Nhóm Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường với toàn bộ 5 mặt hàng xăng, dầu, khí đều đóng cửa tăng giá. Đây cũng là nhóm đón nhận dòng tiền đầu tư lớn nhất thị trường, đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm đến 40% giá trị giao dịch toàn Sở.

Dầu thô tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ số liệu lạm phát tích cực và những lo ngại về nguồn cung
Giá dầu nối dài đà phục hồi sau khi thị trường đón nhận một loạt các tin tức quan trọng cùng với những lo ngại xoay quanh việc phục hồi đường ống dẫn dầu Keystone. Kết thúc phiên 13/12, giá dầu thô WTI tăng 3,03% lên 75,39 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 3,45% và đóng cửa ở mức 80,68 USD/thùng.

Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được công bố, cho thấy sản lượng dầu của nhóm trong tháng 11 giảm 744.000 thùng/ngày xuống 28,83 triệu thùng/ngày, với mức giảm lớn nhất là 404.000 thùng đến từ Saudi Arabia. Đáng chú ý, sản lượng của 10 nước tham gia thỏa thuận đạt 24,48 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức hạn ngạch đã cam kết là 25,42 triệu thùng. Tuy nhiên, số liệu này không thúc đẩy giá dầu tăng quá mạnh, bởi OPEC đã cắt giảm nhu cầu tiêu thụ trong quý IV/2022 và hai quý đầu tiên của năm 2023, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh tế trên thế giới suy yếu.

Giá dầu chỉ thực sự bật tăng mạnh mẽ, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 được công bố tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng. Cụ thể, CPI chung tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với một năm trước đó, nhờ việc giá năng lượng thấp hơn giúp bù đắp chi phí lương thực tăng. Mức tăng của chỉ số CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, lần lượt là 0,2% theo tháng, và tăng 6% theo năm.
Mặc dù mức tăng trưởng CPI theo năm vẫn ở mức cao, tuy nhiên mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong hơn một năm của cả hai chỉ số củng cố cho kỳ vọng rằng lạm phát đã tạo đỉnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Chỉ số Dollar Index giảm về mức 103,98 điểm, thấp nhất kể từ tháng 6 năm nay. Đồng bạc xanh suy yếu thúc đẩy dòng vốn đổ về thị trường dầu khi chi phí kinh doanh và nắm giữ giảm đi. Bên cạnh đó, việc Fed không còn mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm giảm lo ngại suy thoái và cải thiện triển vọng tiêu thụ đối với dầu thô.
Nhà đầu tư cũng dành nhiều sự chú ý đến tình hình đường ống dẫn dầu Keystone sau sự cố rò rỉ dầu từ tuần trước. Những nỗ lực của TC Energy, công ty quản lý đường ống, nhằm khởi động lại một đoạn đường ống bị trì hoãn do thời tiết xấu.
Bên cạnh đó, một số công ty dầu khí hàng đầu thế giới dự kiến cắt giảm tăng trưởng ngân sách đầu tư quốc tế vào năm 2023, làm gia tăng lo ngại rằng năng lực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể đã đạt đỉnh. Hai tin tức này cũng là yếu tố củng cố đà tăng của thị trường dầu trong phiên hôm qua.
Trong sáng nay, Báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 09/12 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 7,8 triệu thùng, trái ngược so với mức dự đoán giảm 3,6 triệu thùng của giới phân tích. Đây cũng là tuần đầu tiên API cho thấy tồn kho tăng sau bốn tuần giảm liên tiếp. Vì thế, thông tin này có thể gây sức ép và kìm hãm đà hồi phục của giá dầu trong sáng nay.
Đà tăng của Arabica điều chỉnh nhẹ khi thị trường tiếp tục kỳ vọng về nguồn cung tích cực hơn tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12, sắc xanh gần như bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Sau phiên tăng “đột biến” gần 6% trước đó, đà tăng của Arabica đã được điều chỉnh nhẹ lại nhờ tác động trái chiều giữa các thông tin cơ bản. Một mặt giá tiếp tục nhận được hỗ trợ từ những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn khi thị trường xuất hiện thông tin Cơ quan cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) có thể hạ dự ước tính sản lượng cà phê của nước này trong báo cáo vào thứ 5 tới. Dù cho mức ước tính hiện tại đã ở mức dự đoán thấp nhất trong 3 lần gần đây. Mặt khác, những triển vọng tích cực hơn về nguồn cung trong niên vụ tới với lượng mưa tích cực trong tuần trước đã gây sức ép khiến đà tăng chậm lại, đóng cửa, Arabica chỉ tăng nhẹ 0,85 cents.
Ở chiều ngược lại, Robusta là mặt hàng duy nhất ghi nhận sắc đỏ trong bảng giá của nhóm. Bất chấp những lo ngại về sản lượng và chất lượng cà phê tại Việt Nam vẫn chưa thuyên giảm do những cơn mưa đúng thời điểm thu hoạch chính, cũng như việc tỷ giá USD/VND ở mức thấp sẽ hạn chế việc đẩy nguồn cung ra thị trường của nông dân, giá Robusta vẫn tăng nhẹ 0,58%, trái chiều với các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp.

Bông cũng là mặt hàng ghi nhận sắc xanh trong phiên hôm qua với mức tăng mạnh gần 3% nhờ đồng Dollar Mỹ suy yếu. Theo đó, Dollar Index trong phiên hôm qua giảm gần 1 %, đồng nghĩa với việc Dollar Mỹ yếu đi và giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chính điều này đã kích thích lực mua trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh.

Một mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong phiên hôm qua là đường 11 với gần 2%. Giá dầu thô tăng phiên thứ 2 liên tiếp đã phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol. Điều này gián tiếp khiến nguồn cung đường suy yếu, từ đó hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Pháp dự kiến sản lượng củ cải đường năm nay sẽ giảm 8,2% cũng là nhân tố thúc đẩy giá tăng do thị trường lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Dầu cọ là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong hôm qua với mức tăng mạnh gần 4%, đây cũng chính là mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 01/11 ngay sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó. Ủy ban dầu cọ Malaysia vừa công bố dữ liệu tháng 11 và tồn kho dầu cọ nhỏ hơn nhiều so với kỳ vọng. Cùng với đó, đồng Ringgit, đơn vị tiền tệ giao dịch của dầu cọ, giảm phiên thứ sáu liên tiếp so với đồng đô la Mỹ. Đồng ringgit yếu hơn khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn tại thị trường quốc tế.
Triển vọng nguồn cung toàn cầu tích cực sẽ hạn chế đà tăng mạnh của giá cà phê
Theo MXV, nhìn chung, xét trong dài hạn, triển vọng nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ tới đang tương đối tích cực. Cùng với đó, lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu do tăng trưởng kinh tế chậm; đây sẽ là 2 yếu tố quyết định, làm hạn chế đà tăng của giá cà phê trong năm sau. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một vài các hỗ trợ cho giá như là điều kiện thời tiết bất lợi hay diện tích gieo trồng có thể bị thu hẹp. Trong tuần này, nhà đầu tư đang chờ đợi Báo cáo quan trọng của Cơ quan Cung ứng mùa vụ Brazil được phát hành vào tối ngày mai 15/12. Các số liệu từ báo cáo sẽ góp phần giúp nhà đầu tư xác định bức tranh tổng quan về nguồn cung cà phê của Brazil và từ đó tác động đến xu hướng giá. Nhiều khả năng giá cà phê đặc biệt là Arabica sẽ chỉ giằng co nhẹ chờ đợi các số liệu từ báo cáo.
Còn trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt quay đầu giảm, theo đà giảm chung của giá Robusta thế giới. Cụ thể, giá cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 40.200 – 41.00 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)