Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12.5% protein từ Biển Đen của Nga đã tăng 1 USD/tấn trong tuần vừa rồi, lên mức 273 USD/tấn. Theo IKAR, nguyên nhân chính là do công ty xuất khẩu lớn của phương Tây cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu ngũ cốc Nga, sau một báo cáo rằng Bộ Nông nghiệp Nga đã ban hành hướng dẫn không chính thức để hỗ trợ giá xuất khẩu.
Mới đây, theo Interfax đưa tin, công ty nông nghiệp Pháp Louis DreyFus sẽ ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Nga từ ngày 01/07. Trong một bức thư, người đứng đầu của công ty này cho biết, Louis DreyFus sẽ ngừng xuất khẩu ngũ cốc Nga do những thách thức xuất khẩu tiếp tục gia tăng tại nước này. Tuần trước, các công ty thương mại Cargill và Viterra cũng tuyên bố họ không còn xuất khẩu ngũ cốc của Nga. Trong tuyên bố của mình, Bộ Nông nghiệp Nga cho biết họ đã nhận được thông báo từ Louis DreyFus rằng sẽ ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Nga. Bộ cho biết động thái trên sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Mặc dù được trấn an nhưng những thông tin trên có thể là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ gặp phải các vấn đề về xuất khẩu lúa mì trong thời gian tới và là yếu tố hỗ trợ đối với giá.
Giá Robusta khả năng cao tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm nay nhờ hỗ trợ kép từ thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/04, hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Arabica suy yếu nhẹ khi thị trường quay về với triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ 2023/24 tại Brazil. Trong khi đó, Robusta tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong gần 4 tháng nhờ hỗ trợ từ lo ngại nguồn cung khan hiếm tại các quốc gia cung ứng hàng đầu thế giới.
Bức tranh thông tin cơ bản về nguồn cung Arabica trên thị trường vẫn đang trong 2 thế trái chiều nhau. Một bên thị trường kỳ vọng vào triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil trong niên vụ tới khi thời tiết đã ôn hòa và thích hợp cho sự phát triển của cây cà phê hơn, sẽ giúp sản lượng được nới lỏng trở lại, từ đó gây sức ép lên giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York cũng như tại các cảng ở Châu Âu liên tục suy yếu kể từ đầu năm khi lần lượt chạm mức thấp nhất trong 4 tháng và 4 năm. Điều này lại dẫn đến những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và là nhân tố có thể thúc đẩy giá trong phiên hôm nay.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới được công bố gần đây của Mỹ cho thấy tín hiệu của sự suy yếu và là nguy cơ của 1 đợt suy thoái kinh tế, kéo theo nhu cầu đối với cà phê có sự chững lại, từ đó gây sức ép lên giá.
Giá đồng có thể giằng co trong biên độ hẹp khi thông tin cơ bản trái chiều và thị trường Trung Quốc nghỉ lễ
Sau phiên giảm mạnh vào hôm qua, giá đồng tăng nhẹ trong phiên sáng 05/04 nhờ lực mua bắt đáy và được hỗ trợ bởi tin tức sản lượng đồng suy yếu tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban đồng Chile (Cochilco) cho biết hôm thứ Ba, tổng sản lượng đồng của Chile đã sụt giảm 3.4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 381,000 tấn, do sự sụt giảm mạnh 14.8% trong sản lượng đồng của công ty khai thác khổng lồ Codelco và sản lượng giảm 6% tại mỏ Colluhuasi.
Tuy nhiên, thị trường đồng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những tín hiệu vĩ mô trái chiều, một mặt, thị trường lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế có thể làm gia tăng áp lực về nhu cầu tiêu thụ đồng, mặt khác, nền kinh tế hạ nhiệt lại đang củng cố cho niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất.
Các dữ liệu gần đây đang cho thấy nền kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu đều chịu chung sức ép trong bối cảnh Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cao. Đặc biệt là trong tháng 3, khi nền kinh tế phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng làm tín dụng thắt chặt hơn, khiến hoạt động kinh tế suy yếu và càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất việc làm trên diện rộng. Số liệu Cơ hội việc làm (JOLTs) được công bố mới đây của Mỹ còn chỉ ra thị trường lao động Mỹ thậm chí đã mất đà ngay cả trước khi khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra. Dữ liệu thay đổi việc làm phi nông nghiệp của ADP cũng được công bố tối nay với dự báo nghiêng về phía thị trường lao động hạ nhiệt. Do đó, những dấu hiệu cho thấy kinh tế dần suy yếu cũng làm giảm triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng.
Tuy vậy, việc thị trường lao động Mỹ đang gặp áp lực nhất định và nền kinh tế dần mất đà cũng đang cho thấy rằng việc Fed tăng lãi suất mạnh tay để kiểm soát lạm phát cao đang bắt đầu có hiệu quả. Hiện tỷ lệ ủng hộ Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp lãi suất tháng Năm đã tăng lên mức 57.3% từ mức 42.8% vào hôm qua. Áp lực tăng lãi suất giảm bớt có thể khiến đồng USD tiếp tục suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng. Nhà đầu tư có thể chờ đợi báo cáo việc làm vào tối nay và thứ Sáu để có manh mối rõ hơn về sức khỏe của thị trường lao động Mỹ.
Giá dầu có thể sẽ giằng co trước thời điểm báo cáo của EIA và dữ liệu việc làm Mỹ của ADP
Dữ liệu báo cáo từ phía Viện quản lý Dầu khí Mỹ (API) vào sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 31/03 giảm 4.3 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm mạnh. Trong trường hợp dữ liệu tối nay từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cùng chung quan điểm với API, thêm vào những lo ngại về việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, giá dầu có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô vẫn còn đang khá tiêu cực, sẽ là yếu tố hạn chế sức mua. Giá dầu nhiều khả năng vẫn sẽ giằng co quanh vùng 82 USD/thùng.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể sẽ gây áp lực lên phía Chính phủ Mỹ trong việc tìm cách hạ nhiệt lạm phát, trong đó có giá dầu. Tuy nhiên, các công cụ từ phía Mỹ đang khá hạn chế. Việc thúc đẩy sản lượng trong nước đang là bài toán khó khi các nhà khai thác rất thận trọng trong việc mở rộng thêm giàn khoan. Điều này là hệ quả của những tổn thất từ giai đoạn đại dịch Covid-19, khi sản lượng liên tiếp được đẩy mạnh trong khi nhu cầu sụt giảm nhanh chóng đã giáng một đòn mạnh tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện vĩ mô tiêu cực, các nhà khai thác dầu tại Mỹ sẽ tăng sản lượng một cách thận trọng. Chỉ số hoạt động của ngân hàng, đo lường các điều kiện giữa các công ty dầu khí trên các khu vực sản xuất dầu chính của Texas, New Mexico và Louisiana, đã giảm xuống 2.1 từ 30.3 trong quý IV năm 2022. Xu hướng này có thể làm nguồn cung mong manh hơn và khiến giá dầu neo ở mức cao trong dài hạn.
Thị trường cũng sẽ tập trung vào dữ liệu từ báo cáo từ EIA vào tối nay. Nếu tồn kho giảm, xuất khẩu tiếp tục cải thiện, giá dầu sẽ được hỗ trợ thêm.
Tuy nhiên, đà tăng nhiều khả năng sẽ bị cản trở bởi yếu tố kinh tế vĩ mô. Hôm qua, dữ liệu cơ hội việc làm Mỹ tháng 2 của JOLTS tiêu cực có thể là chỉ báo sự suy yếu trong cho dữ liệu thay đổi việc làm phi nông nghiệp của ADP vào tối nay và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ vào cuối tuần. Trong trường hợp có thêm các bằng chứng về sự hạ nhiệt của thị trường lao động, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng có thể hạn chế đà tăng của giá dầu.