Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa có mức tăng trưởng khá theo từng năm, tuy nhiên, đến 80% nguyên liệu dùng trong sản xuất nhựa - cao su hiện vẫn phải NK.
Điều này có thể thấy rõ qua thống kê kim ngạch XNK từ Tổng cục Hải quan. Tính đến giữa tháng 7-2015, giá trị XK chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 242 triệu USD, sản phẩm từ chất dẻo đạt hơn 1 tỷ USD. Nếu so với giá trị hàng NK tương ứng lần lượt là hơn 3 tỷ USD và hơn 1,9 tỷ USD thì độ chênh này là quá lớn, đặc biệt về nguồn nguyên liệu.
Về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho hay, Công ty chủ yếu NK nguyên liệu từ các thị trường như Ả rập, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Nguyên nhân do chất lượng nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước vẫn chưa tốt, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, giá dầu liên tục giảm trên thế giới đã giúp giá thành nguồn nguyên liệu NK từ nước ngoài ngày càng có lợi cho DN sản xuất.
Theo ông Chu Văn Trọng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần XNK khoáng sản Hà Nam (DN chuyên sản xuất bao bì, túi nhựa PP XK), giá thành của nguyên liệu nhựa nguyên sinh NK và nhựa tái sinh trong nước hiện không chênh nhau quá lớn, trong khi nhiều sản phẩm khách hàng yêu cầu về chất lượng, hàm lượng hóa học, mức độ bảo vệ môi trường cao nên việc lựa chọn nhựa nguyên sinh NK sẽ an toàn hơn cả.
Đối với một số sản phẩm của Công ty bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu nhựa tái sinh, Công ty đã lựa chọn, làm việc với các cơ sở, DN sản xuất trong nước uy tín và đảm bảo các có sở này phải có quy trình kiểm soát, kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng hàng XK.
Nâng tính chủ động với nguồn NK
Chi phí dành cho nguyên liệu thường chiếm 70-80% tổng giá trị thành phẩm nên để cạnh tranh về giá, DN cần có nguồn nguyên liệu chất lượng và hợp lý. Với chất lượng nguồn hàng trong nước chưa đạt yêu cầu, việc phụ thuộc vào nước ngoài là khó khăn chung của toàn ngành. Do đó, các DN khi NK nguyên liệu đều lên phương án để tận dụng hết cơ hội, lợi thế mà hình thức này mang lại.
Đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ, mặc dù chủ yếu là NK nhưng Công ty đã có sự chủ động khi thành lập một đội ngũ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để luôn nắm bắt được thời điểm, lợi dụng lúc giá dầu xuống thấp hay những lúc giá nguyên liệu NK giảm xuống thấp hơn giá nguyên liệu sản xuất trong nước thì nhập nhiều nguyên liệu tích trữ. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt ra một phòng ban chuyên nghiên cứu, kiểm định chất lượng sản phẩm để cho ra sản phẩm với chất lượng đạt theo yêu cầu khách hàng dù trong nước hay quốc tế.
Có một thực tế là đa phần DN ngành nhựa vẫn là DN nhỏ và vừa, năng lực sản xuất và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nước NK còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều mặt hàng XK đã được giảm thuế xuống 0%, các hàng rào phi thuế quan lại được dựng lên để kiểm soát chất lượng, bảo hộ hàng hóa thì các DN phải lựa chọn phương án ít rủi ro nhất để sản phẩm của mình đến với khách hàng thành công.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV bao bì Thanh Thủy cho hay, là một DN chuyên sản xuất bao bì, vỏ hộp nhựa cho các DN ngành dược phẩm nên mức độ yêu cầu chất lượng càng cao. Vì thế, Công ty lựa chọn chỉ làm gia công sản phẩm còn nguồn nguyên liệu và kiểm định chất lượng hàng sẽ do phía khách hàng chịu trách nhiệm.
Với sự xuất hiện của một số “ông lớn” ngành nhựa Thái Lan nhắm vào Việt Nam đầu tư sản xuất như: Công ty Srithai Superware - nhà sản xuất bộ đồ ăn bằng nhựa melamine hàng đầu Thái Lan cùng một số thương vụ mua bán cổ phần của nhiều DN nhựa lớn của Việt Nam đã dấy lên lo ngại cho sự tồn tại và phát triển của các DN ngành nhựa trong nước. Do đó, các DN cần có sự liên kết với nhau để cung cấp nguồn nguyên liệu với giá cạnh tranh hoặc nên có sự ưu tiên cho việc phát triển ngành sản xuất nguyên liệu nhựa tái sinh với yêu cầu cao về bảo vệ môi trường.
Theo Hương Dịu
Báo Hải Quan