Giá lúa tăng nhẹ ở một số loại
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng có sự tăng giá ở một số loại như sau: Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; ST tăng 200 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn giữ ổn định như Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang như: Jasmine ổn định ở mức 7.300 đồng/kg; lúa OC10 giá 6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 là 6.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.300 - 6.500 đồng/kg; OM 5451 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.100 - 6.200 đồng/kg. Riêng IR 50404 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg, tương tự Đài thơm 8 cũng tăng 100 đồng/kg đạt từ 6.400 - 6.600 đồng/kg.
Với nếp lai có sự giảm giá, tại An Giang có giá từ 6.000 - 6.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600 - 6.800 đồng/kg, cũng giảm 200 đồng/kg.
An Giang đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, thời tiết thuận lợi, năng suất cao. Đến nay, An Giang đã thu hoạch được trên 114.952 ha, đạt 50,52% diện tích xuống giống; năng suất bình quân ước đạt 7,55 tấn/ha, cao hơn 0,29 tấn/ha so với cùng kỳ.
Cùng với năng suất cao, giá lúa cũng tăng hơn so với vụ Đông Xuân năm trước khoảng 500 - 1.100 đồng/kg đã tạo sự phấn khởi với người nông dân.
Các loại lúa tươi như Đài Thơm 8, OM 18, IR 50404... được nông dân bán cho thương lái hoặc nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước khi thu hoạch lúa với giá từ 5.900 - 7.100 đồng/kg.
Tỉnh Tiền Giang cũng đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn trà lúa Đông Xuân. Vụ này, năng suất lúa trên địa bàn tỉnh đạt bình quân 71 tạ/ha.
Tại đây, giá các giống lúa chất lượng cao đều tăng khá so với vụ Đông Xuân năm trước. Điển hình như các giống lúa ST 24, ST 25 thương lái thu mua từ 7.200 - 7.300 đồng/kg; Nàng hoa 9 thương lái thu mua từ 7.100 - 7.200 đồng/kg; lúa giống OM 5451 giá 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.000 đồng/kg…
Theo đánh giá, nhờ những giải pháp chủ động ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, Tiền Giang đã có vụ sản xuất bội thu, trúng mùa, trúng giá.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 460 USD/tấn vào phiên 30/3, tăng từ mức 450 USD/tấn của một tuần trước đó. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Giá tăng sau khi cơ quan thu mua lương thực của Indonesia cho biết họ sẽ mua 2 triệu tấn gạo của Việt Nam trong năm nay”.
Thương nhân này cho biết thêm: “Nguồn cung trong nước cũng đang khan hiếm mặc dù vụ thu hoạch đang diễn ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do gạo 5% tấm chỉ chiếm 15 - 20% sản lượng gạo Việt Nam”.
Cùng chung xu hướng với gạo Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng từ 465 USD/tấn lên từ 475 - 482 USD/tấn. Hai thương nhân Thái Lan cho rằng sự gia tăng trên là do đồng baht mạnh hơn so với đồng USD. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, mặc dù nguồn cung mới đã bắt đầu đưa vào thị trường nhưng với số lượng không lớn.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ khá ổn định trong tuần qua, sau khi chứng kiến 4 tuần giảm, nhờ đơn đặt hàng từ các khách hàng châu Phi tăng nhẹ, trong khi kỳ vọng về các đơn đặt hàng mới từ Indonesia đã đẩy giá gạo của Việt Nam lên cao hơn.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được báo ở mức từ 380 - 385 USD/tấn trong tuần này - không thay đổi so với tuần trước và tương tự như mức đã thấy vào giữa tháng 1/2023.
Giá phân bón tiếp tục giảm do nhu cầu trầm lắng
Giá các loại phân bón chủ chốt như đạm Ure, DAP, Kali, SA, NPK, lân... tại thị trường Việt Nam đang tiếp tục giảm theo đà giảm của thế giới cũng như do nguồn cung nội địa lớn nhưng nhu cầu vẫn ở mức thấp.
Giá các loại phân bón đều giảm
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Argus, giá phân bón DAP, phân MAP trên thị trường thế giới hiện đang giảm. Giá DAP Ấn Độ hiện đang giảm 5 USD/tấn và đứng ở mức 590 USD/tấn (giá CFR - giá tại cửa khẩu của bên xuất cộng chi phí vận chuyển); giá DAP Trung Quốc ổn định ở mức 575 - 590 USD/tấn (giá Fob - giá tại cửa khẩu của bên xuất).
Trong khi đó, giá phân MAP Nam Phi xuất xưởng đang ở mức 667 USD/tấn; giá phân MAP Brazil giảm 5 USD/tấn và ở mức 615 - 630 USD/tấn (giá CFR) do giá thầu và chỉ định thấp hơn.
Với phân đạm ure, giá phân bón này ở thời điểm hiện tại đang giữ ở mức ổn định sau nhiều tuần giảm vì nhu cầu thấp. Hiện giá ure Trung Quốc ở mức 350 - 357 USD/tấn (giá Fob), giá ure Mỹ (tại cảng Nola) ở mức 320 USD/tấn (giá Fob). Đây là mức giá ure thấp kỷ lục nếu so với mức kỷ lục 700 USD/tấn Fob cho hàng giao tháng 12/2021.
Hiện nguồn cung ure suy yếu tại Trung Đông và Iran. Trên thị trường, giá giảm vẫn là xu thế chính tại khu vực Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Theo dự báo của nhiều nhà cung cấp phân bón, trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá thấp hơn nữa sẽ khó tránh khỏi trong bối cảnh dư cung và nhu cầu suy yếu trong mùa xuân đối với hầu hết khu vực bán cầu bắc.
Ở thị trường Việt Nam, khảo sát thực tế tại thị trường phía Nam cho thấy, chiều 21/3 nhà sản xuất đạm Cà Mau đã thông báo giá giá ure đạm trắng tại nhà máy/kho trung chuyển các khu vực đã giảm 400 đồng/kg so với ngày 8/3 và xuống mức 9.600 đồng/kg. Tuy nhiên, tại khu vực như Tây Nam Bộ, khách hàng phải mua kết hợp với sản phẩm NPK theo tỷ lệ 2 ure trắng 1 NPK.
Một số nhà phân phối và đại lý đã chào bán ure Cà Mau tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ xuống gần mức giá lệnh 9.600 - 9.700 đồng/kg không phải mua cùng hàng NPK nhưng giao hàng sau; trong khi có một số thương nhân vẫn giữ giá ở mức 9.900 - 10.000 đồng/kg (không mua cùng NPK) giao hàng ngay. Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ chào bán ra ure Cà Mau với giá bán ra ở mức 9.900 - 10.200 đồng/kg. Tại Sài Gòn và Bình Dương, chào giá ure Cà Mau đã giảm xuống mức 9.500 - 9.600 đồng/kg.
Đối với Đạm Phú Mỹ, các thương nhân và đại lý chào giá ure giảm nhẹ từ 50 - 150 đồng/kg. Tại TP Hồ Chí Minh, Long An, chào giá ure Phú Mỹ hiện ở mức 9.100 - 9.300 đồng/kg. Tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, chào giá ure Phú Mỹ hiện ở mức 9.300 - 9.400 đồng/kg. Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ chào bán ra ure Phú Mỹ ở mức 9.400 - 9.700 đồng/kg.
Đối với hàng nhập khẩu, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà nhập khẩu chào bán ure Brunei hạt đục với mức giảm so với các tuần trước đó và dao động ở mức 9.300 - 9.400 đồng/kg; ure Indonesia hạt đục ở mức 9.400 đồng/kg.
Ở thị trường phía Bắc, giá ure Ninh Bình hàng thương mại tại nhà máy dao động trong khoảng 8.700 - 9.200 đồng/kg. Chào giá ure Ninh Bình hàng nguyên liệu tại nhà máy ở mức 8.600 - 8.650 đồng/kg; giao về kho đại lý tại Bắc Giang ở mức 8.800 đồng/kg. Đối với ure Hà Bắc, các nhà phân phối chào giá ure Hà Bắc sang tay tại nhà máy ở mức 9.100 - 9.250 đồng/kg.
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu sạ lúa Hè Thu nhưng diện tích chưa gia tăng đáng kể nên nhu cầu phân bón, nhất là phân đạm ure cho sản xuất vẫn thấp. Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp sản xuất phân bón, tổng nguồn cung ure trong tháng 3 có thể sẽ đạt 624 - 649 nghìn tấn, tăng 43 nghìn tấn so với tháng 2 và là mức cao nhất từ tháng 6/2020 đến nay. Dự kiến, tình trạng cung lớn hơn cầu vẫn tiếp diễn nên các nhà sản xuất, thương nhân và đại lý sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực về chào giá trong bối cảnh giá ure thế giới vẫn giữ xu hướng đi xuống.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ. Nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, nhất là đạm ure.
Giá gas hôm nay 3/4 giảm
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12kg và giảm 217.500 đồng/bình 45kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12kg và 1.567.670 đồng/bình 45kg.
Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12kg.