USDA không có khả năng thay đổi vị trí của mình đối với vụ mùa này vào đầu mùa. Nhưng điều đó sẽ không ngăn được các nhà sản xuất và thương nhân coi trọng tình trạng khô hạn ngày càng gia tăng. Trong hai tháng qua, lượng mưa phần lớn đều dưới mức bình thường trên toàn bộ khu vực Vành đai ngô. Mô hình áp suất cao đã kéo theo khô hạn trên hầu hết các khu vực gieo trồng đậu tương chính của Mỹ. Một số cơn mưa rải rác xuất hiện cũng không cải thiện độ ẩm đáng kể. Đây gần như là một sự đảo ngược hoàn toàn trong mô hình La Nina trong hai năm qua gây ra nóng và khô ở phía tây sông Mississippi và ẩm ướt ở phía đông.
Vào tháng 4, mô hình này không đáng lo ngại vì thời tiết khô ráo cho phép quá trình gieo trồng diễn ra thuận lợi, tốc độ mùa vụ nhanh hơn bình thường đối với hầu hết các bang sản xuất trừ North Dakota. Tuy nhiên, nhiệt độ ngày càng tăng khi chỉ mới vừa bước vào mùa hè, hạn hán đang trở thành mối quan tâm nghiêm trọng hơn. Độ ẩm của đất đã giảm trong hai tháng qua đối với hầu hết các khu vực, đặc biệt là ở phía đông Midwest. Mặc dù báo cáo Crop Progress tuần này mới chỉ đưa ra đánh giá chất lượng đầu tiên của USDA cho mùa vụ năm nay nhưng với tình hình thời tiết hiện tại, tỉ lệ cây trồng đạt tốt – tuyệt vời khả năng sẽ giảm xuống khi báo cóa tuần sau được công bố. Mặc dù sẽ chưa được phản ánh trong báo cáo WASDE nhưng những lo ngại trên cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá.

Giá cà phê có thể trái chiều sau dự báo nguồn cung tại Brazil của USDA
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/06, hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều nhưng nhìn chung diễn biến giá đều khá giằng co do thông tin cơ bản xung đột. Cụ thể, giá Arabica ghi nhận mức giảm 0,27% so với tham chiếu khi thị trường dần tin tưởng vào triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong năm 2023 tại Brazil, giảm thiếu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi tồn kho đạt chuẩn giảm sâu về mức thấp nhất trong hơn 6 tháng. Cùng mức thay đổi 0,27%, giá Robusta trong phiên hôm qua lại nhỉnh hơn so với tham chiếu khi lo ngại thiếu khan hiếm nguồn cung không chỉ trong ngắn hạn mà còn vì triển vọng nguồn cung kém tích cực trong mùa vụ mới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/24 tại Brazil ở mức 66,4 triệu bao loại 60kg, tăng 6%, tương đương 3,8 triệu bao so với niên vụ trước. Trong đó, Brazil có thể sẽ sản xuất 44,7 triệu bao Arabica, tăng khoảng 12% so với niên vụ trước.
Trước đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (Conab) cũng ước tính sản lượng Arabica trong năm 2023 của Brazil sẽ tăng 16% so với năm 2022. Điều này thể hiện sự lạc quan của giới chuyên gia đối với mùa vụ mới.
USDA cho biết thêm, xuất khẩu cà phê xanh có thể đạt 45,35 triệu bao trong niên vụ 2023/2024, tăng gần 1/4 so với niên vụ trước. Kết hợp cùng tuyên bố xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2023 của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung hiện tại.

Giá đồng có thể giảm nếu dữ liệu xuất nhập khẩu của Mỹ giảm
Giá đồng dao dộng giằng co trong phiên sáng khi thị trường đánh giá dữ liệu thương mại của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu.
Mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, nhập khẩu đồng của Trung Quốc ghi nhận sự phục hồi so với tháng 4. Cụ thể, nhập khẩu đồng chưa gia công và bán thành phẩm của Trung Quốc đạt 444.088 tấn trong tháng 5, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tăng 9.03% so với tháng 4.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc đã có sự phục hồi nhẹ so với tháng trước. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Thượng Hải cũng đã liên tục giảm trong thời gian gần đây. Do vậy, nhu cầu cải thiện từ Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Tuy vậy, dự báo đà phục hồi trong nhu cầu đồng vẫn chậm do nền kinh tế Trung Quốc chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng như hồi đầu năm. Dữ liệu sáng nay tiếp tục cho thấy hoạt động thương mại suy yếu.
Cụ thể, nhập khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc đạt mức -4,5%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương, chỉ đạt -7,5% trong tháng 5, trái ngược với dự báo tăng 8,0% của các nhà kinh tế.
Sự yếu kém trong hoạt động thương mại làm tăng thêm áp lực suy giảm đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi dữ liệu chỉ ra hoạt động tiêu dùng và sản xuất mất đà và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gia tăng. Thêm vào đó, sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Do đó, trong phiên tối, số liệu thương mại của Mỹ trong tháng 5 sẽ là yếu tố chi phối giá đồng.
Trong tháng 5, nền kinh tế Mỹ bị đè nặng bởi bế tắc nâng trần nợ. Hoạt động kinh tế hạ nhiệt thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất và phi sản xuất của Viện quản lý cung ứng (ISM) đều thấp hơn số liệu tháng 4 và mức dự báo của giới phân tích.
Hơn nữa, thị trường việc làm của Mỹ cũng có dấu hiệu hạ nhiệt khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,6% từ mức 3,4% trong tháng 4, mức thấp nhất trong vòng 53 năm, đồng thời, tăng trưởng tiền lương cũng chậm lại.
Do vậy, nhiều khả năng tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu trong tháng 5 của Mỹ có thể giảm nhẹ so với tháng 4, cho thấy sự hạ nhiệt của nền kinh tế. Điều này có thể khiến giá đồng chịu sức ép trong phiên tối.

Giá dầu có thể tiếp tục gặp sức ép bởi dữ liệu thương mại của Trung Quốc
Giá dầu mở cửa tiếp nối đà giảm trong phiên giao dịch sáng nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp áp lực khi dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 yếu kém.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương, giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với dự báo tăng 8,0% của các nhà kinh tế.
Dữ liệu này cho thấy nền Trung Quốc vẫn đang loay hoay với bài toán thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa, trong khi xuất khẩu giảm phản ánh nhu cầu tại nhiều nền kinh tế nhập khẩu hàng của Trung Quốc kém sắc. Triển vọng tiêu cực này nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực tới giá dầu.
Mặc dù dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 10,79 triệu thùng/ngày và cao hơn 17,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, Trung Quốc thường nhập khẩu lượng lớn dầu thô giá rẻ từ Nga, và dòng chảy xuất khẩu của Nga vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc bằng đường biển tăng nhẹ 20,000 thùng/ngày lên 1,15 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 4/6 so với tuần trước đó.
Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh đối với nguồn dầu tại Trung Đông sẽ giảm bớt khi các quốc gia OPEC cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, nếu báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tối nay cho thấy tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất của Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 4/6 như dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) công bố vào tối nay, giá dầu cũng sẽ đối diện với áp lực.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)