Theo báo cáo Crop Progress được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào rạng sáng nay, diện tích gieo trồng ngô tiếp tục vượt xa so với mức trung bình 5 năm trước. Cụ thể, 92% diện tích dự kiến đã được canh tác, và 72% cây trồng đã bước vào giai đoạn nảy mầm. Tiến độ mùa vụ diễn ra nhanh chóng sẽ phần nào giúp cây trồng gia tăng khả năng chống chịu với thời tiết khô hạn cao điểm sắp tới vào mùa hè. Báo cáo tuần này cũng là lần đầu tiên trong niên vụ mà USDA đưa ra đánh giá chất lượng cây trồng. Cụ thể, 69% diện tích ngô đạt tốt – tuyệt vời, thấp hơn so với mức 73% cùng kì năm ngoái và mức kỳ vọng của thị trường là 71%. Dự báo thời tiết cho thấy thì đợt hạn hán gần đây ở Vành đai ngô bắt đầu vào giữa tháng 5 sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là cho tới giữa tháng 6 có thể tạo ra căng thẳng cho ngô vừa gieo trồng. Đây có thể sẽ là thông tin hạn chế đà giảm của giá ngô trong phiên hôm nay.
Về phía nhu cầu, không chỉ nhập khẩu ngô Mỹ của Trung Quốc suy yếu mà tranh chấp về thỏa thuận thương mại về kế hoạch hạn chế sử dụng ngô biến đổi gen (GM) của Mexico cũng là vẫn đề đáng lo ngại và ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu ngô của Mỹ. Mexico và Mỹ đã bất đồng về ngô GM kể từ khi chính phủ của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador công bố một nghị định vào cuối năm 2020 nhằm cấm tất cả việc nhập khẩu ngô GM.
Lạc quan trong xuất khẩu cà phê có thể gây áp lực lên giá Arabica
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/05, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu. Trong đó, giá Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp do áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil và Colombia cũng như áp lực bán gia tăng nhờ chênh lệch tỷ giá giữa USD và đồng Real của Brazil. Giá Robusuta giảm nhẹ hơn với 0,47% khi thị trường còn vướng bận với số liệu xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 tại Việt Nam thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Cảnh báo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn chưa hề thuyên giảm khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tính đến hết ngày 30/05 đã giảm về mức 592.634 bao loại 60kg, mức thấp nhất đươc ghi nhận từ cuối tháng 11/2022. Đặc biệt, trong báo cáo tồn kho hàng ngày của ICE, số lượng bao chờ phân loại bổ sung vẫn duy trì ở con số 0.
Dù vậy, tín hiệu khả quan từ hoạt động xuất khẩu dường như khá mạnh trên thị trường. Hoạt động thu hoạch tại Brazil được dự báo sẽ diễn ra thuận lợi hơn với điều kiện thời tiết khô ráo, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực, giúp nông dân mạnh tay hơn trong biệc bán hàng cà phê niên vụ mới.
Dữ liệu PMI tháng 5 thu hẹp của Trung Quốc có thể khiến giá đồng giảm
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, lực bán áp đảo thị trường đồng do dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc tiếp tục làm mờ đi triển vọng tiêu thụ đồng.
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 48,8 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay. Con số này cũng thấp hơn mức 49,2 của tháng 4 và mức 51,4 mà giới phân tích dự báo. Hơn nữa NBS cho biết các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và luyện kim loại màu phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng và nhu cầu.
Trong tháng trước, dữ liệu đã chỉ ra nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, giảm phát giá sản xuất tiếp tục đà giảm sâu, đầu tư bất động sản sụt giảm, lợi nhuận công nghiệp giảm và sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ đều không đạt dự báo.
Do đó, dữ liệu PMI sản xuất thu hẹp trong tháng 5 tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu kém và tốc độ phục hồi kinh tế còn khá mờ nhạt.
Điều này gián tiếp làm giảm triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, trong đó có đồng. Hơn nữa, Trung Quốc là nhà tiêu thụ đồng hàng đầu chiếm hơn 60% trong cơ cấu tiêu thụ đồng toàn cầu. Do đó, giá đồng có thể tiếp tục chịu sức ép trong phiên hôm nay.
Ngoài ra, dữ liệu cơ hội việc làm của Mỹ cũng sẽ được công bố tối nay. Nếu dữ liệu tăng vượt ước tính, số liệu lao động khởi sắc theo sau chỉ số niềm tin tiêu dùng tích cực của hôm qua có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều này làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và củng cố sức mạnh đồng USD, làm giảm lực mua đồng.
Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu do bối cảnh kinh tế tiêu cực
Giá dầu tiếp tục suy yếu sau phiên giảm mạnh hôm qua, dưới sức ép từ đà tăng của đồng USD và các số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc.
Chỉ số Dollar Index đã hồi phục lên 104,33 điểm, lấy lại gần hết mức giảm của phiên hôm qua. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vẫn đang áp đảo ở mức 60%.
Trong sáng nay, Trung Quốc công bố các chỉ số Quản lý Thu mua của tháng 5 đều tiêu cực hơn so với dự báo. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất giảm về 48,8 điểm và là tháng thứ 2 liên tiếp dưới 50 điểm, phản ánh sự thu hẹp của lĩnh vực sản suất Trung Quốc. Chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường mức độ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, giảm tháng thứ 3 liên tiếp về mức 54,5 điểm. Số liệu kinh tế thể hiện rõ sự “hụt hơi” của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, đồng thời là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Hiện các tin tức trên thị trường đều bất lợi đối với giá dầu thô. Chất xúc tác chính trong phiên tối nay là cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, nơi Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số. Nếu dự luật được thông qua thuận lợi, giá dầu có thể sẽ hồi phục vào phiên tối. Mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào các yếu tố liên thị trường như sự suy yếu của đồng USD hay sự gia tăng của thị trường chứng khoán.
Trong kịch bản ngược lại, giá dầu có thể sẽ giảm về các mức thấp hơn, với giá dầu thô WTI về 65 USD và giá dầu thô Brent có thể rơi về mức 70 USD.