Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/03, giá ngô vẫn chỉ đang giằng co quanh vùng tham chiếu như diễn biến của vài phiên vừa qua. Thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục sau chuỗi giảm mạnh vì kì vọng thời tiết của Argentina tuy nhiên tâm lí chờ đợi của của giới đầu từ trước 2 báo cáo quan trọng được USDA phát hành vào tối mai đang hạn chế biến động của giá. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các số liệu sắp tới có thể sẽ không mang lại nhiều tác động đáng kể đối với xu hướng trung hạn của ngô.
Kể từ đầu tuần trước, các đơn hàng Daily Export Sales liên tục được phát hành hàng ngày với khối lượng ngô khoảng 100,000 – 200,000 tấn bán sang Trung Quốc. Nhu cầu từ quốc gia tỉ dân này lại một lần nữa được đẩy mạnh khi thực hiện các chính sách mở cửa trở lại, tương tự như tình hình năm 2021. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu giá ngô có tăng vọt như 2 năm trước hay không?
Quay trở lại giai đoạn này, không chỉ ngô mà thị trường hàng háo cũng bước vào chuỗi siêu chu kì tăng giá do triển vọng tích cực và kì vọng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ngược lại, tình hình lạm phát lại đang là mối nguy và gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Chính vì thế nên nhu cầu của Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mức cao và duy trì như các đơn hàng trên 1 triệu tấn vào năm 2021. Nguyên nhân của việc mua hàng trong thời gian gần đây đến từ việc nguồn cung sẵn có ở Nam Mỹ thắt chặt và nông dân ưu tiên việc xuất khẩu đậu tương hơn. Cho tới khi Brazil thu hoạch vụ ngô safrinha kỉ lục thì giá ngô sẽ chịu áp lực bán mạnh do thỏa thuận thương mại giữa Brazil và Trung Quốc được kí kết vào năm ngoái đã mở ra triển vọng cơ cấu xuất khẩu tăng vọt của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc nhu cầu với ngô Mỹ gia tăng cũng sẽ là yếu tố khiến cho giá ngô sẽ khó có thể giảm sâu. Trong báo cáo Export Sales được USDA phát hành vào tối nay, thị trường đang kì vọng khối lượng bán hàng có thể sẽ đạt mức 600,000 – 1,800,000 tấn.

Nguồn cung được kỳ vọng nới lỏng khi một số nới tại Brazil bắt đầu thu hoạch khả năng cao sẽ gây áp lực lên giá cà phê
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/03, hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu. Trong đó, Arabica giảm mạnh hơn 2% về mức thấp nhất trong 2 tháng khi thị trường tiếp tục phản ứng với triển vọng nguồn cung nới lỏng trong năm nay tại Brazil. Số liệu xuất khẩu cà phê ước tính trong tháng 3 của Việt Nam tăng so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm ngoái là áp lực khiến Robusta mang sắc đỏ trong phiên hôm qua.
Thông tin Brazil chuẩn bị cung cấp lượng hàng lớn khi vụ thu hoạch năm nay diễn ra sớm với sản lượng được kỳ vọng nới lỏng hơn 2 năm trước đó, khiến tâm lý của các nhà xuất khẩu trở nên tích cực hơn, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu trong những ngày trước khi thu hoạch để có kho chứa cho cà phê niên vụ mới. Điều này giúp kích thích sự hồi phục của số lượng hàng xuất khẩu sau thời gian dài ảm đạm, từ đó góp phần gây sức ép lên giá.
Tuy vậy cũng cần chú ý đến tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York đang suy yếu nhẹ gần đây khi số bao bổ sung về mức 0. Trong trường hợp, số liệu tồn kho này tụt dốc sẽ khiến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường trở nên hoang mang, từ đó thúc đẩy lực mua trở lại và hạn chế sự suy yếu của giá.
Vắng bóng tin tức cơ bản mang tính hỗ trợ mạnh, giá đồng có thể tiếp tục đi ngang trong khoảng 4.05-4.12 USD/pound
Sau tuần tăng mạnh khiến giá đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng trong tuần giao dịch trước, giá đồng đã dần thu hẹp đà tăng trong 3 phiên gần đây do vắng bóng thông tin cơ bản mang tính hỗ trợ mạnh và áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Sáng nay giá cũng ghi nhận suy yếu nhẹ so với mức tham chiếu. Do đó, trong bối cảnh thiếu vắng chất xúc tác mạnh, dự báo giá đồng vẫn sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, đi ngang trong khoảng 4.05 – 4.12 USD.
Về yếu tố vĩ mô, áp lực về những lo ngại trong lĩnh vực ngân hàng đã dần giảm bớt, mới đây nhất, tâm lý thị trường tiếp tục được xoa dịu sau khi Ngân hàng UBS bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới để chỉ đạo việc tiếp quản Ngân hàng Credit Suisse, động thái này được phần lớn nhà đầu tư ủng hộ. Do đó, thị trường tài chính dần ổn định sẽ phần nào giúp thúc đẩy sức mua trên thị trường hàng hóa, hỗ trợ cho nhóm nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất, trong đó có kim loại đồng.
Tuy nhiên, với những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng đang giảm bớt, sự chú ý của thị trường đang dần chuyển sang lo ngại tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát. Do vậy, dự báo giá đồng vẫn chưa có sự bứt phá mạnh trước thềm Mỹ công bố dữ liệu Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát yêu thích của Fed, để có thêm manh mối về chính sách tiền tệ của Fed. Dữ liệu chỉ số PCE sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Bên cạnh đó, lo ngại về nguồn cung vẫn sẽ là yếu tố tiềm năng cản trở đà giảm mạnh của giá đồng. Dự trữ đồng tại kho của các Sở Giao dịch lớn vẫn đang ở ngưỡng rất thấp, tổng tồn kho trên cả 3 sở LME, COMEX và Thượng Hải hiện chỉ đạt 156,187 tấn. Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs đã cảnh báo lượng tồn kho đồng có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 125,000 tấn vào cuối quý II, trong khi một số mỏ liên tục bị phong tỏa tại Chile và Peru sẽ cần nhiều thời gian để hoạt động khai thác được khôi phục trở lại.

Giá dầu có thể giảm điều chỉnh và khó bứt phá qua vùng 75 USD/thùng trong phiên hôm nay
So với mức đáy gần nhất ở vùng 64 USD/thùng thiết lập vào ngày 20/3, giá dầu hiện đã tăng hơn 13% và đang tiến sát tới vùng kháng cự 75 USD/thùng. Tâm lý tích cực hơn trên thị trường tài chính và một số lo ngại về nguồn cung đã liên tục thúc đẩy lực mua đối với dầu thô. Hiện tại, các tin tức thiên về “bullish” vẫn đang chiếm ưu thế, với cuộc đình công tại Pháp kéo dài làm ảnh hưởng tới sản lượng lọc dầu tại nhiều nhà máy. Các nhà sản xuất đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị Kurdistan miền Bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía Bắc bị ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các tin tức này cũng đã được phản ánh vào giá, nên các nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn ở vùng giá sát 75 USD/thùng phiên hôm nay.
Dữ liệu GDP quý IV chính thức của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay. Ở lần báo cáo sơ bộ trước đó vào cuối tháng 2, tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm so với lần báo cáo đầu tiên, đạt mức 2.7% và cũng thấp hơn dự báo. Dự báo lần này cho thấy con số giữ nguyên ở mức 2.7%, tuy nhiên, trong trường hợp tăng trưởng GDP bị điều chỉnh giảm, kết hợp cũng với lo ngại về hệ thống tài chính ngân hàng có thể dần bóp nghẹt nền kinh tế, giá dầu có thể quay đầu giảm trở lại.
Tuy nhiên, đà giảm có thể chỉ là nhịp điều chỉnh, khi nhu cầu được dự báo sẽ có xu hướng tăng lên nhờ tiêu thụ tại Trung Quốc. Theo một nhóm cố vấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), sản lượng lọc dầu của quốc gia này trong năm nay được dự báo sẽ tăng 7.8%, đảo ngược sự suy giảm của năm ngoái.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)