Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/03, giá ngô đang suy yếu nhẹ sau 2 phiên bật tăng mạnh trước đó. Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, giá ngô đã vượt lên vùng đỉnh 640 trước đó và là tín hiệu cho thấy giá sẽ có thể bước vào nhịp tăng ngắn hạn. Xét về mặt cơ bản, nhu cầu của Trung Quốc vẫn đang gia tăng, cùng với những dự đoán và lo ngại về diện tích ngô vụ mới của Mỹ vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá mặt hàng này cho tới cuối tuần.
Việc nông dân đẩy mạnh thu hoạch và xuất khẩu đậu tương đang hạn chế khối lượng ngô Brazil được vận chuyển ra thị trường quốc tế. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil, trong 2 tuần đầu tháng 03 Brazil xuất khẩu được trung bình 91,470 tấn ngô mỗi ngày. Mặc dù đây là mức cao hơn hẳn so với so với mức 649 tấn/ngày của cả tháng 02/2022 do nguồn cung thắt chặt và mùa vụ bị chậm trễ. Tuy nhiên, tính tới nay, khi đã gần kết thúc tháng 03, con số này đã giảm xuống còn 63,332 tấn ngô/ngày. Với tốc độ duy trì, dự kiến xuất khẩu ngô trong tháng 3 của Brazil có thể sẽ chỉ đạt khoảng 1.8 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 3-6 triệu tấn/tháng kể từ cuối năm ngoái. Nguồn cung từ Nam Mỹ bị hạn chế đã khiến cho nhu cầu của Trung Quốc đối với ngô Mỹ gia tăng đột biến chỉ trong vài tuần vừa qua. Các đơn hàng ngô lớn liên tục xuất hiện trong báo cáo Daily Export Sales phản ánh khối lượng ngô lớn sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới. Không những thế, tác động “bullish” từ những đơn hàng này còn mạnh hơn khi nửa đầu năm 2021 đây cũng đã từng là nguyên nhân khiến cho giá ngô tăng vọt nên lo ngại của thị trường về tồn kho ngô Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vào giai đoạn tới. Tuy nhiên, báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào cuối tuần này sẽ chưa phản ánh được sự gia tăng về nhu cầu do lượng hàng này vẫn chưa được vận chuyển.

Diễn biến giằng co khả năng cao tiếp tục gắn liền với giá Arabica khi nguồn cung tại nước cung ứng lớn chưa chắc chắn
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, hai mặt cà phê hợp đồng tháng 05 trở lại xu hướng trái chiều. Arabica biến động mạnh trong phiên, kết phiên giá giảm 1.31% khi thị trường phản ứng với việc Brazil chuẩn bị thu hoạch, với sản lượng dự báo nới lỏng so với 2 năm trước đó đã gây áp lực lên giá. Trong khi đó, Robusta tiếp tục khởi sắc khi tồn kho trên Sở ICE quay đầu giảm về 75,550 tấn.
Xuất khẩu Arabica trong 27 ngày đầu tháng 3 của Brazil đạt 2.31 triệu bao tăng 22% so với mức 1.89 triệu bao của cùng kỳ tháng trước nhưng còn cách rất xa so với mức 3.31 triệu bao của tháng 03/2022. Cùng với đó, Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) cho biết xuất khẩu cà phê trung bình hàng ngày tính đến tuần thứ 4 trong của tháng 3 tại Brazil là 7,300 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 9,220 tấn của cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy sự chưa chắc chắn về nguồn cung ở thời điểm hiện tại, tạo nên sự biến động của giá.
Tuy vậy, triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil và Colombia trong năm nay so với 2 năm trước đó, vẫn là nhân tố đáng chú ý và gây sức ép lên giá khi giai đoạn thu hoạch cà phê tại Brazil đang đến gần.

Rủi ro vĩ mô giảm bớt và nguồn cung thu hẹp có thể tiếp tục là yếu tố hộ trợ cho giá đồng
Đồng mở cửa phiên giao dịch ngày 28/03 với lực mua áp đảo khi lo ngại trong lĩnh vực ngân hàng tạm lắng xuống, dòng tiền dần quay lại thị trường tài chính cũng như thị trường hàng hóa. Hơn nữa, đồng USD suy yếu tiếp tục hỗ trợ lực mua trên thị trường đồng. Chỉ số Dollar Index sáng nay neo ở mức 102.61 điểm, giảm 0.24% so với mức tham chiếu.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện được triệu tập hôm nay, các nhà quản lý ngân hàng hàng đầu của Mỹ mới đây cho biết họ định trình bày trước Ủy ban về việc hệ thống tài chính tổng thể vẫn đứng vững sau những thất bại ngân hàng gần đây. Đồng thời sẽ xem xét các chính sách nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng tiếp theo trong tương lai. Do vậy, rủi ro vĩ mô phần nào được đẩy lùi có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Bên cạnh đó, rủi ro nguồn cung thu hẹp đang là động lực mạnh thúc đẩy giá đồng trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh tồn kho đồng trên 3 Sở Giao dịch lớn là LME, COMEX và Thượng Hải liên tục sụt giảm, tổng lượng tồn kho trên 3 Sở hiện chỉ còn 159,952 tấn, ngân hàng Goldman Sachs đã cảnh báo lượng tồn kho đồng có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 125,000 tấn vào cuối quý II, trong khi một số mỏ liên tục bị phong tỏa tại Chile và Peru sẽ cần nhiều thời gian để hoạt động khai thác được khôi phục trở lại.
Họ cũng dự kiến nhu cầu đồng phục vụ cho lĩnh vực năng lượng sạch như xe điện và năng lượng mặt trời trong năm nay sẽ tăng lên mức 2.6 triệu tấn, tăng 30% so với năm ngoái. Do vậy, triển vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực trong khi nguồn cung về đồng đang có những dấu hiệu thu hẹp trong thời gian gần đây sẽ là yếu tỗ hỗ trợ cho giá.