Năng lượng là nhóm mặt hàng duy nhất duy trì được đà tăng trong ngày hôm qua. Trong khi đó, sức ép bán vẫn gia tăng trên cả ba thị trường còn lại là nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại.
Kim loại đồng loạt giảm giá
Thêm một phiên giao dịch bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim chấm dứt đà tăng 2 phiên liên tiếp sau khi giảm 2,65% xuống 1.029,5 USD/ounce. Giá bạc giảm 1,63%, chốt phiên tại mức 23,24 USD/ounce.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, vai trò trú ẩn của kim loại quý có phần thất thế hơn khi nhà đầu tư phân bổ danh mục đầu tư sang nắm giữ tiền mặt với tính thanh khoản và trú ẩn cao.
Các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đại diện Đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ của Mỹ tiếp tục kéo dài mà không đạt được thỏa thuận nào. Điều này khiến nhà đầu tư ngày càng lo lắng khi nguy cơ vỡ nợ vào ngày 01/06 đang đến gần.
Biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố đêm qua cho thấy Fed vẫn còn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất. Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết việc chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất là không có khả năng.
Sau khi biên bản họp được công bố, số nhà đầu tư cho rằng Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 đã tăng lên 36,4%, từ mức 28,1%, theo công cụ CME FedWatch.
Lo ngại rủi ro vỡ nợ và lãi suất tiếp tục tăng đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Chỉ số Dollar Index tăng thêm 0,39% lên 103,89 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn làm giảm sức mua bạc và bạch kim. Hơn nữa, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,54% xuống 3,56 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Mặt hàng này chịu sức ép khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng lại tương đối ổn định. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng tinh luyện thặng dư 2.000 tấn trong tháng 3. Tính trong quý I/2023, mức thặng dư đã tăng lên 332.000 tấn, tăng hơn 40 lần so với mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Giá sắt cũng giảm mạnh 4,52% xuống 95,46 USD/tấn. Triển vọng ngành thép kém sắc tiếp tục làm giảm sức mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội thép thế giới (WorldSteel), tổng sản lượng thép thô trên thế giới ghi nhận được trong tháng 4 đạt 161,4 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu tăng 2%
Thị trường dầu thô tiếp tục duy trì được sắc xanh phiên thứ ba liên tiếp với giá dầu thô WTI tăng 1,96% lên 74,34 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,94% lên 78,23 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên sáng, ngay cả khi Báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API), cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 6,8 triệu thùng trong tuần trước, do tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư trước việc đàm phán nâng trần nợ công của Mỹ rơi vào bế tắc.
Sức bán giảm dần từ phiên chiều, và giá dầu thực sự tăng trở lại nhờ sự hỗ trợ từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 12,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/05, mức giảm mạnh hơn số liệu của API và trái với dự báo tăng trước đó. Kết hợp với mức giảm 1,6 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược (SPR), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần qua giảm tới 14,1 triệu thùng.
Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 600.000 thùng. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo phản ánh nhu cầu tiêu dùng thực tế của người Mỹ trong tuần, tăng mạnh lên 20,7 triệu thùng, vượt qua cả mức trung bình bốn tuần là 20,1 triệu thùng.
Báo cáo của EIA cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ tăng mạnh và có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới, khi Kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm (Memorial Day) và mùa du lịch cao điểm đang đến gần.
Trong phiên tối, diễn biến của giá dầu khá giằng co, trước sức ép từ việc đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung sau báo cáo của EIA đã lấn át các yếu tố này, và giúp cho giá dầu duy trì được đà tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Kết hợp với phát biểu trước đó của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cảnh báo những nhà giao dịch đang bán khống trên thị trường dầu thô, nhiều nhà phân tích đang dự báo nguồn cung sẽ có nguy cơ thắt chặt nghiêm trọng hơn nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu và đồng minh OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào đầu tháng 6 sắp tới.