Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) báo cáo, Mỹ đã xử lý 161.453 triệu giạ đậu tương trong tháng 08, giảm 6,8% so với tháng 07 và thấp hơn 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khối lượng ép dầu đậu tương thấp nhất mà tổ chức này từng ghi nhận kể từ tháng 9/2022. NOPA cho biết, nhiều nhà máy chế biến đã ngừng hoạt động để tiến hành bảo trì trước vụ thu hoạch đậu tương sắp tới. Bên cạnh đó, sản lượng đậu tương thấp hơn trong năm 2022 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu ép dầu trong tháng vừa rồi. Nhìn chung, việc khối lượng ép dầu đậu tương tháng 08 của Mỹ đạt mức thấp vẫn cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này đang có sự suy yếu, và sẽ tiếp tục là yếu tố “bearish” đối với giá đậu tương trong hôm nay.
Về mặt xuất khẩu, khối lượng giao hàng đậu tương tuần đầu niên vụ 23/24 đang khá tiêu cực. Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) tuần trước cho thấy, Mỹ giao 310.073 tấn đậu tương trong tuần 01/09-07/09, giảm so với mức 406.934 tấn của tuần trước đó cũng như mức 341.713 tấn cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh rằng đậu tương Mỹ đang phải cạnh tranh gay gắt với đậu tương từ Brazil trên thị trường quốc tế. Chúng tôi cho rằng, báo cáo Export Inspections tối nay cần có sự cải thiện đáng kể về số giao hàng đậu tương để giá đậu tương có thể tránh được kịch bản giảm mạnh.

Giá cà phê có thể điều chỉnh giảm trước áp lực kỹ thuật
Kết thúc tuần giao dịch 11-17/9, giá 2 mặt hàng cà phê đều tăng mạnh dù cho nguồn cung đang từng bước tích cực hơn. Brazil đã xuất khẩu 3,35 triệu bao cà phê nhân trong tháng 8, tăng 33,3% so với cung kỳ năm 2022. Đồng thời, tồn kho cà phê trên Sở ICE tích cực hơn so với tuần trước đó.
Việc tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US bất ngờ tăng 3.365 bao loại 60kg vào phiên cuối tuần trước sau khi đã giải phóng hơn 18.000 bao bổ sung từ Brazil đang củng cố thêm kỳ vọng dữ liệu tồn kho trên Sở ICE sẽ hồi phục lại đà tăng.
Nguồn cung cà phê tại Brazil đang đạt kết quả tốt và có thể góp phần đảm bảo đủ nguồn cung cà phê trên toàn cầu và khả năng cải thiện lượng cà phê tại các kho lưu trữ của Sở ICE.
Tính đến hết ngày 15/9, Brazil đã xuất khẩu 1,5 triệu bao cà phê các loại, cao hơn so với mức 1,34 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong đó, lực tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi số lượng cà phê Arabica dạng hạt đã được xuất đi. Cụ thể, trong kỳ có 1,15 triệu bao Arabica được vận chuyển ra quốc tế, tăng 14% so với mức 954.104 bao xuất đi trong 15 ngày đầu tháng 8.

Giá kim loại quý có thể duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần
Giá kim loại quý tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng khi thị trường vẫn đang đánh giá tác động của loạt dữ liệu lạm phát Mỹ tuần trước. Áp lực lạm phát hạ nhiệt làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ, với 99% thị trường đặt cược vào khả năng Fed giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp chính sách ngày 20/9 và 73% khả năng tạm dừng vào tháng 11, theo CME FedWatch Tool.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình đình công tại Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý có thể sẽ được thúc đẩy. Cuộc đình công của Liên đoàn United Auto Workers với quy mô khoảng 12.700 công nhân tại 3 nhà máy thuộc sở hữu của "Detroit Three", bao gồm General Motors, Ford và Stellantis vẫn đang tiếp diễn, khi đại diện của các bên chưa đưa ra được giải pháp trong các cuộc đàm phán.
Hơn nữa, việc chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa một phần trong 2 tuần nữa cũng có thể thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đề xuất một thỏa thuận nhằm tạm thời ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa, với các yêu cầu bao gồm cắt giảm 8% chi tiêu cho các cơ quan trong nước. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức đã vấp phải một số phản đối.

Giá dầu có thể vẫn duy trì đà tăng trước cuộc họp của FED
Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng khi vấn đề nguồn cung vẫn đang là điểm nóng tác động đến tâm lý thị trường hiện tại, và chưa có dấu hiệu cho thấy giá sẽ giảm.
Trên thị trường vật chất, nguồn cung các sản phẩm tinh chế như dầu diesel đang ngày càng có dấu hiệu cảnh báo, với các nhà máy lọc dầu trên thế giới liên tục gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ nhiên liệu công nghiệp.
Giá dầu nhiên liệu của Mỹ đã tăng trên 140 USD/thùng lên mức cao nhất trong năm nay, thể hiện sự khan hiếm dầu thô cho quá trình tinh chế sản phẩm. Sản phẩm dầu thô từ Saudi Arabia và Nga thường phù hợp cho việc tinh chế nhiều dầu diesel. Do đó, tác động từ việc cắt giảm nguồn cung của hai quốc gia này sẽ càng đẩy giá nhiên liệu tăng cao.
Giá dầu tăng đang gây áp lực lên lạm phát toàn cầuvà nhiệm vụ của các Ngân hàng Trung ương. Thời điểm hiện tại, thị trường đang đánh giá khả năng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong tháng 9, nhưng vẫn để ngỏ khả năng trong tháng 11. Ngoài ra, thị trường đang dự đoán lãi suất sẽ vẫn giữ ở mức cao trong một thời gian nữa, có thể là kéo dài đến hết quý 1 năm 2024.
Trong trường hợp đó, chính sách thắt chặt vẫn kéo dài vẫn có thể khiến đồng USD duy trì đà tăng hiện tại.
Nhìn chung, thông tin cơ bản vẫn đang hỗ trợ giá dầu do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin trái ngược, đà tăng nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, thị trường nhiều khả năng sẽ thận trọng và hướng tâm điểm vào cuộc họp của Fed trong tuần này.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)