Đối với Mỹ, do mùa vụ đậu tương còn chưa bắt đầu gieo trồng nên số liệu quan trọng nhất tối nay là dự báo tồn kho cuối niên vụ 22/23. Trong báo cáo Grain Stocks, USDA ước tính tồn kho đậu tương của Mỹ tính đến ngày 01/03 là 1.69 tỷ giạ, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường do xuất khẩu được đẩy mạnh trong giai đoạn đầu năm. Tốn kho cuối niên vụ được dự báo ở mức 210 triệu giạ trong báo cáo WASDE tháng 3, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Nhu cầu đậu tương vẫn có cơ sở để tăng trong nửa cuối niên vụ 22/23, khi nhu cầu của Trung Quốc cải thiện sau khi mở cửa. Kịch bản nguồn cung khan hiếm đang được thị trường dự đoán trong báo cáo tối nay với khả năng USDA sẽ điều chỉnh giảm số liệu tồn kho đậu tương Mỹ 22/23. Với tốc độ xuất khẩu tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, chúng tôi cho rằng đây là con số khá hợp lí và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương.

Xét tới nguồn cung tại Nam Mỹ, mặc dù gần đây các hãng tin và tổ chức lớn đang liên tục có những đánh giá tích cực hơn về sản lượng của Brazil nhưng với độ trễ của các số liệu từ USDA, khả năng con số này được nâng lên sẽ hạn chế. Trong khi đó, dự đoán cho số liệu ước tính sản lượng đậu tương của Argentina vẫn sẽ tiếp tục bị cắt giảm từ 33 triệu tấn trong báo cáo tháng 3 xuống còn 29 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Nếu xác nhận, đây sẽ là vụ đậu tương nhỏ nhất của nước này trong vòng 22 năm qua. Mặc dù thiệt hại đối với cây trồng có thể sẽ không tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn thu hoạch sắp tới nhưng đây vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương.
Tác động trái chiều giữa thông tin nguồn cung ngắn hạn và trung hạn khả năng cao kéo giá tiếp tục biến động mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tuần, Arabica có sự điều chỉnh giảm nhẹ sau 2 phiên tăng mạnh trước đó. Giới chuyên gia nhận định dù trong ngắn hạn nguồn cung đang rơi vào tình trạng khan hiếm nhưng về trung hạn các vấn đề trên sẽ được giải quyết khi Brazil vào vụ thu hoạch với sản lượng dự kiến tăng mạnh so với 2 năm trước đó.
Tiếp nối hàng loạt những dự báo trước đó của các cơ quan chính phủ cùng các hãng phân tích độc lập về triển vọng nguồn cung nới lỏng trong niên vụ 2023/24 tại Brazil. Hãng tư vấn Sfras&Mercado mới đây đã có dự báo cụ thể hơn về sản lượng nguồn cung của quốc gia xuất lớn nhất thế giới với Arabica tăng 21% so niên vụ trước lên 43.5 triệu bao và tổng lượng cà phê dự kiến xuất khẩu 44 triệu tấn.
Thông tin này giúp củng cố thêm kỳ vọng về việc nới lỏng nguồn cung trên thị trường, từ đó có thể tiếp tục gây sức ép lên giá trong phiên hôm nay.
Hơn nữa, khi soi sâu vào báo cáo cung – cầu cà phê toàn cầu của ICO, dù thị trường thế giới tiếp tục thâm hụt 7.27 triệu bao cà phê, riêng Arabica vẫn có sự tăng trưởng sản lượng từ 94 triệu bao lên 98 triệu bao trong niên vụ 2022/23. Đây cũng có thể là tín hiệu khá tích cực với nguồn cung nhưng lại là thông tin gây sức ép lên giá.
Tuy vậy, không thể loại bỏ những hỗ trợ trong lo ngại thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York nối tiếp đà giảm dù ở mức thấp nhất từ giữa tháng 12 năm ngoái mà không có sự bổ sung nào. Điều này là tín hiệu cho thấy đà giảm tồn kho vẫn còn và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá phần nào.

Nhu cầu tiêu thụ yếu tại Trung Quốc có thể khiến giá đồng tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay ngày 11/04 với xu hướng tăng khi đồng USD suy yếu hỗ trợ lực mua, chỉ số Dollar Index sáng nay đã giảm 0.22% về 102.35 điểm. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục tung ra các gói chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trong quý II cũng hỗ trợ cho giá đồng.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc đạt tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0.7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng chậm hơn so với tháng 2 và không đạt được mức tăng 1% như kỳ vọng của các nhà kinh tế. Đồng thời, tình hình giảm phát giá sản xuất tiếp tục kéo dài sang tháng thứ sáu, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm mạnh 2.5%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 và phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Dữ liệu này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn yếu, đồng thời, dữ liệu gần đây cũng chỉ ra sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều trong tháng 3 với lĩnh vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ nhưng lĩnh vực sản xuất đang phát triển đang mất đà trong bối cảnh các đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn còn yếu. Do đó, điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang đi đúng hướng nhưng chưa đủ mạnh và vẫn còn nhiều dư địa để Chính phủ nước này tiếp tục tung ra các gói kích thích nhằm củng cố cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Mới đây, các tỉnh của Trung Quốc có kế hoạch tăng gần 20% chi tiêu cho các dự án xây dựng lớn trong năm nay. Hơn nữa, dữ liệu từ Bloomberg cũng cho thấy lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm khoảng 20% tổng GDP của Trung Quốc, đang bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ, một chỉ số đo lường hoạt động xây dựng đã tăng trong tháng 3 lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Do vậy, kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trong quý II, có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá đồng có thể vẫn gặp sức ép trong phiên hôm nay khi dữ liệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ đồng hiện tại vẫn ở mức yếu.