Với những cơn mưa giúp cung cấp độ ẩm tích cực đã xuất hiện ở các khu vực sản xuất tại Mỹ giai đoạn vừa qua thì chất lượng đậu tương trong báo cáo Crop Progress được phát hành vào sáng mai khả năng sẽ cải thiện. Báo cáo tuần trước đã cho thấy tỉ lệ đậu tương đạt tốt – tuyệt vời vẫn tiếp tục giảm nhẹ từ 51% xuống mức 50% nhưng với tác động của thời tiết, thị trường có thể kỳ vọng vào mức tăng của con số này. Đây sẽ là số liệu được thị trường quan tâm trong tuần này để có được góc nhìn rõ ràng hơn về mùa vụ đậu tương năm nay của Mỹ. Ngoài ra, dự báo một đợt không khí lạnh di chuyển nhanh qua Đồng bằng, Trung Tây sẽ tạo ra mưa rào và giông rải rác với tổng lượng mưa cao hơn bình thường hơn 25-50 mm. Triển vọng vào giữa tháng 7 đã chuyển từ trung tính sang thuận lợi hơn cho sự phát triển đậu tương trong giai đoạn phát triển quan trọng. Đối với những vị thế mua, các nhà đầu tư nên chốt vị thế trước khi kết thúc phiên hôm nay.
Không chỉ có các số liệu đánh giá chất lượng, báo cáo Cung – cầu tháng 7 được phát hành vào tối thứ 4 tuần này cũng sẽ ảnh hưởng đến diễn biến của giá. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những tác động từ báo cáo này tới xu hướng giá đậu tương sẽ không đáng kể do số liệu diện tích đã được công bố vào cuối tháng 6 và thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để USDA điều chỉnh dự báo về năng suất cây trồng cho niên vụ 23/24.
Giá cà phê vẫn có thể giảm khi nguồn cung dần tích cực hơn
Kết thúc tuần giao dịch 03/07 – 09/07, giá hai mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc. Giá Robusta bật tăng mạnh hơn 5% khi lũy kế xuất khẩu cà phê dạng hạt trong 5 tháng đầu năm 2023 tại Indonesia thấp hơn 45% so với mức 80.196 nghìn tấn trong cùng kỳ năm 2022. Giá Arabica ghi nhận mức tăng nhẹ hơn khi nguồn cung vẫn có những tín hiệu tích cực. Tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil đạt 45%, cao hơn 6% so với cùng thời điểm năm 2022.
Dù tồn kho Arabica trên Sở ICE vẫn còn khá giằng co trong một tháng trở lại đây nhưng đà giảm tạm thời gián đoạn và số bao chờ phân loại tiếp để bổ sung vào kho dự trữ vẫn duy trì trên 3.000 bao loại 60kg. Đây là tín hiệu cho thấy tồn kho Arabica vẫn có khả năng tăng và gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Hơn nữa, triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil kết hợp cùng tiến độ thu hoạch cao hơn cùng thời điểm năm ngoái, giúp thị trường phần nào an tâm về nguồn cung và nông dân Brazil mạnh dạn hơn trong việc bán hàng.
Trái ngược với những thông tin về nguồn cung tích cực tại Brazil, xuất khẩu cà phê trong tháng 06 tại Colombia vẫn khá ảm đạm. Xuất khẩu trong tháng 6 tại quốc gia cung ứng Arabica lớn thứ 2 thế giới giảm 20% xuống 748.000 bao, từ 939.000 bao trong cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC).
Tuy vậy, việc sản lượng đang khởi sắc lại là một tín hiệu cho xuất khẩu có thể khả quan hơn trong thời gian tới. FNC cho biết, Colombia đã sản xuất 956.000 bao cà phê Arabica đã rửa sạch loại 60 kg trong tháng 6, tăng nhẹ 1% so với sản lượng cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 18,6% so với sản lượng tháng 05.
Tiêu thụ yếu tại Trung Quốc tiếp tục là lực cản đối với đà tăng của giá đồng
Sức ép bán gia tăng đối với thị trường đồng trong phiên sáng đầu tuần, do thị trường ngày càng hoài nghi về bài toán tiêu thụ đồng tại Trung Quốc.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay chỉ ra lạm phát tại nước này tiếp tục suy yếu. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 5. Thước đo năm trên năm, chỉ số CPI tháng 6 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái và không đạt được mức tăng 0,2% theo kỳ vọng của giới chuyên gia.
Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục kéo dài đà giảm sang tháng thứ chín liên tiếp với mức giảm 5,4% (YoY) trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015, phản ánh tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài.
Có thể thấy, lạm phát tiêu dùng thực tế của nước này vẫn đang cách rất xa so với mức mục tiêu mà Chính phủ đề ra là tăng 3% trong năm nay. Trong khi đó, hoạt động sản xuất trong tháng 6 tiếp tục ở ngưỡng thu hẹp, cho thấy đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế nước này. Nhiều khả năng đây tiếp tục là yếu tố “bearish” tới giá đồng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng cũng đang làm xấu đi triển vọng tiêu thụ đồng trên toàn cầu. Fitch Solutions đã hạ dự báo giá đồng vào năm 2023 từ mức trung bình 9.000 USD/tấn (4,08 USD/pound) xuống 8.800 USD/tấn (4 USD/pound).
Ngân hàng Bank of America cũng hạ dự báo giá đồng xuống còn 8.788 USD/tấn vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó là 9.427 USD/tấn.
Tuy vậy, nhu cầu chuyên đổi sang năng lượng xanh vẫn là “ngôi sao sáng” của thị trường đồng, đặc biệt là ngành xe điện (EV). Vào năm ngoái, sản xuất xe điện chiếm khoảng 2/3 mức tăng nhu cầu đồng toàn cầu, theo Goldman Sachs. Trong năm nay, nhu cầu đồng của ngành xe điện dự kiến sẽ đạt 1 triệu tấn và sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2025.
Giá dầu có thể gặp sức ép bởi dấu hiệu giảm phát tại Trung Quốc
Giá dầu WTI mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với lực bán chiếm ưu thế, sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát thấp hơn kỳ vọng của thị trường, cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế yếu kém. Nhiều khả năng nguyên nhân này cũng sẽ khiến các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ tăng cường các vị thế bán trong phiên chiều tối, trước khi chờ đợi cả 3 báo cáo quan trọng trên thị trường dầu thô trong tuần này.
Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 5. Tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí năng lượng và lương thực biến động, đã giảm tốc độ từ 0,6% xuống chỉ còn 0,4% trong tháng 6.
Đặc biệt, giá tại cổng các nhà máy thậm chí còn giảm mạnh hơn ở mức đáng báo động 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức giảm 4,6% của tháng trước và vượt quá kỳ vọng chỉ giảm 5%.
Điều này thể hiện nhu cầu yếu cả trong và ngoài quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng hoá khổng lồ, Trung Quốc, và sé là yếu tố gây sức ép tới giá dầu.
Dữ liệu lạm phát yếu có thể sẽ củng cố động lực kích thích kinh tế của Chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên trước đó, Thủ tướng Lý Cường đã nhấn mạnh rằng các chính sách sẽ “có mục tiêu nhất định, toàn diện và phối hợp tốt", củng cố quan điểm các gói kích thích sẽ không quá lớn về quy mô.
Ngày hôm nay, thị trường còn chờ đón một số thành viên của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) phát biểu. Nhiều khả năng các quan chức sẽ tiếp tục nhấn mạnh về các động thái thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhằm kiểm soát lạm phát, và điều đó có thế làm gia tăng áp lực tới thị trường dầu thô.