Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tôm thẻ chân trắng, mít Thái tăng giá
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, đầu ra con tôm thẻ rất hút hàng, giá tăng cao. Tại Bến Tre và Tiền Giang, tôm loại 30 con/kg giá trên dưới 230.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg giá hơn 190.000 đồng/kg, tăng từ 20 - 30% so với thời điểm trước Tết.
Cùng với nguyên nhân từ phía cầu, tôm thẻ tăng giá do vào vụ nghịch và thời tiết lạnh tôm ăn ít, chậm lớn và dễ nhiễm bệnh nên diện tích thả nuôi tôm giảm. Mặt khác, ở phía Bắc chưa vào vụ nên tôm thẻ chân trắng khan hiếm. Với mức giá này người nuôi tôm thẻ có lãi cao, nhất là mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất hiệu quả.
Ở lĩnh vực trồng trọt, người trồng mít khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhận được tin vui khi giá mít Thái đã tăng lên mỗi ngày, lập kỷ lục cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Cụ thể, ngày 30/1, các vựa thu mua mít Thái tại các tỉnh miền Tây đồng loạt nâng giá thu mua mít đạt chuẩn xuất khẩu lên mức 35.000 đồng/kg (loại 1), 25.000 đồng/kg (loạt 2); các loại mít tiêu thụ nội địa cũng tăng lên mức 17.000 - 27.000 đồng kg (loại 1, 2) và hàng chợ cũng tăng lên 6.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, từ đầu năm đến nay, giá mít Thái tăng cao, mỗi ngày điều chỉnh một giá, thậm chí buổi sáng giá khác buổi chiều giá khác. Đáng chú ý, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá mít đã bắt đầu tăng nhanh, bình quân mỗi ngày tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Giá mít đang tăng cao kỷ lục và là niềm vui đầu năm của những chủ vườn trồng mít, tuy nhiên, nhiều nhà vườ cũng lo lắng, bởi lẽ năm ngoái cũng sau kỳ nghỉ Tết, giá mít cũng tăng rất cao, lên đến gần 29.000 đồng/kg nhưng ngay sau đó lại rớt xuống thấp và nằm ở đáy đến tận cuối năm.
Theo các thương lái, đầu ra cho mít Thái chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện, do nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu tăng cao. Mặt khác, gần đây, cửa khẩu đã thông thương, sản lượng mít trong nước đang sụt giảm do diện tích bị thu hẹp nên giá mít Thái đang dần khôi phục.
Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, các cửa khẩu vẫn bố trí cán bộ trực và duy trì hoạt động xuất khẩu bình thường, bình quân mỗi ngày có từ 180 - 200 xe xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là các loại hoa quản phổ biến như mít, chuối, xoài...
Riêng trong ngày 28/1 (mùng 7 Tết Nguyên đán), các cửa khẩu ở Lạng Sơn chính thức thông quan trở lại với Trung Quốc. Trong ngày, có 259 xe xuất khẩu, trong đó có 230 xe hoa quả. Trước đó 1 ngày, khi các cửa khẩu chưa thông quan chính thức trở lại, tổng số xe xuất của ngày 27/1 là 177 xe, trong đó có 164 xe hoa quả, 13 xe hàng khác.
Giá vàng SJC “thủng” mốc 68 triệu đồng/lượng trước ngày vía Thần Tài
Ngày 30/1, tức mùng 9 tháng Giêng Âm lịch, sát ngày Vía Thần tài mùng 10 tháng Giêng, giá vàng SJC trong nước lại tiếp tục giảm mạnh về 67 triệu đồng bán ra.
Nhiều người có thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) để cầu may mắn tài lộc. Diễn biến giá vàng trong những năm gần đây cho thấy, giá loại kim loại quý này tăng theo từng năm. Vào ngày vía Thần Tài hàng năm, giá vàng thường tăng và neo ở mức cao. Song, ngay sau vía Thần Tài một ngày, giá vàng phần lớn có xu hướng giảm mạnh.
Tại thời điểm khảo sát lúc 11h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,7 - 67,72 triệu đồng/lượng. So với phiên giao dịch sáng qua, vàng SJC điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng mỗi chiều. Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Vàng Doji TP.Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng ở mức 66,7 - 67,9 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với sáng qua.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 66,8 - 67,8 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với phiên liền trước.
Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 54,26 - 55,36 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với cùng giờ sáng qua.
Lý giải về nguyên nhân giá vàng giảm mạnh, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do người nắm giữ vàng miếng SJC đã đẩy mạnh bán ra, khi giá vàng tăng vượt 68 triệu đồng/lượng, dẫn đến giá vàng SJC giảm mạnh.
Dự báo, giá vàng miếng SJC năm nay sẽ không tăng mạnh ngày mùng 9 và 10 như mọi năm, nhưng sau đó nhiều khả năng giảm sâu khi không còn lực mua như trước.
Theo các nhân viên kinh doanh, diễn biến giảm hôm nay của vàng trong nước chủ yếu do giá vàng thế giới suy yếu, trong khi nhu cầu mua của người dân tăng lên nhưng chưa đột biến. Trong ngày tới, đặc biệt là ngày 31/1 - ngày vía Thần Tài, khi nhu cầu người dân tăng cao, giá vàng có thể tăng mạnh trở lại. Thực tế trong chiều nay (30/1), cảnh tấp nập người dân tìm đến mua vàng sớm chỉ xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp lớn, trong khi đó giao dịch của các cửa hàng vàng nhỏ lẻ trên các con "phố vàng" như Trần Nhân Tông, Cầu Giấy vẫn diễn ra trong tình trạng ảm đạm.
Giá heo hơi hôm nay 30/1: Đi ngang ngày đầu tuần
Giá heo hơi hôm nay 30/1 tiếp tục đi ngang trên diện rộng và duy trì trong khoảng từ 51.000 đồng/kg đến 54.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay lặng sóng và dao động trong trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, mức thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Trong khi đó, giá heo hơi tại các địa phương bao gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Thái Bình đang được thu mua với giá 53.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang giao dịch cùng mức 52.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay không ghi nhận biến động mới và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận ghi nhận mức giao dịch cao nhất khu vực với 54.000 đồng/kg. Các địa phương khác đang thu mua heo hơi với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực miền Nam, giá heo hơi đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, các địa phương bao gồm Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre đang giao dịch heo hơi cùng mức 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giao dịch cao nhất khu vực tiếp tục được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau với 54.000 đồng/kg. Tại các địa phương còn lại, heo hơi được thu mua với giá từ 52.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Tại Nghệ An, năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 4,75%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp thuần năm 2022 ước đạt 48,05%. Tổng đàn vật nuôi tăng nhẹ: đàn trâu bò 781.528 con, đàn heo 978.301 con, đàn gia cầm 32.601 con, đàn dê 257.861 con. Tổng sản lượng các loại sản phẩm ngành chăn nuôi năm qua tiếp tục tăng (thịt hơi xuất chuồng: 285.147 tấn; trứng 660.042 nghìn quả; sữa tươi 283.000 tấn). Toàn tỉnh có đến 941 trang trại chăn nuôi (438 trang trại heo, 21 trang trại bò, 482 trang trại gia cầm).
Đặc biệt, ngành chăn nuôi thú y Nghệ An đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp “đại bàng” lớn về đầu tư và hình thành nhiều mô hình chăn nuôi công nghệ cao và chăn nuôi theo chuỗi liên kết (6 chuỗi heo, 6 chuỗi gia cầm và 3 chuỗi bò), điển hình phải kể đến chuỗi giá trị sữa của Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH và Vinamilk, chăn nuôi heo của Tập đoàn Massan, Công ty C.P. Việt Nam, Công ty Tiến Thành, chăn nuôi gà của C.P và Japfa Comfeed.

Nguồn: VITIC/congthuong.vn/