Song, nhờ tính chất 2 chiều của thị trường, nhà đầu tư vẫn có thể gia tăng lợi nhuận ngay cả khi giá giảm, dòng tiền vẫn có sự gia tăng, nhất là đối với nhóm Năng lượng và Nông sản – hai thị trường yêu thích của nhà đầu tư Việt Nam. Giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng hơn 7% lên 4.500 tỷ đồng trong ngày hôm qua.
Thị trường kim loại đỏ lửa trước sự suy yếu của ngành bất động sản
Tất cả 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa ngày 03/08 trong sắc đỏ. Trong đó, hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đều suy yếu tương đối mạnh. Cụ thể, bạc ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp và đánh mất mốc 20 USD/ounce sau khi giảm 1,22% giá trị. Bạch kim cũng kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, đóng cửa với mức suy yếu 1,82% xuống còn 885,5 USD/ounce.
Những dữ liệu kinh tế mới nhất tại Mỹ được công bố vào tối qua cho thấy bức tranh tương đối tích cực, đã gây áp lực tới vai trò trú ẩn của kim loại quý. Số đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 6 của Mỹ bất ngờ tăng 2% so với tháng trước, cao hơn dự báo 1,1%. Chỉ số PMI phi sản xuất của Viện quản lý cung ứng (ISM) cũng đã phục hồi thêm 3,4 điểm, lên mức 56,7 vào tháng 7. Sự lạc quan hơn về nền kinh tế của các nhà đầu tư đã làm hạn chế nhu cầu nắm giữ bạc và bạch kim như một tài sản trú ẩn, dòng tiền cũng quay lại các thị trường đầu tư. Bên cạnh đó, những bình luận của Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang St. Louis khẳng định cam kết mạnh mẽ trong vấn đề thắt chặt tiền tệ và tiếp tục gây sức ép tới giá kim loại quý, vốn nhạy cảm với các thông tin về lãi suất.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX đã có ngày trượt giá thứ 3 liên tiếp. Mức giảm 1,46% đã đưa đồng về vùng giá 3,46 USD/pound bất chấp các dấu hiệu về nguồn cung đang thu hẹp gần. Theo hãng tin Mining.com, dữ liệu từ vệ tinh giám sát các nhà máy chế biến kim loại cho thấy, hoạt động nấu chảy đồng toàn cầu đã nối dài đà trượt dốc từ tháng 7 do sự suy yếu trong các hoạt động của nhà tinh chế đồng hàng đầu Trung Quốc và khu vực khai thác lớn nhất Nam Mỹ. Chỉ số phân tán đồng toàn cầu, một thước đo hoạt động của nhà máy luyện, đã giảm xuống mức 46,5 trong tháng 7 từ 46,7 của một tháng trước đó. Lo ngại về nhu cầu đầu vào của đồng cho hoạt động của các nhà máy suy yếu đã gây áp lực tới giá đồng trong ngày.
Ngoài ra, quặng sắt cũng ghi nhận ngày giảm mạnh 4,13% xuống mức 109,93 USD/tấn trong ngày hôm qua 03/08, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng bất động sản Trung Quốc lấn át các thông tin về sự phục hồi tại các nhà máy thép. Doanh số bán nhà tháng 6 tiếp tục giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng 11 liên tiếp tăng trưởng âm, làm suy yếu nhu cầu sắt thép trong lĩnh vực xây dựng.
Dầu thô lao dốc sau số liệu tồn kho của Mỹ
MXV cho biết, giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua 03/08, trước sức ép nguồn cung tăng lên từ phía Iran và báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Đóng cửa, giá WTI giảm 3,98% xuống 90,66 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,74%, bật khỏi mốc 100 USD/thùng, xuống còn 96,78 USD/thùng.
Thực chất, giá đã có dấu hiệu phục hồi khi thị trường kỳ vọng báo cáo của EIA sẽ cho thấy mức tồn kho dầu thô tại Mỹ không tăng đáng kể, với số liệu của API trong rạng sáng chỉ ra mức tăng tồn kho trong tuần 29/07 khoảng 2,16 triệu thùng. Tuy vậy, thực tế, tồn kho dầu thương mại lại tăng lên đến 4,5 triệu thùng, kết hợp với lực bán kỹ thuật đã đẩy giá dầu giảm mạnh trong phiên tối.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ chững lại ở mức 19,95 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái là một trong các yếu tố gây áp lực lên giá. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô giảm từ 4,5 triệu thùng/ngày xuống 3,5 triệu thùng/ngày cho thấy sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng tại Mỹ. Tồn kho đang có dấu hiệu tăng dần tại Cushing, một trong các kho “trung chuyển” trước khi dầu được chuyển đi xuất khẩu tại khu vực vùng Vịnh Mexico. Đây là điều mà thị trường lo ngại, nhu cầu nội địa của Mỹ chững lại, trong khi xuất khẩu suy yếu, sẽ khiến tồn kho tăng dần.
Ngày hôm qua, cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) kết thúc với mức tăng sản lượng trong tháng 9 ở mức rất khiêm tốn 100.000 thùng/ngày, thấp hơn con số 200.000 thùng/ngày mà giới chuyên gia kỳ vọng, cho thấy khả năng cạn kiệt của OPEC+ trong việc gia tăng sản xuất. Trong tháng 6, chỉ có UAE, Gabon và Algeria đạt hạn ngạch đã đề ra. Tuy vậy, dù mức tăng nhỏ, nhưng kết hợp với các số liệu tiêu cực trong báo cáo của EIA, vẫn khiến cho lực bán gia tăng trên thị trường và khiến giá tiếp tục giảm sau cuộc họp.
Hơn thế nữa, việc Mỹ và Iran thúc đẩy việc hàn gắn thỏa thuận hạt nhân cũng gây sức ép lên giá dầu. Theo MXV, nếu hai nước này đàm phán thành công, nguồn cung dầu cho thị trường sẽ được tăng thêm khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày, và giá các sản phẩm năng lượng nhiều khả năng sẽ giảm sau đó.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)