Ông Michael Neumann cho biết, thị phần cà phê robusta đã tăng lên 45% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2015, từ mức 13% ghi nhận vào năm 1950. Dự báo đến năm 2030, cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng, chiếm 55% sản lượng toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, cà phê robusta được cho là có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thế giới - dự báo đạt 200 triệu túi đến cùng kỳ. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới vào khoảng 50 triệu túi.
Thị trường cà phê ngày càng phát triển theo đà tăng của dân số thế giới. Cà phê dần trở thành thức uống không thể thiếu đối với đại bộ phận người dân và nhu cầu uống cà phê được dự báo sẽ tăng lên 1,43 kg/người trong vòng 15 năm nữa, từ mức 1,2 kg/người hiện nay.
Những yếu tố vĩ mô
Gần đây, thị phần cà phê robusta trong thương mại cà phê toàn cầu tăng mạnh, một phần nhờ loại cà phê này đã được một số nước, như Việt Nam, đưa vào trồng đại trà. Việt Nam với tỷ giá ngoại tệ ổn định giúp làm giảm biến động giá trong hoạt động mua - bán, từ đó ít tác động tới lợi ích của người trồng cà phê. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phền lớn thứ 2 thế giới sau khi được Ngân hàng Thế giới khuyến khích đưa loại cà phê robusta vào trồng ở các đồn điền lớn.
Trong khi đó, một số khu vực sản xuất cà phê arabica lớn trên thế giới, như Trung Mỹ hay châu Phi, lại đang rơi vào khủng hoảng, khiến thị trường cà phê arabica cũng suy yếu theo. Điều này càng tạo ra khoảng cách lớn giữa hai loại cà phê robusta và arabica, theo bài phát biểu của ông Neumann tại Diễn đàn cà phê toàn cầu ở Milan.
Hơn nữa, những người trồng và rang cà phê vừa tìm ra cách để cải thiện đáng kể chất lượng của loại cà phê robusta. Trước đây, robusta luôn bị xem là loại cà phê kém chất lượng hơn arabica.
Lợi thế tăng trưởng
Xét về mặt tài chính, robusta cũng có lợi thế hơn arabica bởi chi phí sản xuất cà phê robusta đang giảm đáng kể, ông Neumann cho biết.
Một người trồng cà phê arabica thông thường sẽ trồng được khoảng 3.000 cây cà phê/hecta với năng suất vào khoảng 1,5 tấn - 2 tấn/hecta. Trong khi đó, cà phê robusta cho năng suất 2,5 tấn - 4 tấn/hecta trên diện tích nhỏ hơn khoảng 1.000 cây - 1.500 cây/hecta.
Như vậy, chi phí sản xuất cà phê robusta rẻ hơn 1.300 USD/tấn so với chi phí sản xuất arabica, ông Neumann tính toán.
Áp lực từ nhu cầu
Nhu cầu uống cà phê ngày càng tăng mạnh, từ mức 30 triệu túi, tương đương 0,88kg/người ghi nhận vào năm 1950. Nguyên nhân một phần nhờ hoạt động tái thiết lại châu Âu sau Thế chiến thứ II trong khi sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết lại giúp mở ra nhiều thị trường.
"Châu Á trở thành khu vực tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới và các nước sản xuất cà phê bắt đầu khám phá ra cách pha chế thức uống cà phê", ông Neumann cho biết.
Từng giữ chủ tịch của một tập đoàn cà phê lớn, ông Neumann luôn trăn trở về phương pháp để cải thiện tính cạnh tranh của cà phê và nâng cao mức sống của người nông dân trồng cà phê. Trong thời kỳ tại chức, ông Neumann đã mua lại công ty đối thủ - Bernhard Rothfos vào năm 1988 và hình thành lên tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe ngày nay.
Nguyễn Dung
Theo AgriMoney