Giá dầu nối dài đà giảm
Giá dầu tiếp tục suy yếu về mức thấp nhất trong vòng hai tuần, khi những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Kết thúc phiên 22/02, giá dầu thô WTI giảm 3,16% về 73,95 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,80% về 80,45 USD/thùng.
Lực mua khan hiếm ngay từ đầu phiên khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed. Bước vào phiên tối, giá lao dốc khi biên bản chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục quyết tâm với mục tiêu chống lạm phát. Mặc dù các quan chức nhận thấy lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ có thể sẽ gây áp lực lên tiền lương và giá cả. Vì thế, biên bản cho thấy các thành viên tin rằng việc tăng lãi suất hiện nay là cần thiết, và phần lớn các quan chức ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản.
Các nhà phân tích đang dự báo mức lãi suất đỉnh có thể chạm 5,6% thay vì mức 5,1% như trước đó. Điều này đã khiến cho đồng USD tăng giá mạnh mẽ so với các loại tiền tệ khác, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức 104,59 điểm, và là mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 1 tới nay.
Giá dầu suy yếu khi đồng bạc xanh tăng giá khiến chi phí đầu tư và kinh doanh nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, động thái mạnh tay chống lạm phát của Fed có thể khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Đây là yếu tố khiến triển vọng tiêu thụ dầu trong trung và dài hạn bị xấu đi, khiến cho giá dầu có mức giảm mạnh nhất theo ngày, trong vòng ba tuần.
Ngân hàng Morgan Stanley mới đây đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của năm 2023 lên 1,9 triệu thùng/ngày, từ mức 1,4 triệu thùng trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent trong hai năm 2023 và 2024 trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ giảm 400.000 thùng thay vì 1 triệu thùng như dự báo.
Cụ thể, giá dầu Brent sẽ giao dịch trong phạm vi từ 90-100 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, giảm so với ước tính trước đó là 100-110 USD. Bước sang năm 2024, giá dầu Brent được dự báo giao dịch ở mức 95 USD/thùng, so với mức 110 USD/thùng trước đó.
Rạng sáng nay, báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 17/01 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 9,9 triệu thùng. Tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,4 triệu thùng, và 890.000 thùng. Tất cả số liệu đều tăng mạnh hơn so với dự báo, và việc tồn kho dầu tăng mạnh tuần thứ hai liên tiếp có thể sẽ khiến cho đà giảm của giá dầu được duy trì phiên sáng.
Cà phê Robusta tăng hơn 3%
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/02, hai mặt hàng cà phê nối dài đà tăng, đặc biệt Robusta đã chạm mức cao nhất trong gần 5 tháng.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi thị trường tiếp tục hấp thụ thông tin cơ bản trên thị trường. Giá hàng thực tăng mạnh tại các nước cung ứng chính như Brazil và Colombia khi nông dân hạn chế bán hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Điều này cũng góp phần khiến tồn kho Arabica trên Sở ICE New York tiếp tục giảm thêm 17.106 bao loại 60kg, về mức 814.966 bao, thấp nhất trong 7 tuần và hỗ trợ giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng.
Robusta cũng ghi nhận mức tăng mạnh 3,38%, giúp giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 09/2022. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục nối dài đà tăng lên mức 64.710 tấn, cao nhất trong 1 tháng.
Đường thô có phiên giao dịch khá giằng co, đóng cửa, giá giảm nhẹ 0,15%. Một mặt giá nhận được hỗ trợ từ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Ấn Độ. Mặt khác, dầu thô giảm mạnh hơn 3% đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung tại đây nới lỏng, từ đó hạn chế những lo ngại thiếu hụt trước đó và gây sức ép khiến giá giảm.
Mặc dù khởi sắc mạnh mẽ trong phiên hôm qua nhờ sự hỗ trợ từ đà khởi sắc của giá dầu đậu tương, tuy nhiên giá dầu cọ đóng cửa với mức tăng không đáng kể trước áp lực bán chốt lời lớn từ các nhà đầu tư. Một đợt sương giá xảy ra vào giữa mùa hè tại Argentina đã khiến triển vọng vụ đậu tương của nước này trở nên tồi tệ hơn và đe dọa khiến sản lượng dầu đậu tương của Argentina bị thu hẹp đáng kể trong năm nay. Đây là yếu tố đã hỗ trợ mạnh cho giá dầu đậu tương và gián tiếp thúc đẩy đà tăng của giá dầu cọ trong đầu phiên hôm qua.
Xuất khẩu cà phê tăng mạnh cả về lượng và giá trị
Trên thị trường nội địa, theo sát diễn biến giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh từ 400 -600 đồng/kg. Theo đó, cà phê đang được thu mua trong khoảng giá 45.600 – 46.500 đồng/kg. Như vậy, so với hồi đầu tháng 02, giá cà phê trong nước đã tăng rất mạnh đến 3.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 02, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 90,3 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 197 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 01/02 – 15/02 đã tăng mạnh 56% về lượng và 51% về giá trị.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)