• Đồng USD tiếp tục tăng khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ được cải thiện
• Đồng yên giảm khi lợi suất trái phiếu Nhật Bản giảm
Đồng USD tăng trong phiên thứ Ba nhờ dữ liệu niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cải thiện, trong khi đồng yên chịu áp lực giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Nhật Bản giảm.
"Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi thị trường trái phiếu toàn cầu và gần đây nhất là những gì chúng ta đã thấy ở Nhật Bản", Eric Theoret, chiến lược gia ngoại hối tại Scotiabank ở Toronto cho biết.
Bloomberg hôm thứ Ba đưa tin Bộ Tài chính Nhật Bản đã gửi một bảng câu hỏi cho những người tham gia thị trường về vấn đề phát hành trái phiếu và tình trạng thị trường hiện tại. Nhật Bản sẽ xem xét cắt giảm phát hành trái phiếu siêu dài hạn sau khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh gần đây.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu siêu dài hạn gần đây tăng đột biến lên mức kỷ lục do nhu cầu giảm từ những người mua truyền thống như các công ty bảo hiểm nhân thọ và sự lo lắng của thị trường toàn cầu về mức nợ liên tục tăng.
Đồng USD kết thúc phiên tăng 1% lên 144,28 Yên; đồng euro giảm 0,46% xuống 1,1335 USD.
Đồng bạc xanh tiếp đà tăng từ phiên trước sau khi dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2025 tốt hơn nhiều so với dự kiến của các nhà kinh tế.
Tuần này sẽ có một số dữ liệu kinh tế Mỹ, bao gồm chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong tháng 4, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang.
Trong khi đó, đồng euro bị ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy lạm phát của Pháp tháng 5/2025 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật đã hủy bỏ cảnh báo áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu của Liên minh Châu Âu, động thái này đã thúc đẩy gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro.
Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu đã yêu cầu các công ty và giám đốc điều hành hàng đầu của EU nhanh chóng cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch đầu tư của họ tại Mỹ, khi Brussels chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại với Washington.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nhận định, về lâu dài, lập trường gia tăng bảo hộ nền kinh tế trong nước của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá cho đồng bạc xanh, khiến USD sẽ suy yếu trong trung và dài hạn.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde hôm thứ Hai cho biết đồng euro có thể trở thành một sự thay thế khả thi cho đồng USD.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi việc thông qua dự luật chi tiêu và thuế thông qua Quốc hội Mỹ, dự kiến sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nợ.
Ở những nơi khác, đồng USD tăng 0,77% lên 0,827 franc Thụy Sĩ.
Chủ tịch SNB Martin Schlegel hôm thứ Ba cho biết lạm phát của Thụy Sĩ có thể rơi vào mức âm trong những tháng tới, nhưng điều này không nhất thiết sẽ khiến Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có động thái phản ứng.
• Tài sản của Mỹ Latinh tăng mạnh nhờ lạc quan về thương mại
• Cổ phiếu của Mỹ Latinh tăng 0,8%, tiền tệ tăng 0,1%
• Argentina có kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 1 tỷ USD trả bằng peso
• Lạm phát của Brazil tăng 0,36% trong tháng tính đến giữa tháng 5
Hầu hết các tài sản của Mỹ Latinh đều tăng vào thứ Ba, phù hợp với tâm lý lạc quan về thương mại toàn cầu.
Chỉ số chứng khoán của Brazil đạt mức cao kỷ lục và tăng 1% sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giảm tăng dự kiến trong tháng tính đến giữa tháng 5. Đồng real của Brazil tăng 0,4% so với USD. Ngân hàng trung ương đã tổ chức một cuộc đấu giá lên tới 1 tỷ USD với một thỏa thuận mua lại.
Chỉ số MSCI cổ phiếu của khu vực tăng 0,8% lên mức cao nhất kể từ tháng 9, trong khi chỉ số giá tiền tệ khu vực tăng 0,1%.
Chỉ số chứng khoán và tiền tệ chính của Mỹ Latinh:

• Giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp
• Biên bản cuộc họp của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư
Giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp khi tâm lý chuộng tài sản rủi ro được cải thiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn thuế đối với Liên minh châu Âu.
Vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 3.302,10 USD/ounce, sau khi tăng gần 5% vào tuần trước; vàng giao sau giảm 1,9% xuống 3.300,40 USD.
Giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 33,21 USD/ounce, bạch kim giảm 0,1% xuống 1.084,02 USD và palladium giảm 1,2% xuống 975,49 USD.
"Giá vàng biến động mạnh vì chúng ta liên tục thấy những thay đổi về mặt thuế quan. Hiện tại, thị trường có thể có ấn tượng rằng sẽ có một thỏa thuận và điều đó đang gây áp lực lên vàng", Bart Melek, giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết.
EU cho biết một cuộc điện thoại vào cuối tuần giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đứng đầu EU Ursula von der Leyen đã tạo ra "động lực mới" cho các cuộc đàm phán thương mại, sau khi Trump hủy bỏ lời cảnh báo áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu vào tháng tới.
Đồng USD mạnh lên và chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh. Đồng USD tăng giá và tâm lý quay lại tài sản rủi ro của các nhà đầu tư đã gây sức ép lên vàng, một tài sản được định giá bằng USD thường được ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari kêu gọi giữ nguyên lãi suất cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn về tác động của thuế quan cao hơn đối với lạm phát.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư. Các dữ liệu kinh tế chính của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này bao gồm ước tính GDP quý đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số giá PCE cốt lõi.
"Quan điểm của chúng tôi về việc giá vàng dài hạn sẽ tăng vẫn không thay đổi. Ngay khi thị trường tin rằng Fed sẽ cắt giảm (lãi suất), vàng sẽ bắt đầu tăng giá", Melek nói thêm.
• Giá dầu giảm khi các phái đoàn Iran và Mỹ kết thúc vòng đàm phán thứ năm
• Các nguồn tin cho biết OPEC+ tuần này sẽ nhất trí tăng sản lượng dầu vào tháng 7
Giá dầu giảm 1% vào thứ Ba khi các nhà đầu tư lo ngại về tình trạng dư cung sau khi các phái đoàn Iran và Mỹ đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán và kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng tại một cuộc họp trong tuần này.
Giá dầu thô Brent lúc kết thúc giao dịch giảm 65 cent, tương đương 1%, xuống 64,09 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giảm 64 cent, tương đương khoảng 1,04%, xuống 60,89 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC+, dự kiến sẽ không thay đổi chính sách tại cuộc họp vào thứ Tư.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp khác vào thứ Bảy, có khả năng họ sẽ nhất trí tăng sản lượng dầu thêm nữa trong tháng 7, thông tin từ ba đại diện từ nhóm này cho biết.
Trong khi đó, các phái đoàn Iran và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ năm tại Rome vào tuần trước. Mặc dù có dấu hiệu tiến triển hạn chế, nhưng vẫn còn nhiều điểm bất đồng khó có thể phá vỡ, đáng chú ý là vấn đề làm giàu uranium của Iran.
"OPEC+ cũng họp vào tuần tới với dự đoán họ thể sẽ nhất trí tăng thêm sản lượng, nếu điều này xảy ra, sẽ là lực cản lớn trong ngắn hạn đối với dầu thô, đặc biệt là nếu Iran tăng thêm dầu trong thỏa thuận có thể có (của Mỹ)", Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial cho biết.
Nếu các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran thất bại, điều đó có thể có nghĩa là các lệnh trừng phạt tiếp tục đối với Iran, điều này sẽ hạn chế nguồn cung dầu của Iran, trong khi bất kỳ giải pháp nào cũng có thể bổ sung thêm nguồn cung của Iran vào thị trường.
Cũng về phía cung, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước ước tính tăng khoảng 500.000 thùng, theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters vào thứ Ba.
• Giá đồng giảm do lo ngại bất ổn gia tăng và USD mạnh lên
• Giá quặng sắt tiếp tục giảm
Giá đồng giảm do USD mạnh lên và bất ổn về thuế quan của Mỹ, giảm từ mức mạnh nhất trong gần hai tuần sau những vấn đề dai dẳng tại một mỏ lớn ở Congo.
Giá đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,2% xuống 9.595,50 USD/tấn, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 5 là 9.640 USD. Hợp đồng đồng kỳ hạn tương lai trên sàn Comex của Mỹ giảm 2% xuống 4,74 USD/lb, đưa mức chênh lệch so với đồng LME lên 855 USD/tấn. Hợp đồng đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải giảm 0,08% xuống 78.210 nhân dân tệ (10.878,36 USD) một tấn.
"Chúng tôi chỉ không biết thuế quan sẽ đi theo hướng nào, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu sẽ diễn ra như thế nào", chiến lược gia hàng hóa Nitesh Shah của WisdomTree cho biết.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ cảnh báo áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu từ tháng tới đã tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán thương mại, EU cho biết vào thứ Hai.
Đồng USD tăng cũng gây sức ép lên thị trường, khiến tài sản được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, nhu cầu của người dùng đầu cuối đang dần chậm lại và các yếu tố cơ bản có thể suy yếu khi nhu cầu đồng sắp đến mùa thấp điểm, công ty tư vấn Everbright Futures của Trung Quốc cho biết.
Trong số các kim loại khác trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,9% lên 2.484,50 USD/tấn và kẽm tăng 0,1% lên 2.704 USD, trong khi chì giảm 0,4% xuống 1.983 USD, niken giảm 1,2% xuống 15.400 USD và thiếc giảm 1% xuống 32.500 USD.
Giá quặng sắt giảm phiên thứ ba liên tiếp trong bối cảnh thị trường lại có thông tin quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc - cắt giảm sản lượng thép thô, mặt hàng vốn đã chịu ảnh hưởng từ lâu do tình trạng dư thừa công suất.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 1,76% xuống 698,5 nhân dân tệ (97,16 USD) một tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2025 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,95% xuống 96,15 USD/tấn.
Vào thứ Ba, Tang Zujun, phó chủ tịch Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, đã phát biểu tại một sự kiện của ngành tại Singapore rằng Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát việc mở rộng ngành thép của mình để giải quyết tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu.
"Những đồn đoán mới xung quanh việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thô đã làm dấy lên lo ngại trên thị trường quặng sắt", các nhà phân tích của ANZ cho biết. Việc cắt giảm sản lượng thép có thể làm giảm nhu cầu quặng sắt, một thành phần chính trong sản xuất thép.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tốc vào tháng 4, báo hiệu khả năng phục hồi kinh tế.
• Giá lúa mì giảm do mưa ở các khu vực trồng trọt của Mỹ
• Giá đường giảm
• Giá cà phê dao động trái chiều
• Giá cao su tăng
Giá lúa mì trên sàn Chicago giảm phiên thứ ba liên tiếp do có mưa ở các vùng đồng bằng trồng lúa mì của Mỹ giúp cải thiện độ ẩm cho cây trồng, củng cố kỳ vọng về nguồn cung.
Giá ngô cũng giảm nhưng đà giảm được hạn chế bởi sự phục hồi của đồng USD và triển vọng mùa màng thuận lợi ở Brazil, trong khi đậu tương tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế quan lên hàng hóa Liên minh châu Âu. Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro tăng dự báo về vụ mùa 2024/2025 của Brazil.
Kết thúc phiên, giá lúa mì trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) giảm 14 xu xuống 5,28-1/2 USD/bushel, giảm xa khỏi với mức cao nhất một tháng của tuần trước. Lúa mì đã tăng giá vào tuần trước do lo ngại về thời tiết bất lợi.
Giá đậu tương tăng 2-1/4 cent, kết thúc phiên giao dịch ở mức 10,62-1/2 USD/bushel và ngô kết thúc phiên giao dịch ở mức 4,59-1/2 USD/bushel.
Giá đường giảm do dự đoán nguồn cung tăng trong khi nhu cầu mới không tăng; đường thô giảm 0,07 cent, hay 0,4%, xuống 17,22 cent/lb. Đường trắng cũng giảm 0,2% xuống 482,60 USD/tấn.
Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, bước vào mùa mưa, lượng mưa tăng lên có thể dẫn đến xuất khẩu tăng.
"Giá đường thô đang mất đà trong bối cảnh thiếu hỗ trợ nhu cầu mới và Brazil đang trong mùa sản xuất đường, nhà phân tích đường Claudiu Covrig cho biết. "Những người bán khống đang xem xét bán trước khi giá giảm xuống dưới 17 US cent, trong khi các thông số kỹ thuật cho thấy giá có thể sẽ giảm xuống 16,5-17 US cent."
Các nhà phân tích được S&P Global Commodity Insights thăm dò ước tính sản lượng đường trung bình là 2,29 triệu tấn, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê Arabica tăng 0,7 US cent, hay 0,2%, lên 3,617 USD/lb, tăng từ mức thấp nhất một tháng của phiên trước là 3,5525 USD. Giá cà phê Robusta giảm 2% xuống 4.696 USD/tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Ba, được hỗ trợ bởi lo ngại về nguồn cung trong nước bị thắt chặt trong bối cảnh lượng hàng tồn kho tương đối thấp, trong khi sự phục hồi trên thị trường Thượng Hải và đồng yên yếu hơn cũng hỗ trợ.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 8,7 yên lên 325,9 yên (2,3 USD)/kg. Giá tăng 2,4% so với giá kết thúc phiên giao dịch của hợp đồng tháng 10 vào thứ Hai, vốn được dùng làm chuẩn cho đến thời điểm đó.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 125 nhân dân tệ lên 14.495 nhân dân tệ (2.015 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn giao dịch Singapore tăng 0,5% lên 170,1 US cent/kg.
Dữ liệu chính thức cho thấy lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tốc vào tháng 4, tạo cho các nhà hoạch định chính sách lý do để lạc quan rằng các nỗ lực kích thích gần đây đang giúp duy trì nền kinh tế bất chấp căng thẳng thương mại với Mỹ.
Doanh số bán ô tô của Tesla tại Châu Âu đã giảm 49% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh số bán ô tô điện chạy bằng pin tăng 27,8%, vì việc nhà sản xuất xe điện của Mỹ nâng cấp Model Y cho thấy ít dấu hiệu phục hồi vận may của thương hiệu này trong khu vực.
