Giá đường khởi sắc do nguồn cung thu hẹp
Kết thúc ngày giao dịch 22/09, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự phân hóa.
Dẫn đầu xu hướng tăng của nhóm là 2 mặt hàng đường với mức tăng tương ứng gần 3% của đường trắng và hơn 1% của đường tinh luyện. Việc mưa lớn diễn ra trong một khoảng thời gian dài tại khu vực trồng mía chính, đã khiến tiến độ thu hoạch bị đình trệ, từ đó giới hạn nguồn cung trong ngắn hạn tại Brazil. Bên cạnh đó, giá dầu có sự khởi sắc do những căng thẳng địa chính trị, khiến các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol hơn so với đường. Điều này một lần nữa đẩy nguồn cung đường vào thế suy yếu, đồng thời hỗ trợ đà tăng của giá.
Theo sau 2 mặt hàng đường chính là sự khởi sắc với mức tăng giao động khoảng 1% của 2 mặt hàng cà phê. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm 15.080 bao loại 60kg, đẩy tổng lượng dự trữ hiện tại về mức 484.408 bao, thấp nhất trong vòng hơn 23 năm qua. Đây là yếu tố gây áp lực lên nguồn cung cà phê ở thời điểm hiện tại khi trước đó Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil mới hạ dự báo sản lượng Arabica tại Brazil trong năm nay khoảng 3,3 triệu bao.
Ở chiều ngược lại, đồng Dollar Mỹ tiếp tục neo ở mức cao trong vòng 20 năm qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất với 75 điểm cơ bản. Thông tin này đã đẩy giá bông Mỹ trở nên đắt hơn so với khách hàng nắm giữ các đồng tiền khác, khiến lực mua suy yếu. Bên cạnh đấy, thời tiết tại Mỹ cũng được dự báo đang rất ủng hộ cho quá trình thu hoạch bông tại các bang sản xuất chính, dự kiến sẽ cung cấp một lớn bông cho thị trường trong thời gian tới, đồng thời gây áp lực lên giá.
Trong khi đó, bất chấp việc dự trữ dầu cọ trong tháng 12 năm nay của Indonesia có thể giảm mạnh do miễn thuế nhập khẩu, cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao từ Ấn Độ, giá mặt hàng này trong phiên hôm qua vẫn ghi nhận mức giảm 1,57%.
Giá dầu nhích trở lại trong một phiên giao dịch giằng co
Giá dầu tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường giằng co với 1 bên là triển vọng kinh tế tiêu cực và một bên là các bất ổn trong nguồn cung. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,66% lên 83,49 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,82% lên 89,53 USD/thùng.
Đà tăng của dầu được hỗ trợ bởi thông tin các nước châu Âu EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 8 lên Nga. Biện pháp này có thể phần nào gây gián đoạn dầu của Nga, trong khi trên thị trường không có nhiều nguồn cung thay thế. Theo bộ trưởng năng lượng Nigeria, OPEC có thể sẽ cắt giảm sản lượng nếu giá dầu tiếp tục giảm. Tại vùng giá hiện tại, một số thành viên trong nhóm sẽ gặp khó khăn trong ngân sách. Đây là yếu tố sẽ liên tục tạo ra hỗ trợ cho giá dầu tại vùng giá 80 USD/thùng, và tạo ra lực mua “bắt đáy” mỗi khi giá tiến sát vùng này.
Tuy vậy, giá dầu nhanh chóng gặp áp lực trở lại khi tiến đến kháng cự vùng 86 USD/thùng. Lực bán tiếp tục gia tăng khi ngân hàng trung ương Anh BOE tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm, theo sau quyết định tăng lãi suất 75 điểm phần trăm của Fed ngày hôm trước. Trong tuần này, Thụy Sĩ, Na Uy, Nam Phi, Indonesia cũng đã tiến hành tăng lãi suất, khiến cho áp lực gia tăng trên thị trường tài chính nói chung. Lo ngại về các hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng suy yếu là yếu tố trực tiếp tác động tiêu cực lên các mặt hàng nhóm năng lượng. Trong khi đó, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển về tài sản trú ẩn, đặc biệt là Dollar Mỹ. Chênh lệch lãi suất giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác khiến cho Dollar Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư và khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Thị trường dầu thô sẽ còn đối mặt với nhiều rung lắc
MXV nhận định, hôm nay khả năng cao sẽ tiếp tục là một ngày giao dịch biến động đối với thị trường, với một bên là các lo ngại về gia tăng căng thẳng địa chính trị, và một bên là một loạt các chỉ số kinh tế Mỹ công bố trong phiên tối. Các thông tin liên quan đến phản ứng của EU và Nga về cuộc chiến tại Ukraine, các gói cấm vận cũng như phát biểu của các thành viên OPEC cũng sẽ đặc biệt được quan tâm trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên, theo MXV, thị trường dầu thô vẫn chưa thể tìm được điểm tựa vững chắc từ các yếu tố cơ bản về cung cầu, thay vào đó lại gặp phải sức ép rất mạnh đến từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là cuộc chiến chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Từ nay đến cuối năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ còn 2 lần điều chỉnh lãi suất, do đó thị trường dầu thô sẽ còn phải đối mặt với nhiều rung lắc trong thời gian tới. Các yếu tố về vĩ mô sẽ tiếp tục quyết định hướng đi của thị trường, cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong cân bằng cung-cầu.
Không chỉ nhà đầu tư mà những doanh nghiệp kinh doanh cũng sẽ cần phải chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thế giới có thể tiếp tục giảm.