Vào lúc 15h57 ngày 12/8, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm 1,9% xuống 194,1 yên/kg từ mức chốt phiên 11/8 là 196 yên/kg. Trước đó, giá cao su trên sàn TOCOM cũng đã giảm 0,4% trong ngày 11/8.

Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su đồng loạt giảm 400 đồng/kg xuống 9.600 đồng/kg. Giá cao su SVR3L giảm 900 đồng/kg xuống 24.800 đồng/kg. Giá cao su SVR10 giảm 800 đồng/kg xuống 20.400 đồng/kg.

Chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa tại công ty Fujitomi nhận định, giá cao su TOCOM và các hàng hóa khác đang chịu áp lực lớn kể từ sau 2 ngày Trung Quốc liên tiếp hạ mạnh tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ.

Trên thực tế, những dấu hiệu suy yếu gần đây của kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới - khiến tình trạng dư thừa nguồn cung càng tồi tệ, dẫn tới việc cao su liên tiếp mất giá. Tháng 7, Hiệp hội ôtô Trung Quốc phải hạ dự báo doanh số bán xe do khủng hoảng trên thị trường chứng khoán kéo giảm niềm tin tiêu dùng của người dân.

Theo dự đoán của Viện nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), thặng dư cao su toàn cầu có thể đạt 303.000 tấn trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo hồi tháng 1/2015 (là 77.000 tấn). Nguồn cung năm 2015 ước tính tăng 4,4% so với năm ngoái, lên 12,6 triệu tấn trong khi nhu cầu dự báo chỉ tăng 1,2% lên 12,3 triệu tấn. Thậm chí, nguồn cung cao su có thể sẽ tiếp tục tăng 2,9% trong năm 2016 khi các cây cao su trưởng thành đến thời điểm thu hoạch mủ, theo IRSG.


Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA) cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này có thể giảm 15% xuống thấp nhất gần 2 thập kỷ trong niên vụ này. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nông dân Ấn Độ ngừng trồng cao su.

Đây có thể là tín hiệu tốt cho giá cao su vốn đang ở sát mức thấp nhất 7 tháng do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chững lại. Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới và nước sản xuất lớn thứ 5 thế giới, nên khi sản lượng cao su giảm buộc nước  này phải tăng nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia.

Nguyễn Dung