Cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, nhóm nông sản tiếp tục dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với nhiều mặt hàng ghi nhận các mức tăng vọt. Bên cạnh đó, thị trường năng lượng, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu cũng đóng góp đáng kể vào đà tăng chung của chỉ số hàng hoá trong ngày hôm qua.
Lúa mì tăng kịch trần, giá ngô tăng mạnh nhất 2 năm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, thị trường ngô và lúa mì đã “dậy sóng” trở lại khi tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ngày càng gặp phải nhiều thách thức hơn. Giá ngô đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng dẫn dắt nhóm nông sản khi đóng cửa ở mức kịch trần. Theo MXV, diễn biến nhảy vọt gần đây của giá nông sản cũng tương tự như giai đoạn ngay sau khi xung đột Nga Ukraine nổ ra lần đầu vào tháng 2/2022.
Căng thẳng không ngừng leo thang khiến cho lo ngại về hoạt động xuất khẩu và triển vọng nguồn cung dài hạn từ khu vực Biển Đen sẽ càng khó quay trở lại bình thường. Điều này cũng lý giải cho diễn biến tăng vọt của giá ngô và lúa mì trong phiên hôm qua khi khu vực này chiếm 25% lượng lúa mì và 17% lượng ngô thế giới.
Trong khi đó, mới đây, Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) đã cắt giảm hầu như toàn bộ triển vọng năng suất cây trồng năm nay của khối, chủ yếu do thời tiết khô và nóng. MARS hạ dự báo năng suất lúa mì mềm năm nay của EU xuống 5,80 tấn/héc-ta, từ mức 5,92 tấn/héc-ta được đưa ra trong tháng trước. Đối với ngô, MARS cắt giảm dự báo năng suất năm nay của khối xuống 7,53 tấn/héc-ta, từ mức 7,61 tấn/héc-ta ước tính hồi tháng 06. "Lý do chính khiến dự báo sản lượng ngô bị cắt giảm là do điều kiện khô hạn hơn bình thường xảy ra trong hơn một tháng qua ở phần lớn phía tây, trung và bắc Âu, cũng như phía đông Romania", MARS báo cáo. Những thông tin trên đều đang phản ánh khả năng nguồn cung ngũ cốc toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng so với kỳ vọng ban đầu và cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô và lúa mì.
Dầu thô vững vàng trên vùng giá cao nhất 3 tháng
Dầu thô tiếp tục đón nhận lực mua mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/07, trong bối cảnh lo ngại thâm hụt nguồn cung, và tín hiệu kinh tế tích cực hơn tại các quốc gia tiêu thụ hàng đầu, điển hình như Mỹ và Trung Quốc. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 2,17% lên mức 78.74 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Dầu Brent đóng cửa sát mốc 83 USD/thùng sau khi tăng 2,29%.
Đơn vị nghiên cứu của Ngân hàng CitiBank cho biết rằng giá dầu tăng đang phản ánh "tác động của việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu, trong khi nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay cũng được thúc đẩy trong giai đoạn mùa hè". Đơn vị này dự báo mức giá trung bình trong quý III là 83 USD/thùng.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cũng đã cam kết vào ngày 24/07 rằng sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh quốc gia đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước. Thông tin này củng cố thêm cho tâm lý của các nhà đầu tư về kỳ vọng tiêu thụ dầu thô và nhiên liệu của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm, làm gia tăng rủi ro chênh lệch cán cân cung cầu.
Trong khi đó, loại dầu xuất khẩu hàng đầu của Nga, dầu Urals đã tăng lên 62,92 USD/thùng tại cảng Primorsk ở Biển Baltic. Đây là mức giá cao hơn trần giá 60 USD/thùng mà các quốc gia trong nhóm G7 và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời phản ánh nhu cầu cải thiện.
Về yếu tố vĩ mô, các tín hiệu kinh tế tích cực từ Mỹ cũng ủng hộ cho xu hướng tăng của giá dầu. Lạm phát hạ nhiệt, trong khi thị trường lao động mạnh mẽ làm gia tăng kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” trong tương lai và có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng tăng lãi suất.
MXV cho biết, hiện các nhà đầu tư đã định giá Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm, đồng thời phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến vẫn kỳ vọng đây sẽ là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt hiện tại của Mỹ.