Dẫn dắt xu hướng tăng trên thị trường là nhóm năng lượng, đặc biệt là mặt hàng dầu thô. Rủi ro nguồn cung dầu gián đoạn tiềm ẩn, kéo giá dầu cắt đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Trái lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp thu hút sự chú ý với đà giảm mạnh của giá cà phê Arabica sau khi tăng 6 phiên trước đó.
Giá dầu đảo chiều tăng mạnh cuối phiên
Căng thẳng ở Trung Đông leo thang khi Israel tăng cường ném bom vào phía Nam dải Gaza, chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Mối lo nguồn cung dầu bị ảnh hưởng đã kéo giá dầu bật tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên ở mức 85,39 USD/thùng, tăng 1,97% so với phiên trước. Giá dầu Brent tăng 2,34% lên 90,13 USD/thùng.
Về phía nhu cầu, công ty nghiên cứu IIR Energy cho biết các nhà máy lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm công suất lọc dầu ngoại tuyến khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 27/10. Điều này đồng nghĩa với việc tổng công suất lọc dầu sẵn có trong tuần này của Mỹ sẽ tăng thêm 273.000 thùng/ngày. Thông lượng lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ tăng trở lại có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô, hạn chế dòng chảy dầu xuất khẩu.
Thêm vào đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quốc gia này dự kiến sẽ đặt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong năm 2024 cho các công ty tư nhân ở mức 243 triệu tấn, cao hơn 20% so với con số 203,64 triệu tấn được phân bổ tính đến tháng 10/2023. Điều này có thể khiến các công ty tư nhân tăng cường công suất lọc dầu và thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu dầu thô.
Trước đó, giá dầu gặp áp lực trong phần lớn thời gian phiên do tồn kho Mỹ tăng trái chiều với mức dự báo. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/10 bất ngờ tăng thêm 1,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với mức giảm mạnh 2,7 triệu thùng trong báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho xăng cũng ghi nhận mức tăng 156.000 thùng, trong khi thị trường kỳ vọng mức giảm 1,2 triệu thùng.
Giá Arabica quay đầu giảm sau 6 phiên tăng liên tiếp
Trái ngược với diễn biến trên thị trường năng lượng, trên nguyên liệu công nghiệp, mặc dù có tới 8 mặt hàng tăng giá nhưng đà giảm mạnh của giá hai mặt hàng cà phê gây ra chú ý lớn. Cụ thể, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 3,48% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Giá Robusta tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm 1,04%.
Thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy xuất khẩu đang tăng trưởng tốt tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong 24 ngày đầu tháng 10, quốc gia này đã xuất đi 2,61 triệu bao Arabica dạng hạt, gần gấp đôi mức 1,4 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Cùng trong thời gian này, gần 500.000 bao Robusta dạng hạt đã được xuất khẩu, cao hơn mức cùng kỳ tháng trước và tăng gấp 4 lần tổng lượng cà phê xuất đi trong tháng 10/2022.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá bông ghi nhận mức tăng hơn 1% trong phiên hôm qua khi thị trường chờ đợi số liệu từ báo cáo xuất khẩu hàng tuần.
Trong báo cáo tuần trước, cả bán hàng và xuất khẩu bông đều có sự cải thiện so với dữ liệu trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 12/10, Mỹ đã bán và xuất khẩu lần lượt 71.300 và 109.900 kiện bông, tăng lần lượt 64%, 6% so với dữ liệu thấp kỷ lục trong báo cáo trước đó.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê trung bình ở mức 60.000đ/kg hạ khoảng 100 - 200 đồng so với ngày hôm trước. Trong đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm khoảng 100 đồng, xuống dao động trong khoảng 60.200 - 61.000 đồng/kg.