riêng phiên 17/6 giảm hơn 2%.
Nền kinh tế toàn cầu đang dần mở cửa trở lại, giá vàng do đó cũng giảm dần và dự báo sẽ giảm thêm một thời gian nữa do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong phiên họp kết thúc vào ngày 16/6 đã quyết định sẽ nâng lãi suất vào 2023, sớm hơn so với kế hoạch trước kia là giữ nguyên lãi suất ít nhất tới hết 2024.
Fed đã điều chỉnh tăng dự báo về tỷ lệ lạm phát và triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm 2021 được nâng từ 2,4% lên 3,4%, song sẽ giảm xuống còn 2,1% vào năm 2022; triển vọng tăng trưởng kinh tế được nâng từ 6,5% lên 7%.
Thực tế là với tình trạng lạm phát đã lên tới 5% thì rất khó để Fed có thể tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ sở hiện tại lâu dài, mà sẽ phải nâng dần lên. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng lên 5%, cao hơn so với mức 3,6% trong tháng 4/2021.
Trong bối cảnh hiện tại, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của quỹ HDFC Securities – trụ sở ở Ấn Độ, ông Tapan Patel, cho rằng lúc này là thời điểm tốt nhất để mua vàng trang sức, tiền xu… và cả đầu tư vào vàng. Ông nói: “Mức giá hiện tại là thời điểm tốt để đầu tư vàng vì mục đích dài hạn”. Ông cho rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong 2 năm tới, theo đó giá vàng sẽ tăng lên 56.000 rupee/10 gram vào tháng 12/2021. Giá vàng tại Ấn Độ ngày 17/6 giảm xuống còn 46.744 rupee/10 gr, thấp nhất kể từ 5/5.
du bao gia vang

Hình ảnh minh họa

Ở Ấn Độ cũng tương tự. Lạm phát giá bán lẻ tháng 5/2021 đã tăng lên 6,5% do giá lương thực, thực phẩm tưang, gây lo ngại cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI – ngân hàng trung ương nước này). Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Ấn Độ trong tháng 4 tăng 4,23%.
Trước đợt giảm lần này, giá vàng trải qua một đợt tăng ngắn, theo đó giá tăng đều liền mạch từ 1750 USD lên 1920 USD do lạm phát tăng trên toàn cầu và cuộc đàm bán giữa Mỹ cùng các cường quốc khác với Iran về thỏa thuận hạt nhân Iran chưa đi đến kết quả như mong muốn.
Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc là do đồng USD đã tăng mạnh trở lại. Vàng thường được tính bằng USD. Đồng USD hiện đang ở quanh mức cao nhất trong vòng một tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu bàn tới việc siết chặt chính sách tiền tệ sau khi lạm phát tăng mạnh gần đây. Khi giá trị của đồng USD tăng lên so với các loại tiền tệ khác, giá vàng có xu hướng giảm khi tính theo USD. Kim loại màu vàng sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa do USD mạnh lên.
Nền kinh tế Mỹ đã mở cửa trở lại và với phần lớn dân số Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19, các nhà chức trách đang dỡ bỏ những hạn chế trong mọi hoạt động, trong đó có những những hạn chế đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng ở Ấn Độ đang giảm dần do số ca nhiễm COVID gia tăng, chính sách phong tỏa và hạn chế ở nhiều bang vẫn duy trì. Các đám cưới đã buộc phải giảm số lượng khách mời, thậm chí nhiều đám cưới bị hoãn lại, do đó nhu cầu vàng cũng giảm xuống.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Ấn Độ có thể sẽ chậm lại trong quý II (từ tháng 4 đến tháng 6) do các hạn chế liên quan đến COVID, trước khi tăng trở lại vào nửa cuối năm 2021), mặc dù nhập khẩu vàng vào nước này tháng 5 tăng mạnh.
Số liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nhập khẩu vàng vào nước này trong tháng 5 đã tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12 tấn. Kim ngạch nhập khẩu vàng tháng đó cũng tăng lên 679,16 triệu USD, so với 76,31 triệu USD cùng tháng năm ngoái.
Bất chấp giá vàng đang giảm, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Sugandha Sachdeva, Phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu kim loại, năng lượng và tiền tệ của Religare Broking Ltd. , cho biết giá vàng có khả năng tiếp tục giảm xuống 47.700 INR/10 gr trong vài ngày tới, điều đó có thể sẽ dẫn đến việc bán chốt lời và mua trở lại.

Nguồn: VITIC / Freepressjournal