Các nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể khiến giá hàng hóa tăng lên, từ đó làm giảm nhu cầu và khả năng dẫn tới suy thoái toàn cầu, khiến nhu cầu hàng hóa giảm xuống.

• Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm

• Các chỉ số đều giảm: Dow 0,84%, S&P 500 1,57%, Nasdaq 2,15%. S&P 500 thấp nhất gần 1 năm
• Mức giảm 4 phiên của S&P 500 nhiều nhất kể từ khi ra mắt (1950)
• Các ngân hàng lớn sẽ bắt đầu mùa báo cáo kết quả doanh thu vào cuối tuần này
Các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt giảm vào thứ Ba khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng.
Mỹ cho biết mức thuế 104% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm. Tin tức này đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng, gây áp lực khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm.
Các công ty S&P 500 đã mất 5,8 nghìn tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán kể từ Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế vào cuối thứ Tư tuần trước, mức giảm 4 ngày sâu nhất kể từ khi chỉ số này được tạo ra vào những năm 1950, theo dữ liệu của LSEG.

Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2022 vào thứ Ba khi lợi suất dài hạn tăng vọt do lo ngại về nguồn cung.

Trên Phố Wall, S&P 500 đóng cửa dưới 5.000 điểm lần đầu tiên sau gần một năm. Đầu phiên, cổ phiếu đã tăng mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan rằng Washington có thể sẵn sàng đàm phán về một số mức thuế quan mạnh tay của mình.

Chỉ số biến động Cboe .VIX tăng phiên thứ tư liên tiếp và đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2020.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang đàm phán các hiệp định thương mại với các quốc gia, bao gồm Nhật Bản, và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết các cuộc thảo luận là kết quả của nhiều cuộc gọi từ các quốc gia khác.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 320,01 điểm, tương đương 0,84%, xuống 37.645,59, S&P 500 giảm 79,48 điểm, tương đương 1,57%, xuống 4.982,77 và Nasdaq Composite giảm 335,35 điểm, tương đương 2,15%, xuống 15.267,91.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu trên toàn cầu giảm 2,52 điểm, tương đương 0,34%, xuống 742,96. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 2,72%.
Các nhà đầu tư đang hướng đến báo cáo thu nhập quý 1 của các doanh nghiệp Mỹ vào tuần này. Thị trường lạc quan kết quả kinh doanh lạc quan có khả năng là chất xúc tác hỗ trợ cổ phiếu.
JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố kết quả vào thứ Sáu. Giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon đã cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài, bao gồm lạm phát và suy thoái.

Trên thị trường trái phiếu Kho bạc, đường cong giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ tăng mạnh lên 57 điểm cơ bản, vì hai kỳ hạn này di chuyển ngược hướng trong một ngày giao dịch đầy biến động.

• Euro tăng sau khi có thông tin các đảng phái Đức đạt được thỏa thuận thành lập liên minh

• Nhân dân tệ giảm giá
• Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ tăng do nhu cầu trú ẩn an toàn
Đồng Euro tăng vào thứ Ba sau khi có báo cáo rằng các đảng phái chính trị Đức đã đồng ý thành lập liên minh, trong khi đồng USD suy yếu so với các loại tiền tệ chính và đồng nhân dân tệ Trung Quốc ở nước ngoài của giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Reuters dẫn nguồn NTV đưa tin các thành viên đảng bảo thủ của Đức dưới thời thủ tướng tương lai Friedrich Merz hôm thứ Ba đã đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả để thành lập chính phủ, NTV đưa tin.
Các nhà đầu tư tiếp tục tập trung theo dõi cuộc chiến thuế quan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chương trình thuế quan toàn diện, làm chao đảo các thị trường trong 3 phiên vừa qua.

Đồng euro đã tăng 0,52% lên 1,0958 USD sau khi giảm trong hai ngày trước đó.

Tuy nhiên, đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn, vì các nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu giao dịch vào năm 2010, ởlà 7,3815 nhân dân tệ đổi một USD. Kết thúc phiên, đồng tiền này vẫn giảm 1,05% so với đồng bạc xanh xuống còn 7,423 đổi một USD.
Đồng USD đã giảm 1% xuống còn 146,30 yên so với đồng yên Nhật và giảm 1,48% xuống còn 0,84780 franc so với đồng franc Thụy Sĩ.
Marvin Loh, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại State Street ở Boston, cho biết đồng USD hoạt động kém hiệu quả so với các đồng tiền khác một phần là do lo ngại về suy thoái kinh tế khi đối mặt với thuế quan.
Các loại tiền tệ thường tăng giá khi thị trường chứng khoán tăng cũng phục hồi, với đồng bảng Anh tăng 0,44%. Đồng đô la Australia giảm 0,36%. Cả hai loại tiền tệ đều giảm trong hai phiên trước đó.
Chỉ số USD, đo lường đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ bao gồm đồng yên và đồng euro, đã giảm 0,48% xuống còn 102,92. Chỉ số USD đã giảm khoảng 0,7% kể từ khi ông Donald Trump công bố mức thuế quan vào ngày 2 tháng 4, vì các nhà đầu tư đã cân nhắc tác động đến nền kinh tế Mỹ so với vai trò điển hình của đồng tiền này như một lá chắn trước sự suy thoái của thị trường.

• Vàng trở lại trên 3.000 USD/ounce

• Thị trường tập trung theo dõi biên bản cuộc họp của Fed, công bố vào thứ Tư
• Palladium giảm hơn 1%
Giá vàng tăng mạnh vào đầu phiên thứ Ba do lo ngại về cuộc chiến thương mại và đồng USD yếu đi, sau đó hạ nhiệt vào cuối phiên khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Giá vàng giao ngay tăng 1,3% vào lúc mở cửa, đạt 3020,3 USD/ounce, sau đó giảm về cuối phiên, nhưng vẫn tăng 0,1% so với phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 0,5% lên 2.990,20 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 29,86 USD/ounce, bạch kim tăng 0,2% lên 914,83 USD và palladium giảm 1,3% xuống 906,75 USD.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một tuần, khiến vàng không lãi suất trở nên kém hấp dẫn hơn.
"Mặc dù giảm trong ba phiên liên tiếp, vàng vẫn tăng giá khi căng thẳng thương mại và triển vọng lãi suất của Mỹ giảm làm tăng sức hấp dẫn của vàng", Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM cho biết.
"Sau khi vượt qua mức 3.055 USD một cách bền vững thì có thể mở ra cánh cửa trở lại mức 3.100 USD và 3.130 USD. Nếu giá giảm xuống dưới 3.000 USD lâu dài có thể khiến vàng trượt xuống mức 2.950 USD và 2.930 USD", ông Otunuga nói.
Mối lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng thuế quan qua lại vào ngày 2/4 đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trong các tài sản an toàn như vàng.
Mỹ sẽ áp thuế 104% đối với Trung Quốc từ 12:01 sáng theo giờ miền Đông vào thứ Tư theo giờ địa phương, một quan chức Nhà Trắng cho biết sau khi Bắc Kinh không dỡ bỏ thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ vào trưa thứ Ba theo thời hạn do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra.
Vàng, thường được sử dụng như một kho lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng 15% trong năm nay.
Trong khi đó, chỉ số USD giảm so với các đối thủ của mình, khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ công bố vào thứ Tư để biết thêm manh mối về lộ trình cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch đang nhận định có khoảng 40% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5. Vàng thỏi không có lợi suất có xu hướng phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp.
• Dầu giảm 1 USD xuống mức thấp nhất bốn năm khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng
• Goldman Sachs dự báo giá Brent, WTI có thể lần lượt đạt 62 USD và 58 USD vào tháng 12 năm 2025
• Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Iran sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân tại Oman
Giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng vào thứ Ba xuống mức thấp nhất trong bốn năm khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái do gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá dầu Brent giảm 1,39 USD, tương đương 2,16%, xuống 62,82 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giảm 1,12 USD, tương đương 1,85%, xuống 59,58 USD.
Cả hai loại dầu đều đã giảm giá 16% kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ áp thuế 104% đối với Trung Quốc từ 12:01 sáng thứ Tư theo giờ miền Đông Mỹ (0401 giờ GMT), tăng thêm 50% thuế quan sau khi Bắc Kinh không dỡ bỏ thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ trước thời hạn là trưa thứ Ba do Tổng thống Donald Trump đặt ra.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ không khuất phục trước Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thêm 50% thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc nếu nước này không dỡ bỏ mức thuế trả đũa 34%.
Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent và WTI sẽ lần lượt là 62 USD và 58 USD/thùng vào tháng 12 năm 2025 và lần lượt là 55 USD và 51 USD một năm sau đó, theo các kịch bản khác nhau.
Vào thứ Hai, Trump đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng Mỹ và Iran sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho biết các cuộc thảo luận sẽ diễn ra gián tiếp. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết vào thứ Ba rằng Iran có thể phải chịu các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn nếu không đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump về chương trình hạt nhân của mình.
• Giá kim loại cơ bản giảm khi thuế nhập khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác tăng
• Giá quặng sắt thấp nhất gần 5 tháng do căng thẳng thuế quan Trung-Mỹ
Giá đồng và nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm khi hy vọng về các cuộc đàm phán nhanh chóng về thuế quan giữa Mỹ và các quốc gia khác đã phai nhạt sau khi một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ áp thuế 104% đối với Trung Quốc trong vòng vài giờ.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn LME giảm 2,2% xuống 8.539,50 USD/tấn.
Kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng này đã giảm 12% kể từ khi Tổng thống Donald Trump thông báo "thuế quan qua lại" vào tuần trước khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh.
Theo Citi, thuế quan tăng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý tiêu thụ đồng và sản xuất toàn cầu trong quý 2.
Tổng thống Donald Trump đã áp dụng mức thuế 10% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và nhắm mục tiêu áp thuế lên tới 50% đối với nhiều đối tác thương mại.
Nhà Trắng cũng cho biết gần 70 quốc gia đã liên hệ để bắt đầu đàm phán về mức thuế của Mỹ, nhưng mức thuế quan có đi có lại sẽ tiếp tục có hiệu lực khi các thỏa thuận được đàm phán.
Đồng không nằm trong mức thuế quan có đi có lại nhưng phải chịu một cuộc điều tra riêng đang diễn ra về khả năng áp dụng mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME giảm 1,4% xuống 2.338 USD/tấn. Nhôm, kim loại chịu mức thuế nhập khẩu 25% của Mỹ, đã giảm trong 14 phiên liên tiếp và giảm 12% kể từ ngày 19 tháng 3.
Trong các kim loại khác, thiếc giảm 5,0% xuống còn 32.200 USD/tấn khi tiếp tục bắt kịp với mức giảm của các kim loại cơ bản kahcs.
Mối lo ngại về nguồn cung thiếc trong ngắn hạn đã giảm bớt sau khi dữ liệu LME hàng ngày cho thấy tổng lượng dự trữ đã tăng lên 3.435 tấn với 500 tấn được giao đến các kho hàng ở Malaysia. Giá kẽm giảm 2,5% xuống còn 2.547,50 USD/tấn, mức thấp nhất trong một năm, chì giảm 0,1% xuống còn 1.865,50 USD và niken giảm 1,1% xuống còn 14.190 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai giảm phiên thứ ba liên tiếp do căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc, mặc dù nhu cầu tăng theo mùa vụ khi giai đoạn xây dựng cao điểm rơi vào tháng 4.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 3,15% xuống còn 738,5 nhân dân tệ (100,73 USD) một tấn.
Đầu phiên, giá đã chạm mức 735,5 nhân dân tệ, thấp nhất kể từ ngày 19/11/2024.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Singapore giảm 3,14% xuống còn 94,55 USD/tấn.
Theo công ty môi giới Hexun Futures, mức thuế cao hơn dự kiến của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về thép trong ngành sản xuất, trong khi triển vọng chung về nhu cầu toàn cầu đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, tổng sản lượng tinh quặng sắt của các doanh nghiệp khai khoáng trong nước đã đạt mức cao nhất trong chín tháng, theo dữ liệu hàng tuần từ công ty tư vấn Mysteel của Trung Quốc.
Hầu hết các chuẩn mực thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đều giảm. Thép cây giảm gần 1,3%, thép cuộn cán nóng giảm 1,9%, thép không gỉ giảm 1,2% và thép dây giao dịch không đổi.
• Giá ngô, lúa mì và đậu tương đều tăng
• Giá đường, cà phê, cacao, cao su giảm
Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng vào thứ Ba, phục hồi từ mức thấp nhất trong bốn tháng, trong khi giá ngô và lúa mì cũng tăng khi các nhà giao dịch chuyển sự chú ý sang dữ liệu Bộ Nông nghiệp Mỹ sắp công bố và lo ngại về thời tiết.
Đồng USD yếu đi cũng khiến các mặt hàng do đồng USD chi phối trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó củng cố giá hợp đồng kỳ hạn tương lai.
Hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng 9-3/4 US cent lên 9,92-3/4 USD/bushel; hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/12 vào thứ Hai trước khi tăng trở lại vào lúc đóng cửa. Giá ngô tăng 4-1/2 cent lên 4,69 USD/bushel và lúa mì tăng 3-1/2 cent lên 5,40 USD/bushel.
Giá đường thô giảm 0,37 cent, hay 2%, xuống 18,31 cent/lb, trước đó đã chạm mức thấp nhất trong một tháng là 18,26. Đường trắng giảm 2% xuống 523,20 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng là 523,00 USD.
"Giá đường kỳ hạn tương lai suy yếu trong tuần và tiếp tục giảm hôm nay, khi cuộc chiến thuế quan vẫn tiếp diễn, nhu cầu vẫn ở mức thấp và dự kiến sẽ có khối lượng nguồn cung đáng kể từ Brazil trong những tháng tới", các nhà phân tích độc lập CovrigAnalytics cho biết.
Giá cà phê cũng giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về rủi ro suy thoái sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan toàn diện.
Cà phê Robusta kỳ hạn tương lai kết thúc phiên hầu như không thay đổi ở mức 4.794 USD/tấn, nhưng trước đó đã chạm mức thấp nhất trong bốn tháng là 4.740 USD. Cà phê arabica giảm 1,9 US cent, hay 0,6%, xuống 3,429 USD USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Hai.
Một công ty thương mại cà phê quốc tế cho biết các nhà rang xay cà phê Mỹ đã mua cà phê từ các quốc gia phải đối mặt với mức thuế quan cao như Việt Nam, Indonesia và Nicaragua nên cân nhắc "nói chuyện với khách hàng của họ về các lựa chọn khác". "Có vẻ như môi trường thương mại toàn cầu khó khăn hơn sẽ tiếp diễn", công ty thương mại này cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng.
Giá ca cao đã chạm mức thấp nhất 5 tháng vào thứ Ba do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về rủi ro suy thoái sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan toàn diện, mặc dù một số người hy vọng rằng điều đó có thể được đàm phán.
Mỹ đã lên lịch đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản, và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ đến thăm vào tuần tới, nhưng Washington đã ra tín hiệu áp thuế thậm chí còn cao hơn đối với Trung Quốc.
Ca cao trên sàn London giảm 235 bảng Anh, tương đương 3,9%, xuống còn 5.779 GBP/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11/11/2024, là 5.625 GBP. Ca cao trên sàn New York giảm 298 USD, hay 3,7%, xuống 7.755 USD/tấn, sau khi giảm 6,1% vào lúc đóng cửa hôm thứ Hai.
Các đại lý cho biết ca cao vẫn bị chi phối bởi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù thị trường vẫn lo ngại về vụ thu hoạch tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất cacao hàng đầu thế giới. Bờ Biển Ngà sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 21% của Mỹ. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình tại hầu hết các vùng trồng ca cao chính của Bờ Biển Ngà vào tuần trước, nông dân nước này cho biết.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn một năm bởi những lo ngại về nguồn cung do thời tiết xấu đi ở quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới - Thái Lan.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên tăng 5,9 yên, hay 2,01%, lên 299,9 yên (2,04 USD)/kg.
Hợp đồng cao su tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 650 nhân dân tệ, hay 4,17%, xuống còn 14.930 nhân dân tệ (2.036,39 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Singapore tăng 0,9% lên 164,6 US cent/kg.
Hợp đồng cao su butadien kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch SHFE giảm 630 nhân dân tệ, hay 5,02%, xuống 11.925 nhân dân tệ (1.626,52 USD)/tấn.
Về phía cung, cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo về khả năng thiệt hại mùa màng từ ngày 12 đến 14 tháng 4, với khả năng bùng phát các cơn bão mùa hè.

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)