Điểm sáng của thị trường trong ngày hôm qua là nhóm dầu thực vật với mức tăng khá mạnh, đi ngược lại xu hướng chung. Cụ thể, dầu cọ tăng 3,4% lên 845,14 USD/tấn và dầu đậu tương tăng 2,84% lên 1.515,46 USD/tấn. Trong khi đó, nhóm năng lượng dẫn đầu đà suy yếu với mức giảm sâu của các mặt hàng xăng dầu, khí. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng giảm 6%, đạt 4.200 tỷ đồng, tương đương với mức trung bình trong tháng 10.

Dầu cọ thô bật tăng lên mức cao nhất 07 tuần
Kết thúc phiên giao dich 18/10, dầu cọ thô là mặt hàng nguyên liệu công nghiệp duy nhất đóng cửa trong sắc xanh. Như vậy, mặt hàng này ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp và đạt mức giá cao nhất trong 07 tuần gần đây. Lo ngại lũ lụt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Malaysia kết hợp với căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đen có thể khiến nguồn cung dầu hướng dương suy yếu, đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu cọ tăng lên, là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, đang xem xét việc tăng thuế nhập khẩu dầu cọ thô. Đây có thể sẽ là thông tin tiêu cực đối với giá dầu cọ nếu thuế nhập khẩu thực sự tăng do nó có thể hạn chế lượng dầu cọ mà Ấn Độ nhập khẩu.

Ở chiều ngược lại, cà phê Arabica tiếp tục suy yếu với phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Mưa vẫn được dự báo sẽ xuất hiện tại vùng Trung Nam, đặc biệt là Minas Gerais, bang sản xuất cà phê chính của Brazil trong 15 ngày tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây thực sự là thông tin tốt đối với sự phát triển của cây cà phê ở thời điểm hiện tại, điều này đưa đến một hứa hẹn về triển vọng nguồn cung tích cực hơn cho niên vụ tiếp theo tại Brazil. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đã thúc đẩy giá tiếp tục giảm trong phiên hôm qua. Tuy vậy, đồng Real khởi sắc đã phần nào hạn chế lực bán từ phía nông dân brazil từ đó kìm chế đà lực giảm của mặt hàng này, đóng cửa giá chỉ giảm 0,23%.

Hai mặt hàng đường cũng ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp đối với mức giảm 0,53% của đường 11 và gần 2% của đường trắng. Sản lượng đường niên vụ 22/23 của Ấn Độ dự kiến vào khoảng 36,5 triệu tấn, tăng 2% so với mức 35,8 triệu tấn trong niên vụ trước. Đây được cho là nhân tố gây áp lực lên giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ đường.
Cũng không nằm ngoài xu hướng suy yếu của các mặt hàng trong nhóm, giá bông hôm qua ghi nhận mức giảm gần 1%. Ấn Độ, nước có sản lượng bông lớn thứ 2 thế giới, có khả năng sản xuất 34,4 triệu kiện trong niên vụ 22/23, tăng 12% so với niên vụ trước do nông dân mở rộng diện tích trồng. Bên cạnh đấy, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ nới lỏng các lệnh áp đặt đối với Covid-19, điều này dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này, từ đó gây sức ép lên giá.
Giá năng lượng đồng loạt suy yếu
Khí tự nhiên là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của thị trường trong ngày hôm qua ngày 18/10, khi lao dốc 4,23% xuống 5,75 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây. Giá dầu cũng giảm mạnh, khi một loạt các thông tin tiêu cực về nguồn cung và nhu cầu gây áp lực lên thị trường. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,09% xuống 82,82 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,74% xuống 90,03 USD/thùng.

Quyết tâm hạ nhiệt giá dầu khiến cho chính phủ Mỹ tăng tốc trong việc hoàn thành chương trình mở bán dầu từ kho dự trữ chiến lược SPR ra thị trường. Theo dự kiến, Mỹ sẽ sớm công bố kế hoạch giải phóng 10 – 15 triệu thùng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/dầu cho tháng 11 và 12. Giá xăng dầu, một trong những chỉ báo mạnh mẽ nhất về lạm phát, là vấn đề đau đầu với nước Mỹ và đặc biệt là Đảng Dân chủ trước thềm bầu cử, do đó Tổng thống Biden đang tìm kiếm mọi biện pháp có thể để kiểm soát thị trường, và việc mở bán thêm dầu từ kho dự trữ vẫn đang được xem xét. Tuy vậy, việc mở kho dự trữ sẽ có tác động lớn đến thị trường Mỹ hơn so với các thị trường khác, do đó giá WTI chịu ảnh hưởng mạnh hơn so với giá Brent. Chênh lệch giá 2 mặt hàng này hiện đã lên đến 7 USD/thùng.

Ngoài ra, việc Trung Quốc vẫn chưa công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng cũng khiến thị trường lo ngại về sức khỏe kinh tế nước này. Phần lớn giới phân tích cho rằng các dữ liệu không mấy lạc quan là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ lần này. Điều này khiến cho tâm lý thị trường trở nên tiêu cực, đặc biệt khi số liệu tăng trưởng GDP quý III bị chậm trễ và đến giờ vẫn chưa có dự kiến nào về thời gian số liệu được công bố.
Tuy vậy, sáng hôm nay, Viện Dầu khí Mỹ API cho biết trong tuần kết thúc ngày 14/10 tồn kho dầu giảm 1,3 triệu thùng, tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng, nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm ở mức 2,2 và 1,1 triệu thùng, có thể trở thành yếu tố hỗ trợ thị trường.
Giá gas trong nước tiếp tục ổn định
Giá khí tự đốt thế giới liên tục suy yếu kéo giá gas nhập khẩu giảm theo. Theo ghi nhận, giá gas thế giới bình quân tháng 10/2022 chốt hợp đồng ở mức 575 USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng 9. Các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng có những điều chỉnh giảm theo thị trường khí thế giới.
Từ ngày 1/10, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước tiếp tục giảm 18.000 đồng mỗi bình gas loại 12kg, loại 45kg giảm 67.500 đồng/bình, tùy thương hiệu. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp gas giảm giá và là lần thứ 7 trong năm 2022 giá gas giảm với tổng mức giảm 122.000 đồng/bình 12kg. 

Nguồn: Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)