Hoạt động bán hàng ở Brazil đang được thúc đẩy trong thời gian gần đây do lo ngại về khả năng giá có thể sẽ tiếp tục giảm. Dù tốc độ bán hàng đậu tương năm nay của Brazil chậm hơn so với lịch sử, nhưng con số này trong giai đoạn từ đầu tháng 03 tới đầu tháng 04 năm nay đã tăng nhanh hơn so với cùng kỳ các tháng trước đó. Nông dân Brazil đang ưu tiên bán những hợp đồng kì hạn tháng gần trước áp lực về nguồn cung khi gần đến cuối vụ thu hoạch.
Ngược lại, mặc dù chính phủ Argentina đã áp dụng chính sách “đô la đậu tương” cho phép các nhà sản xuất tiếp cận với mức tỷ giá hối đoái ưu đãi 300 Peso/Dollar nhằm thúc đẩy xuất khẩu nhưng khối lượng hàng giao dịch lại không đạt kỳ vọng. Nông dân tại Argentina chỉ bán 441,747 tấn đậu tương trong 4 ngày đầu tiên của chương trình “đô la đậu tương”, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario cho biết. Con số này thấp hơn nhiều so với lượng bán ra trong 4 ngày đầu tiên của hai lần trước đó vào năm ngoái. Trong đợt đầu tiên, vào tháng 09 vừa qua, 3.1 triệu tấn đã được bán ra. Trong đợt thứ 2, vào tháng 11, doanh số bán hàng đạt 1.1 triệu tấn trong giai đoạn này. Một phần điều này cũng được lý giải bởi nguồn cung hạn chế khi Argentina vừa trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng khiến sản lượng giảm tới 40% so với ước tính ban đầu. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá đậu tương ở vùng 1450.

Arabica khả năng cao sẽ tích lũy để kiểm tra kháng cự tâm lý 200.00 cents
Kết thúc tuần giao dịch 10/04 – 16/04, giá cà phê tiếp tục tăng trước lo ngại khan hiếm nguồn cung. Xuất khẩu cà phê tháng 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước tại Brazil và Colombia, cùng với tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE lùi về mức thấp trong 4 tháng, hỗ trợ giá tăng lên mức cao nhất kể từ 12/10/2022. Giá Robusta tăng lên mức cao nhất kể từ 21/12/2021.
Giới phân tích tiếp tục lạc quan về mùa vụ cà phê tại Brazil. Sau điều chỉnh tăng dự báo nguồn cung năm 2023 tại Brazil lên 55.7 triệu bao tăng 6.5% so với năm 2022 của IBGE, CTA, một hãng phân tích khác cũng dự đoán sản lượng cà phê chung niên vụ 2023/24 của quốc gia này có thể lên tới 65 triệu bao khi cây cà phê đang rất khỏe mạnh và có thể đưa đến năng suất tốt.
Tuy nhiên, kỳ vọng tích cực trên lại vấp phải những ý kiến trái chiều từ nông dân. Những người được khảo sát bởi CTA cho rằng mùa vụ đang rất tốt và họ sẵn sàng đẩy mạnh bán hàng với mức giá hiện tại. Trong khi một số nông dân khác cho rằng mùa vụ không được tích cực như các chuyên gia đã dự báo. Điều này có thể khiến hoạt động xuất khẩu tại Brazil tiếp tục duy trì tình trạng ảm đạm như hiện tại.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm liên tục trong 9 tuần, về mức thấp nhất trong 4 tháng cùng xuất khẩu kém trong tháng 3 tại Brazil và Colombia có thể kéo theo cà phê lưu trữ tại các cảng của Mỹ trong tháng 3, được công bố trong tuần này giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Đây có khả năng là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá.

Triển vọng tiêu thụ tích cực từ Trung Quốc có thể hỗ trợ cho giá đồng
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 17/04 với xu hướng tăng nhẹ nhờ tín hiệu tích cực trong triển vọng tiêu thụ từ Trung Quốc, quốc gia tiêu dùng đồng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, giá đồng cũng được hỗ trợ khi tồn kho đồng trên Sở LME hiện ở mức rất thấp, chỉ vỏn vẹn 51,550 tấn, tồn kho trên Sở Thượng Hải cũng đạt mức thấp nhất trong lịch sử theo mùa, với hơn 71,000 tấn.
Sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố cung cấp thêm 170 tỷ nhân dân tệ tương đương 25 tỷ USD cho các ngân hàng thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF). Đồng thời, PBOC tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức 2.75% tháng thứ tám liên tiếp, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế theo khảo sát của Bloomberg.
Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tiếp tục tăng cường bổ sung tiền mặt vào hệ thống tài chính để khuyến khích hoạt động cho vay, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Dữ liệu trong tháng 3 cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi với xuất khẩu trong tháng 3 tăng trưởng vượt xa ước tính của thị trường. Thống đốc của PBOC, Yi Gang, cũng cho biết biết nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục và mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay có thể đạt được khi thị trường bất động sản được cải thiện. Đây tiếp tục là một trong những động lực thúc đẩy giá đồng tăng.
Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ suy thoái tại Mỹ có thể là yếu tố cản trở đà tăng mạnh của giá đồng. Dữ liệu kinh tế yếu trong tháng 3 tại Mỹ bao gồm doanh số bán lẻ sụt giảm, lạm phát hạ nhiệt cho thấy nhu cầu chậm lại, cùng với thị trường lao động đang gặp áp lực, đang làm gia tăng lo ngại nguy cơ suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này có thể khiến giá đồng phải chịu sức ép trước xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Mỹ.
