Cục quản lý giá chỉ ra nguyên nhân một số mặt hàng thiết yếu tăng giá trong tháng 7 vừa qua do thời điểm thời tiết nắng nóng trùng với mùa thi, hu cầu tiêu dùng một số mặt hàng như: thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống, may mặc, lượng tiêu thụ điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ du lịch, khách sạn... tăng nhẹ. Chính điều này đã tạo nên sức ép tăng giá.

Bên cạnh đó, nhu cầu nguyên liệu chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu tăng khiến giá một số nguyên liệu cũng tăng theo.

Cụ thể, giá một số loại rau củ trái vụ và thủy hải sản tăng nhẹ trong thời gian nắng nóng.

Tại miền Bắc, giá trứng gà công nghiệp tăng nhẹ khoảng 1.000-3.000 đồng/chục, giá phổ biến ở mức 25.000-27.000 đồng/chục; trứng vịt từ 30.000-32.000 đồng/chục.

Giá một số loại rau, củ, quả như bắp cải 10.500-13.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; khoai tây 15.000-18.000 đồng/kg; cà chua 15.000-18.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Giá muối tại miền Bắc tăng trở lại nhờ tác động từ việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thu mua tạm trữ muối niên vụ 2015 để ổn định giá muối, tháo gỡ khó khăn cho diêm dân (Văn bản số 5195/VPCP-KTTH ngày 07/7/2015). Trong khi đó, giá muối tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long ổn định.

Cụ thể, tại miền Bắc, giá muối từ 1.200-2.500 đồng/kg (tăng 200-900 đồng/kg); tại miền Trung, giá muối công nghiệp từ 500-850 đồng/kg; đồng bằng sông Cửu Long từ 600-1.000 đồng/kg.

Giá đường bán lẻ trên thị trường ổn định so với tháng 6/2015, dao động ở mức 18.000 đồng/kg - 21.000 đồng/kg. Nguyên nhân do lo ngại thời tiết ảnh hưởng đến lượng thu hoạch mía tại Brazil, một số nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đã tác động làm giá chào bán đường thị trường thế giới tăng so với tháng 6/2015.

Đối với mặt hàng thủy hải sản, giá cá chép 75.000-80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-185.000 đồng/kg; cá quả 110.000-123.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Cục quản lý giá dự báo, trong tháng 8, thị trường hàng hoá, dịch vụ có thể chịu áp lực tăng giá do một số nguyên nhân như: Mùa mưa bão, lũ tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu; nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập phục vụ mùa khai giảng năm học mới 2015-2016, chuẩn bị nguyên liệu cho mùa sản xuất bánh Trung thu tăng.

Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đào tạo có khả năng tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2015-2016.

Tuy nhiên, Cục quản lý giá nhận định có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo chỉ biến động nhẹ. 

Tại thị trường trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 4/7 và 20/7/2015 đến mặt bằng giá chung; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh)...  

Kiều Linh