Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) cho rằng, để ngăn chặn tận gốc tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, nhằm nâng cao tính răn đe của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và cơ sở giết mổ không sử dụng chất cấm, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định mức cao nhất đối với tội danh này là chung thân, mức phạt tiền trước đây là 200 triệu đồng giờ lên đến 3 tỷ đồng cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn tình trạng này.
Điều quan trọng hơn là cần tuyên truyền mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức hơn nữa để xã hội biết đây là hành vi vi phạm. Ông Vân cho biết, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các cơ sở chăn nuôi gà và lợn. “Đây là mức phạt rất nặng, có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng sử dụng chất cấm. Khi đó, chắc chắn người dân không vì vài nghìn đồng, vài cân thịt mà cố tình vi phạm”, ông Vân nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chăn nuôi nghi ngại, mặc dù mức xử phạt đối với hành vi sử dụng, tàng trữ, mua bán chất cấm rất cao nhưng với viêc sử dụng kháng sinh lại chưa có kiểm tra, chế tài cụ thể. Ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT Trang trại hữu cơ Bảo Châu lo ngại: Hiện nay rất ít trang trại có môi trường tốt. Nuôi nhốt trên nền xi măng, mật độ càng dầy thì dịch bệnh đến càng cao. Do vậy người dân không dùng kháng sinh sẽ bị thiệt hại lớn.
Năm 2017 cấm dùng kháng sinh
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, phương thức giảm sử dụng kháng sinh quản lý đúng tiêu chuẩn VietGap, gia súc ốm sẽ giảm thiểu đáng kể. Theo Thông tư 28 của Bộ NN&PTNT thì có 22 loại kháng sinh và hoạt chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. “Chúng tôi đã đưa lên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin của Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi, ngành thú y. Nội dung này phải được kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng để không bị lạm dụng. Tiến tới từ giờ đến năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ ra thông điệp cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”, ông Vân khẳng định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, sau cam kết kiểm soát chất cấm của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thanh tra Bộ đã kết hợp với C49 (Bộ Công an), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vào cuộc mạnh mẽ. Đến thời điểm này, hành vi sử dụng chất cấm, trong đó có Salbutamol đã giảm và có xu hướng đẩy lùi. Cục Quản lý Dược cũng đã có thông báo sẽ đưa các chất cấm như Salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa Salbutamol. Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi, sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu. Chất cấm sử dụng hiện nay còn chủ yếu ở trang trại, thông qua thương lái và các kênh tiếp thị khác. Thời gian tới, Thanh tra sẽ tập trung vào các trang trại, lò mổ.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, do tình trạng an toàn thực phẩm đang nóng nên, nhiều tổ chức kinh doanh chất cấm đã chuyển vào hoạt động ngầm.
Nguồn: thuvienphapluat.vn