Nhóm năng lượng tiếp tục dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường với sự lao dốc của các mặt hàng xăng dầu trước một loạt các thông tin về suy thoái kinh tế trên thế giới. Cùng chung diễn biến, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 3 nhóm hàng hoá nguyên liệu còn lại. 8 trên 9 hợp đồng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt đóng cửa suy yếu trong ngày hôm qua.

Dầu thô giảm mạnh trước hàng loạt các rủi ro kinh tế
Dầu thô giảm mạnh trong ngày hôm qua 07/09, khi lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng trên thị trường. Cụ thể, giá WTI giảm 5,69% xuống 81,94 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 5,2% xuống 88 USD/thùng.

Giá dầu liên tục suy yếu từ khi thị trường mở cửa, với sức ép từ số liệu thương mại của Trung Quốc trong tháng 8. Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 12,8% của thị trường, trong khi nhập khẩu chỉ nhích nhẹ 0,3%, so với dự đoán 1,1% của giới phân tích. Thương mại là một trong những trụ cột đóng góp lớn cho kinh tế của Trung Quốc, chiếm khoảng 37% so với GDP. Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu có thể xem là động lực tăng trưởng mạnh của Trung Quốc hiện tại, khi mà sản xuất, đầu tư, tất cả đều đã trên đà giảm sút kể từ vài tháng trước. Kết hợp với nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm 1,1 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu đã đánh mất mốc 90 USD/thùng.

Bên cạnh đó, một loạt các ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất trong tháng 9, với ECB được kỳ vọng sẽ tăng 75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày hôm nay, trong khi Fed sẽ nhóm họp vào ngày 21, và thị trường đang kỳ vọng lần tăng lãi suất 75 điểm tiếp theo. Việc Anh đón thủ tướng mới Liz Truss trong lúc đồng Bảng đang xuống mức thấp nhất kể từ 1985, cũng khiến cho một số kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục được tăng trong thời gian tới để hỗ trợ cho tiền tệ. Tỷ giá xuống quá thấp trong khi kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với khủng hoảng giá năng lượng cao có thể khiến cho tình trạng lạm phát thêm tồi tệ trong thời gian tới. Như vậy, tháng 9 này sức ép về chính sách tiền tệ đồng loạt thắt chặt sẽ là rủi ro lớn nhất đối với giá dầu.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA ngày hôm qua không tạo ra được bước ngoặt nào cho thị trường, khi cơ quan này đưa ra dự báo khá an toàn rằng giá dầu sẽ duy trì xung quanh vùng giá trong tháng 8. Tuy vậy theo cơ quan này, rủi ro giá tăng vẫn còn, bao gồm sự thay đổi trong chính sách sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, cũng như việc kết thúc các chương trình mở kho dự trữ chiến lược.
Rạng sáng nay, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng 3,6 triệu thùng so với dự đoán giảm 0,3 triệu thùng của thị trường, có thể là yếu tố hạn chế lực mua bắt đáy của thị trường.
Cà phê Arabica giảm mạnh trước triển vọng nguồn cung tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 07/09, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh và dẫn đầu xu hướng suy yếu do thời tiết có mưa ở phía Nam của Brazil trong thời gian qua đã phần nào hỗ trợ cho sự phát triển của cây cà phê.
Do việc đón nhận mưa trong thời gian vừa qua tại khu vực phía Nam tại Brazil, thị trường kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp độ ẩm bị thiếu hụt do khô hạn kéo dài trước đó tại các cánh đồng cà phê của nước này, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển của cây cà phê và giảm bớt lo ngại về sụt giảm nguồn cung. Bên cạnh đấy, đồng Dollar Mỹ tiếp tục neo ở mức cao trong phiên hôm qua cũng là nhân tố thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, khiến giá giá Arabica giảm mạnh hơn 3% và Robusta giảm hơn 1%.

Chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc với tỷ lệ tốt – tuyệt vời trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ Crop Progress mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố sáng qua, đạt 35%, tăng nhẹ 1% so với báo cáo trước. Tỷ lệ thặng dư này còn được ghi nhận ấn tượng hơn với mức tăng 2% tại Texas, vùng trồng bông chính của Mỹ. Đồng thời tỷ lệ thâm hụt của độ ẩm tầng đất mặt và tầng đất sâu tại Texas cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với tuần trước, càng khiến cho thị trường trở nên lạc quan hơn về nguồn cung bông tại đây, từ đó thúc đẩy lực bán gia tăng, khiến giá giảm gần 2% trong phiên hôm qua.

Bất chấp việc sản lượng dầu cọ tại Malaysia đang đứng trước nguy cơ sụt giảm do thiếu hụt lao động khiến hàng nghìn tấn dầu cọ tươi rơi vào tình trạng thối rữa, dầu cọ tiếp tục suy yếu với mức giảm gần 3%.
Ở diễn biến khác, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh hơn 5% trong phiên hôm qua cùng với giá xăng dầu nội địa tại Brazil được điều chỉnh giảm lần thứ 4 liên tiếp với mức giảm mạnh 7%, giá đường 11 bất ngờ khởi sắc nhẹ với mức tăng 0,39%. Liên minh Châu Âu (EU), khu vực có sản lượng đường lớn thứ 3 thế giới, dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đường trong niên vụ 22/23 và dự kiến sẽ tăng nhập khẩu đường tinh luyện là chủ yếu, điều này dự kiến sẽ giúp giá đường trắng khởi sắc trong thời gian tới.
Ngành cà phê nước ta có thể thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục mới
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước ta đạt 112,5 nghìn tấn, giảm nhẹ 1,2% so với tháng 07 nhưng tăng 1,7% về kim ngạch, tương đương đạt 266 triệu USD. Luỹ kế trong 8 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 40,4% về giá trị. Với đà tăng trưởng ấn tượng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay đã sớm đạt được. Và thậm chí, ngành cà phê Việt Nam trong năm 2022 có thể sẽ thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục mới 4 tỷ USD nếu giá xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Tháng 11, 12 tới đây, nước ta sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê mới 2022 -23. Những tháng cuối năm, giá cà phê được sự báo sẽ tiếp tục đi lên do nguồn cung từ nông dân đã dần cạn, các doanh nghiệp dù muốn giữ hàng chờ giá tăng cao hơn nhưng cũng chỉ còn chưa đến 500 nghìn tấn cho xuất khẩu. Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động quanh mức 47.500 – 48.100 đồng/kg, ổn định ở vùng giá cao sau ngày tăng rất mạnh trước đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV