Mặc dù ban đầu, mô hình El Nino được xác nhận quay trở lại sau 3 năm liên tiếp Mỹ phải trải qua La Nina đã khiến cho thị trường gia tăng kì vọng về triển vọng nguồn cung năm nay. Khác với La Nina, El Nino mang lại ảnh hưởng có lợi hơn cho cây trồng nhờ độ ẩm cao hơn. Tuy nhiên những tác động chưa rõ ràng và chậm trễ kéo theo thời tiết hiện đang khô hạn hơn so với dự kiến ở khu vực Trung Tây. Điều kiện cây trồng năm nay vẫn đang đứng trước rủi ro thiệt hại về năng suất. Chất lượng ngô của Illinois giảm xuống 36% diện tích đạt tốt – tuyệt vời. USDA đã báo cáo 83% diện tích ở Illinois có độ ẩm dưới đất không đủ, chỉ đứng sau 89% của Michigan. Trước đó, chất lượng ngô ở Illinois đạt mức thấp hơn là vào tháng 6 năm 1992 khi chỉ có 28% diện tích được đánh giá tốt - tuyệt vời. Tuy nhiên, nhờ lượng mưa lớn sau đó, con số này đã tăng lên mức 94% vào cuối tháng 9 và giúp sản lượng ngô niên vụ 92/93 đã đạt mức kỷ lục. Thời tiết sẽ là thông tin được chú trọng nhất trong giai đoạn này và nếumưa bất ngờ xuất hiện trở lại thì sẽ là yếu tố “beairsh” tiềm ẩn với giá.
Ngoài ra, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cảng Paranagua của Brazil có thể sẽ tăng hơn 30% so với quý II năm ngoái, chủ yếu là do nhu cầu vận chuyển ngô tăng cao, các nhà chức trách của cảng cho biết. Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với ngô Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn các số liệu xuất khẩu của Mỹ vẫn đang kém hơn nhiều so với năm ngoái.

Giá Arabica có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung khởi sắc
Kết thúc tuần giao dịch 19/06-25/06, hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm giá do những tín hiệu tích cực về nguồn cung. Đặc biệt, giá Arabica giảm về mức thấp nhất trong 6 tháng khi hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil diễn ra nhanh hơn so với cùng thời điểm năm trước, kết cùng triển vọng nguồn cung nới lỏng trong niên vụ 2023/24, làm lu mờ lo ngại thiếu hụt nguồn cung trước đó. Giá Robusta cũng đóng cửa tuần trong sắc đỏ nhưng đà giảm nhẹ hơn khi thông tin cơ bản vẫn thể hiện lo ngại nguồn cung ở mức thấp tại các nước sản xuất chính.
Hàng loạt những tín hiệu cho thấy nguồn cung cà phê Arabica đang dần hồi phục xuất hiện trên thị trường gần đây.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE lần đầu mở rộng 10.887 bao loại 60kg sau 3 tháng giảm liên tiếp. Hơn nữa, báo cáo tồn kho cà phê cuối ngày 23/06 cho thấy, 5.875 bao cà phê vẫn đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho lưu trữ, dấu hiệu cho thấy tồn kho Arabica đạt chuẩn có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tồn kho đảo chiều từ giảm sang tăng, phần nào giúp những lo ngại khan hiếm nguồn cung giảm bớt, từ đó gây áp lực lên giá.
Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu cà phê trong tháng 06 tại Brazil cũng đang có những tín hiệu tích cực. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, quốc gia này đã vận chuyển được 1,58 triệu bao cà phê Arabica trong 23 ngày đầu tháng 06, cao hơn mức 1,46 triệu bao cho cùng kỳ tháng trước. Sự gia tăng trong xuất khẩu đi kèm với tiến độ thu hoạch tích cực về triển vọng sản lượng gia tăng, đưa đến kỳ vọng nguồn cung sớm hồi phục trong thời gian tới.
Triển vọng tiêu thụ kém có thể khiến giá đồng nối dài đà giảm
Trong phiên sáng đầu tuần, giá đồng tăng nhẹ trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thu hẹp. Tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tình trạng mưa lớn kéo dài đang khiến cho tình trạng lũ lụt ngày một nghiêm trọng và khiến cho nhiều mỏ đồng phải tạm ngừng hoạt động. Nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, Codelco, cũng đã phải ngừng khai thác tại các mỏ Andina, Sewell và El Teniente thuộc Chile.
Hơn nữa, tình trạng mưa lớn được dự báo tiếp tục kéo dài và có thể dẫn tới tình trạng thiếu nước trầm trọng. Do đó, tình trạng lũ lụt và nguy cơ thiếu nguồn nước có thể làm gián đoạn hoạt động khai thác đồng tại Chile trong ngắn hạn và giúp củng cố lực mua đồng trong phiên.
Tuy vậy, giá đồng có thể gặp áp lực trở lại khi mà yếu tố dẫn dắt chính của giá đồng, triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc, đang dần bị mất đà.
Kể từ đầu tháng 6, giá đồng đã tăng mạnh do được hỗ trợ bởi kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc tại Trung Quốc nhờ vào việc Chính phủ sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Chính phủ nước này vẫn còn thận trọng trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Hơn nữa, kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) có thể bị hoãn lại sang quý III năm nay, do Ngân hàng Goldman Sachs cho biết PBOC gần như chưa bao giờ cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ trong cùng một tháng.
Ngoài ra, trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất, một trong những thước đo quan trọng đo lường hoạt động sản xuất của nước này.
Nếu PMI sản xuất tiếp tục thu hẹp trong tháng 6, đây sẽ là một tín hiệu tiêu cực đối với triển vọng tiêu thụ đồng và có thể khiến giá đồng tiếp tục duy trì đà giảm. Ngược lại, nếu PMI tích cực, thông tin này sẽ giúp củng cố cho kì vọng nền kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định trở lại và có thể củng cố cho lực mua đồng trong thời gian tới.
Về yếu tố vĩ mô, lo ngại lãi suất cao làm gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế trên toàn cầu đang làm lu mờ triển vọng tiêu thụ đồng, thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Hơn nữa, nguy cơ suy thoái gia tăng thúc đẩy đồng USD tăng mạnh nhờ tính thanh khoản cao, cũng là yếu tố gây sức ép tới giá đồng trong phiên.

Giá dầu có thể phục hồi trước lo ngại về địa chính trị từ Nga
Giá dầu kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước bằng một cây nến doji, sau khi chạm vùng hỗ trợ 67 USD. Đây có thể là tín hiệu đảo chiều, trong khi một số thông tin căng thẳng về tình hình địa chính trị tại Nga có thể sẽ hỗ trợ giá dầu trong phiên hôm nay. Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế yếu kém tại nước như Mỹ và Châu Âu vẫn sẽ tạo lực cản mạnh cho đà phục hồi.
Cuộc nổi dậy của lính đánh thuê Nga, Wagner, vào cuối tuần qua làm dấy lên lo ngại về bất ổn chính trị ở Nga và do đó, nhiều khả năng sẽ tác động tiềm ẩn đối với nguồn cung dầu, do Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 trên thế giới.
Mặc dù cuộc đụng độ giữa Moscow và nhóm lính Wagner đã được ngăn chặn vào cuối tuần, sau khi nhóm rút khỏi thành phố Rostov, thuộc miền nam nước Nga, theo một thỏa thuận ngăn chặn bước tiến nhanh chóng của đội quân vào thủ đô Nga. Tuy nhiên, thách thức này đã đặt ra câu hỏi về quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin và những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu của Nga.
Nhà phân tích Helima Croft của Ngân hàng RBC Capital Markets cho biết có những lo ngại rằng Putin sẽ tuyên bố thiết quân luật, ngăn công nhân đến các cảng bốc hàng và cơ sở năng lượng lớn, có khả năng làm ngừng xuất khẩu hàng triệu thùng.
Hiện tại, tạm thời các bất ổn này đã được giải quyết, Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết giá dầu có thể không gia tăng đáng kể do sự kiện diễn ra trong thời gian khá ngắn. Hơn nữa, lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế tại Mỹ hay châu Âu đều tiêu cực, vẫn là một lực cản lớn tới giá dầu. Tuy nhiên, Rystad tin rằng rủi ro địa chính trị tại Nga đang gia tăng, và dầu thô cũng đang ở vùng giá thấp, nên yếu tố tâm lý có thể hỗ trợ giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)