Dầu thô đứt chuỗi giảm mạnh 3 ngày ngay trước thềm họp OPEC
Đóng cửa ngày ngày 3/10, dầu thô cắt đứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp trước đó. Thị trường hiện lo ngại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) sẽ quyết định duy trì cắt giảm tự nguyện và thị trường dầu tiếp tục thâm hụt cuối năm nay. Tuy nhiên, áp lực kinh tế vĩ mô gần đây đã hạn chế đáng kể đà tăng mạnh của giá.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,46% lên mức 89,23 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 90,92 USD/thùng sau khi tăng 0,23%.

Theo Bloomberg, OPEC+ dự kiến sẽ không giảm bớt việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vào hôm nay (4/10). Các đại biểu của nhóm cho biết họ không mong đợi ủy ban đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào về sự thay đổi chính sách, cho dù thị trường dầu ngày càng thắt chặt và lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu nếu giá vẫn ở mức cao trên 90 USD và gần 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, hãng tin Reuters cho biết Saudi Arabia có thể tăng giá dầu thô Arab Light sang Châu Á tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 11 do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện kéo dài và nhu cầu phục hồi trong khu vực.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát của Reuters, gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco có thể tăng giá bán chính thức (OSP) dầu thô chua trung bình thêm khoảng 45 cent/thùng trong tháng 11, mức cao nhất trong năm 2023.
Tổng thư ký OEPC, ông Haitham Al Ghai cho rằng nhu cầu năng lượng và dầu toàn cầu ngày càng tăng sẽ khiến giá dầu thô thế giới vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
Al Ghais cho biết nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng khoảng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm trước và thêm 2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Mặc dù vậy, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang trở thành sức ép ngăn cản đà tăng mạnh lại của giá dầu. Đồng USD tiếp tục đà tăng cao so với các đồng tiền thương mại khác, khiến chi phí nhập khẩu dầu bằng USD đắt đỏ hơn, hạn chế sức mua.
Dữ liệu cơ hội việc làm Mỹ tháng 9 của JOLTs bất ngờ tăng mạnh lên mức 9,61 triệu trong tháng 8/2023, cao hơn nhiều so với dự báo giảm xuống còn 8,8 triệu việc làm. Điều này tạo thêm không gian cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao, tạo ra rủi ro làm giảm nhu cầu và giá dầu.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, mạnh hơn dự báo giảm 500.000 thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho xăng cũng tăng mạnh 3,9 triệu thùng, nên nhiều khả năng giá dầu sẽ biến động giằng co trong phiên mở cửa.
Cà phê Robusta giảm mạnh 2%

Kết thúc ngày giao dịch 3/10, sắc đỏ hoàn toàn phủ kín bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.

MXV cho biết việc đồng Real mất giá so với đồng USD trong hôm qua đã thúc đẩy lực bán đường tại Brazil, khiến giá đường 11 giảm mạnh 2,58%. Đồng thời, tín hiệu xuất khẩu đường tích cực tại nước này cũng đã tiếp tục tạo áp lực lên giá và lấn át lo ngại về nguồn cung thấp tại các quốc gia sản xuất lớn ở Châu Á. Theo thông tin từ chính phủ Brazil, quốc gia này đã xuất khẩu 3,21 tấn đường trong tháng 9, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, giá dầu cọ rung lắc mạnh trong hôm qua và cũng đã đóng cửa trong sắc đỏ. Mặc dù vậy, mặt hàng này ghi nhận mức giảm nhẹ nhất trong nhóm, chỉ 0,18%.
Một mặt, triển vọng nguồn cung mở rộng từ nhà sản xuất hàng đầu là Indonesia đã gây sức ép lớn lên giá. Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) dự báo sản lượng dầu cọ thô của nước này sẽ tăng 5% trong năm nay lên mức 49 triệu tấn.
Mặt khác, sự hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu đậu tương đã giúp giá dầu cọ hồi phục, kiềm chế lực bán đối với mặt hàng này.
Trên thị trường cà phê, giá Arabica chỉ giảm nhẹ 0,23%, trong khi Robusta mất đi 2,07% giá trị so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê được đấy mạnh tại 1 số quốc gia cung ứng chính đã gây sức ép lên giá.
Trong tháng 9, Brazil đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê (2,69 triệu bao loại 60kg), tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022, dữ liệu từ chính phủ nước này. Giới phân tích nhận định, xuất khẩu cà phê tại Brazil sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho đến hết tháng 11 năm nay nhờ vào nguồn cung sẵn có.
Còn tại Costa Rica, quốc gia này đã xuất khẩu 51.884 bao cà phê trong tháng 9, tăng mạnh 84,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Cà phê ICAFE.
Bên cạnh đó, đồng Real của Brazil yếu đi, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2%. Chênh lệch tỷ giá gia tăng đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân nước này do thu về nhiều nội tệ hơn.
Cùng chung xu hướng thế giới, ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm mạnh 1.000 đồng/kg, đánh dấu ngày giảm thứ 3 liên tiếp. Sau điều chỉnh, giá thu mua cà phê trong nước về mức 64.800 - 65.600 đồng/kg.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)